21:02 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức với ngành du lịch

Tú Chi (t/h) | 08:38 04/09/2022

(THPL) - Chuyển đổi số trong du lịch để phát triển du lịch số, du lịch thông minh là nội dung luôn được ngành du lịch Việt Nam nhấn mạnh và tập trung thực hiện những năm qua. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch ở nước ta còn manh mún, thiếu đồng bộ nên chưa có sự liên kết dữ liệu để tạo thuận lợi trong khai thác, sử dụng.

Giai đoạn hậu COVID-19 khiến nhu cầu của khách du lịch có nhiều thay đổi. Những ứng dụng công nghệ được tận dụng tối đa để giảm tiếp xúc, khi khách du lịch thường đi theo nhóm nhỏ, tự tìm hiểu, khám phá. Thực tế này đã khiến du lịch tại Hà Nội tăng tốc chuyển đổi số để đáp ứng nhu cầu của khách.

Đơn cử như tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong một ngày cuối tuần, mặc dù khách đến rất đông, nhưng trạm kiểm soát vé không xảy ra ùn tắc như mọi khi. Nhiều vị khách không cầm vé trong tay, mà dùng điện thoại quét mã QR code để vào thăm di tích. Có những đoàn khách đến hơn 20 người, nhưng đại diện đoàn chỉ cần quét mã QR code một lần. 

Đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám, du khách còn được trải nghiệm việc thanh toán mua bán hàng hóa, dịch vụ không dùng tiền mặt bằng Thẻ du lịch thông minh được tích hợp nhiều tính năng như: Internet banking, thanh toán điện tử, tra cứu thông tin du lịch hay nhận ưu đãi, tích điểm khi mua sắm... Có thể thấy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã bước vào lộ trình chuyển đổi số bằng việc triển khai hệ thống thuyết minh tự động.

Theo báo Lao động, các điểm du lịch khác như: Hoàng thành Thăng Long, Nhà tù Hoả Lò, làng gốm Bát Tràng… đều triển khai các ứng dụng thông minh, hoặc phần mềm thuyết minh tự động. 

Đối với công tác quảng bá, các ứng dụng TikTok, Facebook, Zalo… đều được đơn vị quản lý, doanh nghiệp tận dụng tối đa để tiếp cận khách hàng. Chuyển đổi số còn được triển khai trong công tác quản lý du lịch, hoạt động khách sạn. Bằng các ứng dụng của mình, Sở Du lịch Hà Nội có thể nắm bắt, theo dõi nhu cầu của khách du lịch, qua đó, khuyến cáo các địa phương, doanh nghiệp xây dựng sản phẩm, dịch vụ phù hợp...

Ảnh minh hoạ: Internet

Theo báo Hà Nội mới, tăng cường áp dụng công nghệ số sẽ tạo nên những điểm đến thông minh, tăng cường lượng thông tin và cách thức truyền tải đến du khách một cách kịp thời, cải thiện chất lượng dịch vụ cũng như nâng cao giá trị trải nghiệm trong chuyến đi, qua đó đảm bảo sự phát triển bền vững cho du lịch. Vì lẽ đó, cuộc chạy đua ứng dụng công nghệ số vào du lịch sẽ tiếp tục “tăng tốc” trong thời gian tới.

Tổng Giám đốc Công ty VietISO Nguyễn Quyết Tâm nhận định: Hầu hết các địa phương, doanh nghiệp du lịch đều đã có ý thức chuyển đổi số và nỗ lực chuyển đổi số du lịch, song do chưa có hệ thống tiêu chuẩn nên mỗi nơi có hướng đầu tư, cách làm riêng. Điều này dẫn đến các cơ sở dữ liệu không được kết nối để đồng nhất; quá trình quản lý, kiểm soát dữ liệu ngành để đưa ra những nhận định, đánh giá, giải pháp cũng gặp nhiều khó khăn. Đó là chưa kể phần lớn đội ngũ nhân lực du lịch vẫn quen cách làm truyền thống nên gặp nhiều lúng túng khi áp dụng công nghệ trong hoạt động du lịch. Vì thế, đòi hỏi bức thiết là cần có hướng dẫn chung về chuyển đổi số trong du lịch để các địa phương, doanh nghiệp hiểu được cần làm gì, áp dụng theo những công cụ nào, từ đó tạo sự thống nhất hành động.

Liên quan đến thông tin trên, ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành Trung tâm Thông tin du lịch cho biết: Các ứng dụng, phần mềm thuộc hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch đã được trung tâm phối hợp các đối tác thực hiện trong suốt ba năm qua (từ giữa năm 2019). Thời gian tới, để góp phần đẩy nhanh tốc độc chuyển đổi số du lịch, trung tâm sẽ tiếp tục rà soát, cập nhật các tài liệu hướng dẫn, hướng đến phát triển thành sách cẩm nang chuyển đổi số trong ngành du lịch; đồng thời liên tục hoàn thiện, tối ưu hóa sản phẩm, bổ sung thêm các tính năng, tiện ích với mục tiêu khách du lịch là trung tâm, cơ quan quản lý du lịch, doanh nghiệp du lịch, hướng dẫn viên du lịch là nòng cốt. Quán triệt quan điểm chuyển đổi số phải chuyển đổi từ nhận thức đến hành động, trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh liên kết, phối hợp, hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp, hướng dẫn viên triển khai các nền tảng số đã phát triển với tinh thần vừa "cầm tay chỉ việc", vừa tiếp thu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn để phục vụ quá trình phát triển, hoàn thiện sản phẩm…

Theo các chuyên gia lĩnh vực du lịch, trong kỷ nguyên 4.0, sẽ không còn tình trạng “Cá lớn nuốt cá bé” mà là “Cá nhanh nuốt cá chậm”. Lợi thế đang được chia đều cho tất cả các doanh nghiệp. Do đó, để phát triển các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để họ tiếp cận, ứng dụng công nghệ số bằng nhiều hình thức. Chẳng hạn, có những phần mềm miễn phí cho doanh nghiệp, còn những giá trị gia tăng khác doanh nghiệp tự bỏ chi phí. Và, hơn cả đó là sự chuẩn bị về cơ sở hạ tầng chuyển đổi số, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp, tạo ra sự kết nối chặt chẽ và đồng bộ giữa các doanh nghiệp - Nhà nước với các bên liên quan.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu