03:07 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chuyên gia tư vấn Quang Minh: Chuyển đổi số - Con đường duy nhất để thành công

21:23 07/01/2022

(THPL) - Chuyển đổi số ngày càng được quan tâm trên bình diện toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Khi đại dịch COVID-19 hoành hành trên khắp thế giới trong suốt 2 năm qua, công cuộc chuyển đổi số như được thúc đẩy, có động lực phát triển mạnh mẽ hơn.

Thưa ông, chuyển đổi số trong thời gian vừa qua đã trở thành một từ khóa phổ biến. Vậy, từ góc độ quản trị doanh nghiệp và kinh doanh, chuyển đổi số nên được hiểu như thế nào và tại sao nó lại trở thành một yêu cầu hết sức cấp thiết và quan trọng trong tình hình hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam? 

Doanh nghiệp Việt vẫn đang dè dặt trong chuyển đổi số

Có nhiều khái niệm khác nhau về chuyển đổi số trong doanh nghiệp và kinh doanh,  nhưng theo một cách dễ hiểu nhất đó chính là một quá trình ứng dụng các công nghệ số và công nghệ liên quan khác trong quản trị và kinh doanh nhằm thay đổi phương thức, mô hình kinh doanh và vận hành, thay đổi văn hóa kinh doanh và hệ thống quản trị để đạt được các mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Chuyển đổi số không chỉ là câu chuyện của công nghệ hay ứng dụng công nghệ thông tin, mà quan trọng hơn, đó là vấn đề của văn hóa doanh nghiệp, của con người và hệ thống quản trị với những năng lực, tư duy, và kỹ năng, thói quen hành xử phù hợp trong thời đại mới.

Chúng ta đang sống trong một thời đại phức biến, với rất nhiều sự biến động phức tạp, nhanh chóng, liên tục của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội,... Trong đó, cùng với sự hình thành và ngày càng củng cố, phát triển của xã hội số - chính phủ số - nền kinh tế số và không gian số, thì chuyển đổi số đã trở thành con đường tất yếu và duy nhất của mọi doanh nghiệp, nếu muốn tồn tại và phát triển.

Bằng việc thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp sẽ nâng cao trải nghiệm khách hàng để mang tới sự hài lòng và gắn kết, trung thành của họ. Chuyển đổi số cũng giúp nâng cao, cải thiện trải nghiệm và năng suất làm việc của người lao động, hoàn thiện và tối ưu chất lượng, hiệu quả quản trị và vận hành của doanh nghiệp, góp phần sáng tạo ra các sản phẩm, giá trị, lợi ích cho khách hàng và thậm chí  ở mức cao nhất là sáng tạo mô hình kinh doanh mới trên cả không gian số và không gian thực. Với những lợi ích này, doanh nghiệp sẽ chiến thắng trong cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ, bền vững cùng thời gian.

Ở Việt Nam, khi một bộ phận quan trọng và đa số người tiêu dùng cũng như các đối tác và đối thủ cạnh tranh trong và ngoài nước đang mạnh mẽ áp dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh và quản trị của mình, thì doanh nghiệp không thể đứng ngoài cuộc chơi này. Đã đến lúc  “chuyển đổi số hay là chết” trở thành câu khẩu hiệu hết sức thực tế và cấp bách.

Cũng như ở Việt Nam, thế giới cũng có những quốc gia và khu vực đi tiên phong và mạnh mẽ về chuyển đổi số bên cạnh những bộ phận, khu vực chưa thực hiện được điều này. Nhìn vào các nước tiên tiến và tiên phong về chuyển đổi số trong kinh doanh, ta có thể thấy được họ đã thực hiện việc này từ rất sớm và tự nhiên khi kế thừa những thành tựu về khoa học kỹ thuật và quản trị, công nghệ với tiềm lực tài chính mạnh mẽ và trình độ văn minh, nhận thức xã hội đã ở mức độ cao. Trong khoảng hơn 6 năm gần đây, tác động của chuyển đổi số đến GDP của các nước này tăng dần và nhanh chóng qua các năm, có thể đạt tới 50 đến 60% GDP của một số quốc gia. Mức độ tác động chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là 25% các nước châu Âu là 36% cho đến năm 2025 và có thể còn cao hơn nữa. Tốc độ chuyển đổi số ở châu Âu là nhanh nhất, sau đó đến Mỹ và một số quốc gia phát triến tại châu Á. Chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng toàn cầu, mang lại lợi thế cạnh tranh tuyệt đối cho những doanh nghiệp và quốc gia đi trước, thực hiện chuyển đổi số chủ động và hiệu quả.Rõ ràng chuyển đổi số là con đường tất yếu, vậy thực trạng chuyển đổi số trong kinh doanh trên thế giới và ở Việt Nam như thế nào, thưa ông?

Ở Việt Nam, với thị trường gần 100 triệu dân, ở thời kỳ dân số trẻ và hơn 70% sử dụng mạng Internet với thời lượng trung bình là 6giờ47phút/ngày-thời điểm tháng 1/2021, thì chuyển đổi số trong kinh doanh đang là một cơ hội hấp dẫn nhất từ trước đến nay và là một thuận lợi lớn cho các doanh nghiệp. Đại dịch Covid trong thời gian vừa qua cũng đã tạo ra một “cú hích” rất quan trọng cho cả các doanh nghiệp và xã hội, người tiêu dùng để thực sự bước chân vào môi trường số - không gian mạng và thực hiện chuyển đổi số để tồn tại.

Tuy nhiên, dù đã có sự hỗ trợ và khích lệ rất mạnh mẽ của Chính phủ, nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang dè dặt hoặc chậm chạp trong việc chuyển đổi số của mình. Chỉ một số ít các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có giao thương với nước ngoài hoặc trong những ngành trọng điểm như Ngân hàng, Tài chính, Xuất nhập khẩu… thì mới mạnh dạn áp dụng chuyển đổi số, nhưng đa phần mới ở mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và kinh doanh. Còn phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có nhận thức đầy đủ, rõ ràng và cũng chưa thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, toàn diện mà chỉ dừng lại ở việc áp dụng một số các phần mềm trong quản trị và kinh doanh cũng như các giải pháp đơn lẻ trên môi trường số mà thôi.

Ở góc độ khác, các doanh nghiệp cung cấp giải pháp, nền tảng cũng như dịch vụ cho việc chuyển đổi số của Việt Nam còn yếu, thiếu và chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số trong kinh doanh và quản trị doanh nghiệp. dCó nhiều nguyên nhân của thực trạng chuyển đổi số chưa tốt trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa của chúng ta. Nhưng quan trọng nhất là những hạn chế từ năng lực, tầm nhìn, thói quen, nếp nghĩ trong kinh doanh và quản trị của các chủ doanh nghiệp và sự thiếu hụt đáng kể về các nguồn lực, đặc biệt là về tài chính và nguồn nhân lực phù hợp cho chuyển đổi số. Nếu thực trạng này không sớm được cải thiện thì các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung sẽ khó có thể để phát triển và cạnh tranh được với các nước trong khu vực và trên thế giới, và chúng ta sẽ hoàn toàn có thể thua ngay chính trên sân nhà - thị trường của đất nước mình.

Chuyên gia Quang Minh – Chủ tịch, CEO Bizen Việt Nam

 Nguyên nhân đến từ sợ thất bại và ngại phải thay đổi

 Như ông đã vừa đề cập, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) còn chậm hoặc chưa sẵn sàng trong việc chuyển đổi số kinh doanh của mình, vậy thì đâu là những  khó khăn, rào cản và thách thức đối với SMEs khi thực hiện chuyển đổi số?

Đúng là hiện nay các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn, rào cản và thách thức khi chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình đến từ các nguồn khách quan và chủ quan của doanh nghiệp. Có thể kể ra một số vấn đề sau đây:

Về chủ quan, đầu tiên và quan trọng nhất là khó khăn đến từ sự thiếu hiểu biết về chuyển đổi số, thiếu kỹ năng quản trị, hạn chế về tầm nhìn, thiếu quyết tâm và năng lực, với những quan niệm và thói quen cố hữu, lạc hậu của chủ doanh nghiệp và CEO cũng như đội ngũ quản lý. Tôi muốn nhấn mạnh đến sự  e sợ thất bại, ngại ngùng phải thay đổi và các “cạm bẫy thành công - tình trạng sớm bằng lòng với những thành công đã đạt được” đang tồn tại rất phổ biến trong các chủ doanh nghiệp và CEO khi nghĩ đến sự thay đổi và chuyển đổi số trong doanh nghiệp của mình.

Sau đó, phải kể đến là các rào cản về văn hóa doanh nghiệp không phù hợp cho đổi mới, không có khả năng thích nghi linh hoạt, sự thiếu hụt nguồn lực tài chính - thiếu hụt về nguồn lao động chuyên môn qua đào tạo với các kiến thức - kỹ năng phù hợp kinh doanh thời đại số.

Từ góc độ khách quan, bên cạnh việc thiếu hụt các quy định về pháp lý của nhà nước đảm bảo cho kinh doanh trên không gian số, thì việc chưa có được những mô hình và phương thức kinh doanh chuyển đổi số thành công trước đó hay các cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho chuyển đổi số trong ngành chưa đáp ứng, các giải pháp ứng dụng chuyển đổi số trong kinh doanh và quản trị chưa đầy đủ… là các rào cản kỹ thuật đáng kể đối với công cuộc chuyển đổi số của Doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, sự chưa thực sự thích nghi và làm quen với các giải pháp kinh doanh trên không gian số của đông đảo công chúng và đối tượng khách hàng mục tiêu, sự thiếu hụt các nhà cung cấp có đủ năng lực đối với các dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp từ nền tảng đến ứng dụng, sự chậm chuyển đổi của các đối tác hợp tác trong chuỗi cung ứng ...cũng là những thách thức và rào cản đáng kể khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi số trong quản trị và kinh doanh.

Vậy theo ông, doanh nghiệp muốn chuyển đổi số thì phải xem xét đến những vấn đề và yếu tố nào để có thể thành công?

Từ những nội dung đã nêu ở trên sẽ thấy được có rất nhiều yếu tố cần xem xét khi bắt đầu chuyển đổi số, nhưng theo tôi có một số nội dung chính sau đây :

Thứ nhất, doanh nghiệp phải nhìn nhận rõ thực trạng của doanh nghiệp và bản thân thân người lãnh đạo cũng như đội ngũ quản lý của mình đã đáp ứng được bao nhiêu so với những yêu cầu cần thiết để chuyển đổi số, như văn hóa doanh nghiệp, quy trình kinh doanh, nhận thức, thói quen suy nghĩ và hành động đến các kỹ năng làm việc và quản lý, đến toàn bộ hệ thống quản trị và các nguồn lực tài chính, công nghệ, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực phù hợp cho chuyển đổi số.

Thứ hai, doanh nghiệp cần nhận dạng rõ ràng các khó khăn, rào cản, thách thức, cả chủ quan và khách quan, khi cần chuyển đổi số trong kinh doanh và quản trị của doanh nghiệp mình là gì và từ đó xác định được cách thức để vượt qua hoặc khắc phục những rào cản khó khăn đó.

Thứ ba, trên cơ sở xác định được những khó khăn và thuận lợi từ khách quan hay các điều kiện cần thiết để thực hiện chuyển đổi số, doanh nghiệp tìm kiếm, xác định được các đối tác hợp tác, các nhà cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, các nhà tư vấn và xác định các giải pháp chuyển đổi số phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp mình.

Doanh nghiệp chỉ có thể chuyển đổi số thành công nếu xác định được những vấn đề đã nêu trên. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải thực sự bắt tay vào đánh giá, nghiên cứu, hoạch định và hành động triển khai trên thực tế Chiến lược chuyển đổi số của mình.

Vậy theo ông doanh nghiệp cần phải thực hiện theo một lộ trình chuyển đổi số như thế nào?

Chúng ta cũng hiểu rằng, các hoạt động chuyển đổi số là sự giao thoa, kết hợp đồng thời giữa các hoạt động kinh doanh và quản trị doanh nghiệp theo chiến lược kinh doanh đã đề ra với các hoạt động ứng dụng công nghệ và giải pháp kỹ thuật về chuyển đổi số và được thực hiện trên nền tảng của việc quản trị sự thay đổi và đổi mới trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, hiện đang có nhiều quan điểm khác nhau về lộ trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Từ ý kiến cá nhân tôi, xuất phát từ quan điểm quản trị sự thay đổi và đổi mới trong doanh nghiệp, chuyển đổi số có thể được phân chia làm 9 giai đoạn, với điểm khởi đầu là doanh nghiệp tại thời điểm chưa chuyển đổi số và kết thúc là một doanh nghiệp số thực sự đã được tạo lập một cách bền vững.

Cụ thể, bước đầu tiên, doanh nghiệp cần khảo sát và đánh giá thực trạng toàn diện của doanh nghiệp từ góc độ chuyển đổi số để xác định mức độ sẵn sàng trong chuyển đổi số của doanh nghiệp mình. Các bước tiếp theo là thành lập đội Tiên Phong hay Ban chỉ đạo Chuyển đổi số (phải do CEO hay chủ doanh nghiệp chủ trì) để xác định chiến lược chuyển đổi số, từ mục tiêu - phương thức, đến các nguồn lực phù hợp trong doanh nghiệp của mình cho đến khi hoàn tất việc chuyển đổi số.

Bước tiếp theo là thực hiện truyền thông nội bộ và truyền thông ra bên ngoài, tuyển dụng, đào tạo huấn luyện đội ngũ nhân sự phù hợp, thực hiện việc chuẩn bị các điều kiện và nguồn lực đầy đủ cho hoạt động chuyển đổi số theo Chiến lược Chyển đổi số  đã đề ra. Song song với việc này, doanh nghiệp cần thực hiện thực thi chuyển đổi số từng bước,trong từng lĩnh vực quản trị hay kinh doanh, tập trung vào những điểm yếu hoặc mũi nhọn cần chuyển đổi số theo đúng chiến lược đã xác định.

Các bước tiếp theo gồm có tạo lập các kết quả trung gian, kịp thời truyền thông nhân rộng điển hình, khai thác kết quả chuyển đối số đã đạt được, đánh giá, điều chỉnh và hoàn thiện ở tất cả các khâu và bộ phận đã thực hiện chuyển đổi số để dần xác lập trạng thái chuyển đổi số của doanh nghiệp theo đúng lộ trình đã xác định hay điều chỉnh phù hơp tình hình thực tế.

Cuối cùng là xác định và củng cố trạng thái của doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng chiến lược kinh doanh và hệ thống quản trị hoàn toàn trên nền tảng của doanh nghiệp số để củng cố và hoàn thiện vững chắc trạng thái doanh nghiệp số đã được xác định sau một thời gian chuyển đổi.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Trần Thu

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu