15:07 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cấp chứng thư xuất khẩu qua Internet cho hàng dệt may sang Mexico

Minh Anh (tổng hợp) | 11:00 21/06/2019

(THPL) - Bộ Công Thương chính thức công bố Cấp chứng thư xuất khẩu qua Internet cho hàng dệt may sang Mexico.

Theo TTXVN, để thực việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất khẩu hàng dệt may theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sáng 20/6 Bộ Công Thương chính thức công bố cấp Chứng thư xuất khẩu qua Internet cho hàng dệt may sang Mexico. 

Tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, Hiệp định CPTPP là một hiệp định tự do thế hệ mới có mức độ cam kết rất rộng. Các nước CPTPP chiếm khoảng 13,5% GDP toàn cầu và dự kiến đem lại nhiều cơ hội cho các nước thành viên và đặc biệt là hàng dệt may. 

Lễ công bố cấp chứng thư xuất khẩu qua Internet cho hàng dệt may. (Ảnh: BCT)

Mặc dù việc áp dụng Quy tắc xuất xứ là khó nhất, trong bối cảnh Việt Nam chưa có ngành dệt phát triển và dựa khá nhiều vào nhập khẩu, nhưng Bộ Công Thương đồng ý quy tắc xuất xứ nhằm mục tiêu lâu dài hơn khi CPTPP là chất xúc tác rất tốt để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nguyên phụ liệu. 

Tuy vậy, để việc cấp ra đúng đối tượng và đúng sản phẩm, không bị lợi dụng về quy tắc xuất xứ, Bộ Công Thương đã phối hợp với Mexico để xây dựng cơ chế chung việc kiểm soát này và áp dụng triển khai qua Internet. 

Việc đưa và thực hiện bằng hình thức online cơ chế theo dõi này sẽ tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp và gắn chặt hơn nữa chuỗi cung ứng giữa doanh nghiệp hai nước. 

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, ngoài các văn kiện chung theo CPTPP, Việt Nam phải tuân thủ theo cam kết để được hưởng các ưu đãi theo hiệp định này khi xuất khẩu sang Mexico cũng như phải tuân thủ các nội dung trong 2 Thư song phương được ký giữa Bộ trưởng kinh tế Mexico và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam với 2 nội dung là hạn ngạch thuế quan dệt may và cơ chế giám sát dệt may. 

Ngày 19/4/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BCT quy định về xuất khẩu hàng dệt may sang Mexico theo Hiệp định CPTPP. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/6/2019, gồm 5 Chương và 12 Điều nhằm nội luật hóa các cam kết theo 2 thư song phương cấp Bộ trưởng. 

Về quy định ưu đãi thuế quan, theo Thông tư, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như: có C/O mẫu CPTPP và Chứng thư xuất khẩu (Certificate of Eligibility-C/E) đối với hàng dệt may trong hạn ngạch thuế quan đồng thời đáp ứng một trong các quy tắc xuất xứ quy định tại khoản 3, Điều 4 của Thông tư 07.

Bên cạnh đó, danh mục hàng dệt may áp dụng hạn ngạch thuế quan xuất khẩu sang Mexico quy định tại Phụ lục thông tư này gồm: Sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu xơ sợi bông và acrylic và Sản phẩm quần áo, tã trẻ em.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý, lượng hạn ngạch thuế quan mới cấp cho năm 2019 còn các năm tiếp theo sẽ được Bộ Công Thương công bố sau khi nhận được thông báo của phía Mexico.

Theo báo NB&CL, Mexico hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, đóng vai trò quan trọng là cửa ngõ hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu vào thị trường nội địa các nước khu vực này.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Mexico trong những năm qua liên tục được cải thiện và đạt trên 3,4 tỷ USD trong năm 2018. Trong đó, xuất khẩu hàng dệt may và giày dép chiếm 12% tổng trị giá xuất khẩu. Hiện xuất khẩu hàng hóa nói chung và hàng may mặc nói riêng của Việt Nam sang Mexico vẫn còn thấp và chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Do đó, thương mại hai chiều đặc biệt là thương mại dệt may và giày dép được kỳ vọng sẽ có mức tăng trưởng đột phá nhờ Hiệp định CPTPP.

Hiện Việt Nam là nhà cung cấp hàng may mặc (HS61&62) lớn thứ 4 vào thị trường Mexico, với thị phần chiếm 6,92%. Với việc được cấp Chứng thư từ CPTPP, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam kỳ vọng sẽ có những bứt phá mạnh tại Mexico trong năm 2019.

Tuy nhiên, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang Mexico sẽ phải đối mặt với không ít thách thức. Đó là gặp nhiều khó khăn trong công tác vận chuyển. Mặc dù vậy, Mexico vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng, nếu doanh nghiệp chủ động, linh hoạt, quan tâm tới đến những điều kiện địa lý ảnh hưởng tới thời gian giao hàng; và chọn dòng sản phẩm thế mạnh để có thể cạnh tranh với các nước cũng xuất khẩu vào Mexico.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu