04:51 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Chuyển đổi số - Cơ hội và thách thức của doanh nghiệp Việt

17:21 11/11/2022

(THPL) - Chuyển đổi số đang là mục tiêu quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp đứng vững và phát triển, giúp doanh nghiệp thay đổi phương thức làm việc, sản xuất thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động kinh doanh.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã xây dựng “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu về phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặt ra kế hoạch đến năm 2025 Việt Nam là kinh tế số chiếm 20% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%; Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin.

Hiên nay, Việt Nam đã có ngành viễn thông và công nghệ thông tin tương đối phát triển làm cơ sở cho việc phát triển hạ tầng kỹ thuật số, kết nối số và các nền tảng ứng dụng số phát triển, các yếu tố cần thiết cho quá trình chuyển đổi số của Chính phủ và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo kết quả một khảo sát từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (Vinasa) mới đây, có tới 92% số doanh nghiệp được hỏi cho biết có nhu cầu chuyển đổi số song chưa biết bắt đầu từ đâu, thực thi như thế nào.

Ảnh minh hoạ: Internet

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, là lựa chọn sống còn để doanh nghiệp bứt tốc và cạnh tranh được với các đối thủ để chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên chuyển đổi số cũng đang đặt ra nhiều thách thức cho các doanh nghiệp. 

Theo đó, về thách thức, có 3 yếu tố là rào cản lớn nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Bảo mật thông tin là thách thức thứ 4 cho cộng đồng doanh nghiệp. Vì vậy trong bối cảnh Việt Nam thiếu hụt nhân lực có trình độ công nghệ và tự động hóa cao, việc lan tỏa các thông tin, kiến thức chuẩn mực của thế giới giúp mỗi doanh nghiệp gia tăng mức độ trưởng thành về tư duy và kỹ năng khi tiến sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là điều kiện cần thiết đầu tiên để doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình triển khai vào thực tiễn.

Việc áp dụng chuyển đổi số vào doanh nghiệp sẽ cần sự tư vấn, định hướng tầm nhìn và đồng hành từ các chuyên gia để đưa ra được những chiến lược cụ thể, quy hoạch lộ trình phù hợp với quy mô, nhu cầu từng đơn vị. Tiến trình này không chỉ giúp tiến hành chuyển đổi số phù hợp với đặc thù nguồn lực của từng doanh nghiệp, từng giai đoạn, mà còn góp phần giảm thiểu rủi ro và tránh lãng phí tới môi trường, năng lượng… khi doanh nghiệp mở rộng về quy mô.

Liên quan đến những thách thức đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi số, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn, rào cản để tiến hành chuyển đổi số. Cụ thể 60,1% doanh nghiệp phản ánh rào cản mà họ gặp phải khi chuyển đổi số là lo ngại chi phí đầu tư, ứng dụng công nghệ còn cao; 52,3% doanh nghiệp phản ánh khó khăn về thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số, thay đổi thói quen của doanh nghiệp, người lao động.

Trong khi đó, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là đòi hỏi của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập. Để tạo cơ hội cho doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, thực hiện nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, các bộ ngành, cơ quan quản lý và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cần phải tăng cường phối hợp và hợp tác để có thể đề xuất được các chính sách, chiến lược, kế hoạch, giải pháp và môi trường thuận lợi hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc nâng cao nhận thức và kỹ năng số, tiếp cận dịch vụ và các hỗ trợ của Chính phủ để nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số thành công và hiệu quả góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan chức năng, ông Bùi Trung Nghĩa – Phó Chủ tịch VCCI cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp cần coi chuyển đổi số là một phần của chiến lược kinh doanh của mình.

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa chia sẻ đã ứng dụng các giải pháp phần mềm, sử dụng nền tảng số vào hoạt động quản lý kế toán – tài chính, sử dụng nền tảng thương mại điện tử để phục vụ bán hàng, tiếp thị trực tuyến, xuất nhập khẩu…Tuy nhiên, nhu cầu chuyển đổi số trong các doanh nghiệp còn rất lớn. Theo VCCI, các doanh nghiệp đang mong muốn thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động bán hàng, marketing, quản trị và tham gia các chương trình đào tạo về chuyển đổi số.

Cũng liên quan đến vấn đề trên, ông Đào Đình Khả, Viện Quốc tế Pháp ngữ (ĐHQG Hà Nội) cho rằng, từ tác động của xu thế bùng nổ công nghệ trong một môi trường kết nối bao trùm sẽ giúp chi phí công nghệ cơ bản giảm mạnh. Công nghệ truyền thông thế hệ mới sẽ giúp cho sự kết nối được diễn ra mọi lúc, mọi nơi, mọi chiều và phổ cập. Môi trường kết nối cũng dẫn đến sự lựa chọn và yêu cầu đa dạng. Đây cũng là thách thức mới đòi hỏi doanh nghiệp phải liên tục đổi mới sản phẩm, dịch vụ.

TS Đào Đình Khả cũng cho biết, môi trường số sẽ giúp thay đổi hoạt động kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ đưa ra các sản phẩm mới, dịch vụ mới ra thị trường và chính môi trường số cũng là thước đo giá trị sản phẩm. Tuy nhiên theo TS Đào Đình Khả, doanh nghiệp cần liên tục đổi mới sáng tạo để cạnh tranh bền vững trong môi trường số nhiều biến động, cần phương thức mới để đổi mới sáng tạo hiệu quả và cạnh tranh bền vững.

Năm 2021, kinh tế số của Việt Nam năm 2021 đạt giá trị 21 tỷ USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp hơn 5% GDP của đất nước. Kinh tế Việt Nam đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Dự kiến, nền kinh tế số của Việt Nam đạt 57 tỷ USD năm 2025, đứng thứ hai Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng 29%/năm.

Về phía doanh nghiệp, một báo cáo do Tập đoàn Meta hợp tác với BCG công bố gần đây cho biết, 73% người tiêu dùng ở Việt Nam sử dụng tin nhắn để liên lạc với các doanh nghiệp, cao nhất trong số các quốc gia được khảo sát.

Hiện nay, cả nước có khoảng gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động với hơn 97% doanh nghiệp tư nhân ở quy mô nhỏ và vừa, giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đóng góp tới 45% GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.

Tuấn Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu