18:58 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bất động sản khu công nghiệp Việt Nam có nhiều lợi thế phát triển

Thắng Nguyễn (t/h) | 19:19 24/09/2022

(THPL) - Theo báo cáo Tiêu điểm ngành công nghiệp Việt Nam 8 tháng đầu năm của Savills, nhìn chung tỷ lệ lấp đầy các KCN trong nước đạt 70,9%. Nhu cầu thuê đất tại các KCN của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng do xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Đáng chú ý, tỷ lệ lấp đầy các KCN tại Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang đã chạm mức 96%. Các địa phương khác như Hưng Yên với tỷ lệ lấp đầy khoảng 77% và Hải Phòng ở mức thấp nhất là 68% do Deep C Hải Phòng III chỉ mới ra mắt.

Tại khu vực phía Nam, tỷ lệ lấp đầy tại 6 tỉnh thành trọng điểm đạt đến 84%. Trong đó TP.HCM tiếp tục dẫn đầu mức giá thuê cao nhất, tiếp đến là Bình Dương, Long An và Đồng Nai.

Báo cáo cũng chỉ ra giá thuê đất KCN trung bình tại miền Nam và miền Bắc lần lượt là 152 và 106 USD/m2/chu kỳ thuê 50 năm.

Riêng đối với giá thuê nhà xưởng, nhà kho đã xây dựng sẵn trên toàn quốc dao động 5-6 USD/m2/chu kỳ thuê tùy vào từng khu vực, tuy nhiên giá ở miền Nam nhỉnh hơn so với miền Bắc. Dù giá thuê tăng liên tục, tỷ lệ lấp đầy phân khúc này khá cao đối với miền Nam và miền Bắc lần lượt là 88% và 78%.

Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, hiện có 563 KCN với tổng diện tích được bao phủ là khoảng 210.900 ha. Tuy nhiên, do một số KCN vẫn chưa hoạt động nên nguồn cung thực tế là 406.

Ở khu vực phía Nam, nguồn cung KCN tại TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai còn rất ít, do đó Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ là điểm đến đầu tư thay thế nhờ nguồn cung tốt. Savills Việt Nam cho biết nhiều nhà máy dự kiến được xây dựng trong thời gian tới nhờ vị trí thuận tiện gần các cảng lớn.

Các chuyên gia nhận định trong thời gian tới nhu cầu thuê của các doanh nghiệp tại các KCN sẽ tiếp tục tăng. Ảnh minh họa

Các chuyên gia nhận định nguồn cung KCN cần được cải thiện trong vài năm tới vì nhu cầu thuê của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục gia tăng do xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đồng thời cũng cần có sự điều chỉnh lại để có mô hình phát triển phù hợp hơn.

Do đó, các chuyên gia kỳ vọng những KCN mới sẽ có quy hoạch chi tiết hơn, phân bổ diện tích cho các chức năng về hậu cần, thương mại, dịch vụ, R&D và các trung tâm dữ liệu.

Ngoài ra, với lợi thế gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có thể tạo được niềm tin cho các nhà sản xuất có giá trị cao trên toàn cầu. Hơn nữa, Việt Nam có một lực lượng lao động trẻ và năng động, tầng lớp trung lưu đang gia tăng với thu nhập cao hơn. Từ đó có thể thu hút đầu tư từ công ty Mỹ và EU.

Dù vậy, việc phát triển KCN tại Việt Nam vẫn còn một số thách thức như chi phí đền bù và giá đất tăng lên rất cao, điều này tạo nên áp lực lớn đối với các chủ đầu tư. Ngoài ra, trình độ lao động và cơ sở hạ tầng vẫn chưa được cải thiện.

Cho đến nay, Việt Nam đã vạch ra trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội từ năm 2021 đến năm 2030 nhằm cải cách giáo dục, nâng cao chất lượng và khả năng tiếp cận đào tạo, song đây không phải là điều có thể làm trong một sớm một chiều.

Thắng Nguyễn (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu