10:30 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bộ Y tế họp khẩn với Hà Nội về dịch sốt xuất huyết

| 11:47 18/08/2017

(THPL) - Ngày 17/8, Bộ Y tế đã họp khẩn với Sở Y tế Hà Nội nhằm đánh giá kết quả hoạt động một tuần sau khi triển khai các phương án đồng loạt phòng chống sốt xuất huyết.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 90.626 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH), 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016 (54.003/17), số mắc tăng 67,8%, số tử vong tăng 7 trường hợp, TTXVN đưa tin.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, yêu cầu mỗi tuần Sở Y tế họp giao ban tại Bộ một lần. Ảnh: Internet

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh phải tập trung phun đại trà bằng máy phun lớn, kết hợp máy đeo vai, đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy chứ không phải chiến dịch vệ sinh môi trường. Cùng đó, các chiến dịch phun muỗi phải lặp lại liên tiếp 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần mới có hiệu quả.

Riêng Hà Nội đang đứng thứ 2 cả nước (sau thành phố Hồ Chí Minh) về số ca mắc; tính số mắc trên 100.000 dân thì Hà Nội đứng thứ 3 trong cả nước (sau Đà Nẵng và Bình Dương). Nhưng về số tử vong thì Hà Nội đang dẫn đầu.

Cụ thể, tính từ ngày 1/1 - 16/8, Hà Nội ghi nhận 17.027 bệnh nhân mắc SXH, trong đó có 7 trường hợp tử vong. Các khu vực có số mắc cộng dồn cao là Đống Đa (2.922), Hoàng Mai (2.920), Hai Bà Trưng (1.564), Thanh Xuân (1.409)... 

Sở Y tế Hà Nội cho biết số ca mắc SXH trong hai tuần gần đây có dấu hiệu chững lại, số ca mắc tuần này là 3.440 ca so với số 3.447 ca tuần trước. Kết quả giám sát hoạt động sau phun thuốc diệt muỗi cho thấy các chỉ số mật độ muỗi giảm mạnh, có nơi giảm còn bằng 0.

Tuy nhiên, việc diệt lăng quăng chưa đạt được hiệu quả tối đa, mới chỉ đạt 86 - 90%. Theo Sở Y tế Hà Nội là do thực hiện phun muộn (sau 48 giờ) từ khi phát hiện ổ dịch.

Hà Nội cũng mua thêm 10 máy phun mù nhiệt và đặt thêm 8 máy phun mù nhiệt, cùng với 180 máy phun hóa chất đeo vai, 25 máy phun ôtô công suất lớn (trong đó có 22 máy mượn từ các tỉnh xung quanh), để tiếp tục phun thuốc diệt muỗi trưởng thành trên diện rộng.

Bộ Y tế tiếp tục chỉ đạo ngành y tế Hà Nội tập trung công tác vệ sinh, diệt lăng quăng, diệt muỗi.

"Phải ráo riết, triệt để thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi tổng thể như những ngày vừa qua thì tình hình dịch SXH mới có thể hạ nhiệt", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói tại cuộc họp.

Tại Hà Nội, bắt đầu xuất hiện nhiều ca SXH vào tháng 4, đến giữa tháng 5 đã có người tử vong. Tình hình SXH leo thang căng thẳng nhất là từ khoảng một tháng qua. Nhiều gia đình bị SXH tập thể. Trên thực tế số ca mắc vẫn tăng lên từng ngày.

Hiện nay, Hà Nội có 12 quận/huyện có dịch SXH ở mức báo động đỏ gồm: Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thường Tín, Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Trì, Thanh Xuân. Kế đó là là các quận/huyện: Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Hoài Đức, Hoàn Kiếm, Long Biên.

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến bất thường, Bộ trưởng Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các cơ sở y tế thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, giảm tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất tử vong do SXH. Đồng thời Bộ trưởng yêu cầu Hà Nội tăng cường tập huấn, hỗ trợ điều trị cho các bệnh viện tuyến dưới, các trạm y tế trên địa bàn thành phố, chú trọng điều trị ngoại trú bệnh nhân SXH.

Theo Tuổi trẻ, lúc này, nhiều người dân lo SXH tìm mọi biện pháp chống chọi với dịch bằng cách vệ sinh, mắc mùng khi ngủ, tự phun thuốc diệt muỗi... nhưng vẫn bất an sợ có thể bị SXH từ muỗi nhà hàng xóm do không có biện pháp tổng thể.

Nhiều người dân nóng ruột với những ca SXH xung quanh đã báo cáo địa phương, xin phun thuốc diệt muỗi dự phòng nhưng không đáp ứng. Có trường hợp cán bộ y tế còn cho biết phải có giấy xác nhận của bệnh viện là SXH mới xử lý ổ dịch...

Tại buổi họp khẩn về ứng phó với dịch SXH ở Hà Nội vào cuối tuần qua, bộ trưởng Bộ Y tế chất vấn gay gắt ngành y tế Hà Nội: tại sao để dịch kéo dài, tại sao đã áp dụng tất cả các biện pháp mà số ca SXH vẫn tăng?... Câu trả lời rõ ràng là ngành y tế Hà Nội có hô hào quyết liệt nhưng chưa thực sự rốt ráo suốt thời gian qua.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, "với tình hình dịch sốt xuất huyết căng thẳng như hiện nay phải triển khai ngay các biện pháp tức thì để hạ hoả. Yêu cầu mỗi tuần Sở Y tế họp giao ban tại Bộ một lần".

Bộ trưởng nhấn mạnh phải tập trung phun đại trà bằng máy phun lớn, kết hợp máy đeo vai, đẩy mạnh chiến dịch diệt bọ gậy chứ không phải chiến dịch vệ sinh môi trường. Cùng đó, các chiến dịch phun muỗi phải lặp lại liên tiếp 3 lần, mỗi lần cách nhau 1 tuần mới có hiệu quả.

Theo tính toán, nếu áp dụng tất cả biện pháp tổng lực để diệt muỗi, lăng quăng như Hà Nội đang làm những ngày vừa qua thì sớm nhất hai tuần nữa, tình hình SXH mới hạ nhiệt. Nhưng lại thêm một mối lo khi tháng 9 đến tháng 11 hằng năm mới là thời điểm SXH lên đỉnh điểm, diễn biến phức tạp nhất, khi có số lượng sinh viên nhập học đông đảo.

Phương Nhi (t/h)

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu