16:59 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tội ác nơi đại ngàn: Ai đã “làm ngơ" để lâm tặc hạ sát đại ngàn?

16:05 27/02/2019

(THPL) - Đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô khẳng định không có chuyện phá rừng trên lâm phần mà đơn vị quản lý. Nhưng với vô số hình ảnh, thước phim được phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật thu thập được bên trong tâm lõi đại ngàn Đăk Rơ Nga, câu trả lời của lãnh đạo đơn vị chủ rừng như đang cố tình che giấu sự thật trước dư luận, tạo điều kiện cho những tay “lâm tặc" tiếp tục tàn phá rừng già Đăk Rơ Nga. Liệu rằng, có ai đó đã làm ngơ, thậm chí là câu kết, tiếp tay để “con lợn béo" mang tên rừng già Đăk Rơ Nga bị xâu xé?

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cho biết, để bảo vệ rừng, các cán bộ, nhân viên đơn vị thậm chí đã phải mang lợn (heo) lên rừng để làm thịt. Chợt nhiều người ví von rằng, rừng già Đăk Rơ Nga chẳng khác nào một “con lợn béo" để các “đối tượng" tranh thủ xâu xé.

"Con lợn béo" mang tên.... rừng già Đăk Rơ Nga. Ảnh: Thiên Phong.

“Con lợn béo" mang tên... rừng già Đăk Rơ Nga

Trong phóng sự điều tra số trước của chúng tôi cho thấy, cuộc tàn sát rừng già Đăk Rơ Nga diễn ra rầm rộ từ bên ngoài cửa rừng. Nhưng sự thật bên trong tâm lõi đại ngàn còn trắng trợn và tinh vi hơn rất nhiều. Nhiều người ví von rằng, rừng già Đăk Rơ Nga chẳng khác nào một “con lợn béo". Và cứ thế, “con lợn béo" ấy cứ bị xâu xé từng ngày, từng giờ.

Chao ôi! Vì những đồng tiền bất chính mà họ đã “làm ngơ" hoặc thậm chí là cấu kết, “tiếp tay" để một khối lượng lớn gỗ rừng bị “rút ruột".

Những cây gỗ hàng trăm năm tuổi bị chặt hạ và bỏ chỏng chơ giữa rừng. Ảnh: Thiên Phong.

Cuộc điều tra của chúng tôi vẫn chưa kết thúc, để làm rõ sự thật và cũng để chứng minh cho câu trả lời: "Không có chuyện phá rừng trên lâm phần của công ty quản lý" của lãnh đạo Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Chúng tôi đã tiếp tục thâm nhập vào tâm lõi đại ngàn Đăk Rơ Nga âm u kia.

Theo như lời “tố cáo" của người dân, “lâm tặc" cũng rất sành sỏi khi lựa chọn những cây gỗ quý để khai thác trước (như: gỗ Dổi-nhóm III), còn những cây gỗ tạp sẽ khai thác sau. Điều đó rất đúng với những gì mà chúng tôi thu thập được trong quá trình thâm nhập vào rừng già Đăk Rơ Nga.

Cây cổ thụ vừa bị chặt hạ mấy hôm, không có dấu kiểm tra của cơ quan chức năng. Ảnh: Thiên Phong.

Sau hơn 4 giờ đi bộ vào tâm lõi đại ngàn, nhiều lối mở đi thẳng xuống vực sâu hoắm, hun hút cả trăm mét. Chỉ nhìn thôi, chúng tôi cũng đã nổi gai ốc. Nhưng vì là địa hình hiểm trở nên còn sót lại những cây gỗ Dổi quý. Nhưng với sự chuyên nghiệp của những tay “lâm tặc" thì sau một thời gian mở đường, những cây Dổi hàng trăm năm tuổi đã bị triệt hạ, những phách gỗ Dổi vàng ươm, mùi thơm nức đã được xẻ vuông vức và họ dùng dây cáp để tời gỗ từ dưới vực lên đường. 1m3 gỗ Dổi khi được đưa ra khỏi rừng, về đến kho của các đầu nậu sẽ có giá gần 20 triệu đồng. Và khi ra đến các tỉnh phía Bắc thì giá của nó cao gấp nhiều lần.

Lợi nhuận từ rừng rất lớn nên đây chính là món mồi béo bở cho những tay “lâm tặc" và cũng là cơ hội cho những cán bộ “bán rẻ" lương tâm của mình vì đồng tiền bất chính, để rồi hàng trăm mét khối gỗ bị khai thác vô tội vạ.

Khung cảnh hoang tàn sau cuộc tàn sát đại ngàn. Ảnh: Thiên Phong.

Những bí mật động trời bên trong tâm lõi

Để ghi nhận tình trạng khai thác rừng mới diễn ra, chúng tôi đi xuống một vực sâu mà “lâm tặc" đã mở sẵn. Đi xuống khoảng gần 100m, hiện ra trước mắt chúng tôi là một khung cảnh hoang tàn sau cuộc tàn sát đại ngàn. Một cây gỗ Dổi (nhóm III) vừa mới bị “lâm tặc" chặt hạ. Tại hiện trường, toàn bộ số gỗ đã được “lâm tặc" xẻ thành hộp và vận chuyển ra khỏi rừng, chỉ còn sót lại những tấm ván bìa vàng ươm, ngọn cây vừa mới rũ xuống và mùn cưa còn thơm phức. Theo kinh nghiệm đi rừng của chúng tôi thì gốc cây này chỉ mới được chặt hạ độ 1 tuần đổ lại. Nhìn khung cảnh hoang tàn, chúng tôi không khỏi xót xa và căm phẫn.

Rừng già Đăk Rơ Nga "chảy máu". Ảnh: Thiên Phong.

Càng đi sâu vào tâm lõi đại ngàn, nơi giáp ranh với địa bàn huyện TuMơRông, rất nhiều cây gỗ quý đã bị những tên “lâm tặc" thảm sát, nhưng một số cây bị bọng nên “lâm tặc" bỏ lại chỏng chơ giữa rừng. Nhưng điều khá lạ lùng là tại các hiện trường bị “lâm tặc" khai thác, chúng tôi không hề thấy dấu kiểm tra, xử lý của đơn vị chủ rừng và cơ quan chức năng. Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô lại khẳng định là luôn tăng cường lực lượng đi tuần tra, phát hiện và xử lý kịp thời.

Đang mải mê ghi nhận hiện trường bên trong rừng già Đăk Rơ Nga, bỗng nhiên chúng tôi nghe tiếng máy cưa lốc vang dội từ bên kia quả đồi, như muốn xóa tan bầu không gian tĩnh mịch nơi sâu thẳm đại ngàn.

Hiện trường vụ phá rừng. Ảnh: Thiên Phong.

Theo lời người dân đi rừng cho biết, đấy là tiếng máy cưa gỗ của “lâm tặc" đang khai thác. Sau khi cưa hạ gỗ, chúng tiến hành xẻ hộp và khoảng 2h sáng thì dùng xe máy độ chế để vận chuyển ra khỏi rừng.

Để khai thác được gỗ rồi vận chuyển ra khỏi rừng, những tay “lâm tặc" phải có một thời gian dài chặt hạ cây để mở đường, xẻ lối. Rồi khi đã triệt hạ được cây gỗ thì chúng phải dùng dây cáp tời lên và dùng xe máy độ chế vận chuyển ra ngoài. Điều đấy người dân đều biết và nắm rõ quy luật hoạt động, nhưng không hiểu vì sao lực lượng chức năng chuyên trách lại không hề hay biết?

Ai đã "làm ngơ" để lâm tặc thảm sát đại ngàn? Ảnh: Thiên Phong.

Để rộng đường dư luận, phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Thành Chung- Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô. Ông Nguyễn Thành Chung khẳng định: “Tại các vị trí mà phóng viên phản ánh đã được khoán hết về cho dân quản lý và nơi bọn em đi qua bọn anh cũng đã xử lý, kiểm lâm cũng vào truy quét. Bên cạnh đó, đơn vị cũng cho lập 3 chốt tại thôn Đăk Dế, thôn Đăk Chờ và đầu tiểu khu 274”.

Trái với lời khẳng định hùng hồn của ông Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, nhiều hình ảnh những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi bị hạ sát, những cánh rừng bạt ngàn đang ngày đêm “chảy máu" mà chúng tôi thu thập được cho thấy vị này đang cố tình “lừa dối" dư luận.

Có hay không việc lực lượng chức năng chuyên trách “bắt tay" với “lâm tặc" để thảm sát đại ngàn? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm khi làm trái chỉ đạo “đóng cửa rừng" của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục làm rõ trong phóng sự điều tra tiếp theo: Tội ác nơi đại ngàn: Có hay không cán bộ “nhúng chàm" để đại ngàn chảy máu?

Thiên Phong-Hải Nguyễn-Phong Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu