10:10 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Các tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng gần 6% trong năm 2021

Mai Hương | 09:45 15/02/2021

(THPL) - Nhiều tổ chức quốc tế quan sát Việt Nam và đưa ra dự báo về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm 2021. Một điểm chung đó là sự tích cực trong dự báo triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Fitch Solutions (Tổ chức xếp hạng tín dụng Quốc tế): Tình trạng xấu nhất dường như đã qua

Khi phân tích về những triển vọng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam, Fitch Solutions cho rằng Việt Nam có thế mạnh là một nền kinh tế năng động tăng trưởng nhanh tại châu Á trong những năm gần đây với GDP trung bình hàng năm khoảng 6,3% trong 10 năm qua. Quy mô dân số và lực lượng lao động sẽ tiếp tục tăng với mức tiền công cạnh tranh so với các nước khác như Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan. Điểm thuận lợi là Việt Nam đã tích cực nỗ lực hòa nhập kinh tế rộng rãi thông qua việc tham gia vào các thỏa thuận thương mại tự do và đã từng bước đa dạng hóa thị trường cũng như sản phẩm xuất khẩu.

Tuy nhiên, điểm yếu nằm ở mức thâm hụt ngân sách và nợ công khá cao, có thể làm cho nền kinh tế dễ bị tác động hơn bởi những bất ổn kinh tế toàn cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng tới khu vực chế biến chế tạo và xuất khẩu. Mặc dù vậy, Việt Nam có nhiều cơ hội để phát triển. Với việc là thành viên của các tổ chức lớn chẳng hạn như: WTO và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, sự mở rộng và đa dạng hội nhập kinh tế sẽ giúp Việt Nam tiếp cận tới các thị trường và nguồn vốn nước ngoài, giúp cho các doanh nghiệp Việt Nam trở nên có tính cạnh tranh cao hơn. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục các biện pháp hoàn thiện cơ chế thị trường, bao gồm việc cổ phần hóa các công ty nhà nước, giải quyết các vấn đề liên quan tới nợ xấu trong lĩnh vực ngân hàng cũng như tự do hóa khu vực này. Quá trình đô thị hóa sẽ tiếp tục là một động lực tăng trưởng dài hạn. Dự báo dân số thành thị sẽ tăng trưởng lên trên năm 50% vào năm 2040 so với 32% vào năm 2013.

Mối nguy hiểm rình rập với nền kinh tế Việt Nam rất có thể lại chính là sự tự mãn, trong đó đặc biệt là các vấn đề liên quan tới chính sách tiền tệ. Sự thiếu thận trọng trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã dẫn tới tăng trưởng tín dụng nhanh và giá cả tăng cao trong thập kỷ trước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Chính phủ đã thành công trong việc đưa lạm phát xuống dưới mức mục tiêu, kể từ năm 2014. Trong khi thành tựu này có sự đóng góp của giá dầu giảm, Ngân hàng Nhà nước đã trở nên thận trọng hơn trong chính sách tiền tệ với mục tiêu ổn định tài chính là quan trọng hàng đầu.


Tổ chức ISH Markit (nền tảng cho sự phát triển): Việt Nam tiếp tục tự do hóa nền kinh tế

Tổ chức ISH Markit kỳ vọng vào sự tiếp tục phát triển của nền kinh tế Việt Nam sau Đại hội Đảng với việc tiếp tục tự do hóa nền kinh tế. Trong ngắn hạn, ISH Markit cho rằng dịch bệnh sẽ vẫn ảnh hưởng tới các lĩnh vực kinh tế hướng tới xuất khẩu của Việt Nam, bao gồm: chế biến chế tạo, du lịch và nông nghiệp. Nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng 1,0% trong năm 2020 và có thể tăng trở lại lên 5,4% trong năm 2021. Họ cũng nhấn mạnh rằng mặc dù số liệu cho thấy có sự cải thiện trong các chỉ số kinh tế, sự hồi phục phụ thuộc nhiều vào sự đa dạng hóa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, và, quan trọng hơn, nhu cầu của thị trường toàn cầu. Sức ép giảm giá tiền đồng có thể có trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, Việt Nam tiếp tục là một trong những nền kinh tế mới nổi hấp dẫn nhất thế giới trong tương lai gần với sự tăng trưởng nhanh của lĩnh vực chế xuất và sự đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài vào quá trình này. Đáng chú ý là nền kinh tế đã cho thấy sự trỗi dậy dù có những khó khăn. Xuất khẩu và sản xuất công nghiệp của Việt Nam đã tăng trưởng tốt trong năm 2019 trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Nhưng việc cổ phần hóa tiến triển chậm rất có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng trong tương lai. Hiện tại, các công ty nhà nước vẫn chi phối tới một phần ba nền kinh tế. Việc cổ phần hóa các công ty nhà nước trong lĩnh vực chế biến chế tạo có thể giải phóng năng suất lao động và hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Tổ chức Marketline (thị trường tự do): Cần đa dạng hóa hơn các đối tác thương mại

Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh trong khu vực. Điều này có được là do các Chính sách thân thiện với thị trường của chính phủ. Các điều kiện kinh tế ổn định đã giúp thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Lĩnh vực chế biến chế tạo tiếp tục được đầu tư thường xuyên là một lý do khác cho tăng trưởng kinh tế. Sự phát triển của khu vực chế biến chế tạo đã giúp nền kinh tế trở thành điểm trung chuyển của hàng hóa, chẳng hạn các hàng hóa điện tử trung gian. 

Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu àm cho nền kinh tế trở nên mong manh trước các cú sốc đến từ bên ngoài, chẳng hạn như cầu yếu. Điều kiện kinh tế yếu đi tại các đối tác thương mại chính yếu sẽ có tác động tới lĩnh vực xuất khẩu, và khu vực chế biên chế tạo của Việt Nam. Chúng ta cần phải đa dạng hóa hơn nữa các đối tác thương mại, từ đó giảm thiểu những cú sốc đến từ một đối tác thương mại cụ thể. 

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực FDI, mặc dù chỉ số rào cản FDI (theo OECD năm 2018) của Việt Nam ở mức thấp so với nhóm các nước cạnh tranh (Malaysia và Indonesia), và sự ổn định chính trị và kinh tế tại Việt Nam là nhân tố chính giúp thu hút thêm nhiều FDI cho đất nước. Những phiền toái về thuế quan và thủ tục hành chính lại đang là yếu tố cản trở sự phát triển của khu vực này. Theo số liệu của WB, các doanh nghiệp Việt Nam có 6 lần thanh toán thuế một năm, tiêu tốn 384 giờ cho việc hoàn thành các mẫu biểu, chuẩn bị và trả thuế, và mức thuế phải trả chiếm tới 37,6% lợi nhuận. 

Mai Hương

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu