20:14 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Bất chấp dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy các KCN tại Hà Nội và TP.HCM vẫn đạt 80-90%

Minh Đức (tổng hợp) | 19:56 21/07/2021

(THPL) – Theo số liệu từ báo cáo thị trường bất động sản quý II/2021 của Colliers Việt Nam, dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng giá đất tại Hà Nội và TP.HCM vẫn tăng, tỉ lệ lấp đầy khu công nghiệp vẫn đạt 80% đến 90%.

Theo đó, tại Hà Nội, tổng số khu công nghiệp vẫn là 9 với 1.369 ha. Làn sóng mới của COVID-19 tiếp tục khiến nguồn cung tại Hà Nội bị trì hoãn. Tuy nhiên, giá chào thuê đất công nghiệp trung bình tại Hà Nội vẫn ở mức 140 USD/m2/kỳ và tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 90%.

Còn tại TP.HCM, quý II/2021 ghi nhận không có nguồn cung mới. Thành phố hiện có 18 khu công nghiệp cung cấp khoảng 3.700 ha đất công nghiệp cho thuê. Giá chào thuê đất công nghiệp trung bình vẫn ở mức 175 USD/m2/kỳ, tăng nhẹ so với quý trước và tỷ lệ lấp đầy trung bình đạt 85%.

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị, kể từ năm ngoái, sự chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc cũng như một loạt các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) được ký kết đã làm tăng nhu cầu về đất công nghiệp trên cả nước, và các khu công nghiệp mới đã được quy hoạch hoặc xây dựng trên khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu này.

Theo đó, tại khu vực các địa phương miền Nam, năm nay Long An sẽ có 4 cụm công nghiệp mới là Vĩnh Khang, Tân Mỹ, Tứ Phương và Hiệp Hòa. Sau khi hoàn thành, các cụm công nghiệp này sẽ đóng góp thêm gần 200 ha vào diện tích đất công nghiệp sẵn có của tỉnh.

Tại miền Bắc, tính đến hết quý I/2021 đã có 25 dự án khu công nghiệp được phê duyệt, tập trung chủ yếu ở khu vực phía Bắc gồm Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình và Hà Nam. Tại Hà Nội, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 539/QĐ-TTg về chủ trương dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp sạch Sóc Sơn tại huyện Sóc Sơn. Dự án có quy mô sử dụng đất 302,8 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến gần 3.227 tỷ đồng.

Khu công nghiệp Thăng Long. Ảnh: Internet

Báo Đầu tư thông tin thêm, so với năm 2020, tốc độ tăng giá thuê của thị trường đất công nghiệp Việt Nam đã chậm lại ở cả miền Nam và miền Bắc. Mức tăng của giá thuê trung bình tại các tỉnh và thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc dao động từ 0% - 5% trong nửa đầu năm 2021, thấp hơn so với mức tăng từ 4% - 13% trong năm 2020. Phần lớn giá thuê của các dự án khu công nghiệp vẫn giữ ở mức tương tự tại thời điểm quý IV/2020, trừ một số dự án có vị trí thuận lợi tại Bắc Ninh, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai hay Long An vẫn duy trì được mức tăng từ 5 - 10% trong nửa đầu năm nay.

Phân khúc kho và xưởng xây sẵn duy trì ở mức ổn định. Trong nửa đầu năm 2021, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các tỉnh đều đạt được mức trên 90% do nguồn cung mới hạn chế. Dù vậy, mặt bằng chung giá thuê của kho và xưởng xây sẵn được nửa đầu năm 2021 không chứng kiến nhiều biến động mạnh so với cuối năm 2020.

Nhu cầu thuê bất động sản công nghiệp chủ yếu đến từ các công ty thuộc các ngành sản xuất linh kiện điện tử, linh kiện ô tô, đóng gói và logistics. Trong đó, sự tăng trưởng mạnh của các công ty logistics kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ đã thúc đẩy nhu cầu về không gian lưu trữ, làm tăng nhu cầu tìm kiếm quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng kho vận, với số lượng yêu cầu hỏi thuê tăng từ 30% năm 2020 lên 39% trong nửa đầu năm 2021.

Tuy nhiên, nửa cuối năm 2021 sẽ đặt ra một số thách thức cho Việt Nam khi dịch bệnh lây lan nhanh, nguy cơ xâm nhập vào các khu công nghiệp gây bùng phát lớn trên cả nước. Mặc dù có nhiều cơ hội nhưng việc thu hút đầu tư nước ngoài vào bất động sản công nghiệp Việt Nam vẫn còn một số điểm nghẽn, như các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và chi phí logistics, cơ chế và quy định pháp luật để thu hút các nhà đầu tư lớn.

Dự kiến, từ nay đến năm 2023, nguồn cung đất công nghiệp miền Bắc dự kiến tăng trung bình 7,4%/năm, trong khi nguồn cung kho và xưởng xây sẵn dự kiến cũng sẽ tăng lần lượt là 46% và 10%/năm.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu