15:46 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Tội ác nơi đại ngàn: “Rút ruột" rừng già Đăk Rơ Nga

09:50 26/02/2019

(THPL) - Những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi đã bị “xẻ thịt", những cánh rừng đại ngàn đang ngày đêm bị tàn sát bởi những tay “lâm tặc" chuyên nghiệp. Cuộc điều tra vô cùng cam go, có thể đánh đổi cả tính mạng cuối cùng cũng được phóng viên Thương hiệu và Pháp luật phanh phui qua phóng sự điều tra này với vô số hình ảnh và thước phim nơi sâu thẳm đại ngàn.

Từ những lời “tố cáo" đanh thép của những người dân về cuộc tàn sát đại ngàn diễn ra trên đỉnh rừng già Đăk Rơ Nga, thuộc xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý. Chúng tôi đã cải trang và lần theo dấu vết của những tay “lâm tặc” để thâm nhập vàp rừng già Đăk Rơ Nga, với mong muốn sẽ phanh phui được những sự thật trần trụi đang diễn ra bên trong sâm thẳm nơi đại ngàn kia.

Con đường mòn do "lâm tặc" mở đi xuyên vào bên trong khu rừng. Ảnh: Thiên Phong.

Vậy rồi, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình đi xuyên khu rừng già Đăk Rơ Nga, nơi tiếp giáp với huyện Ngọc Hồi và huyện TuMơRông (tỉnh Kon Tum). Chúng tôi cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình nếu cứ thâm nhập vào tâm lõi khu rừng để thu nhập bằng chứng bên trong khu rừng âm u.

Nhưng dường như, những tác phẩm phóng sự điều tra của tôi đa phần đều liên quan đến nạn phá rừng xảy ra tại Tây Nguyên. Chính điều đó đã thôi thúc tôi phải bằng mọi cách phanh phui và đưa ra ánh sáng những kẻ phá rừng và những cán bộ tha hóa, vì đồng tiền mà đã “bán" đi lương tâm, “bán” đi lòng tin từ người dân, để đại ngàn ngày, đêm “chảy máu".

Cuộc tàn sát đại ngàn diễn ra ngay bên ngoài cửa rừng. Ảnh: Thiên Phong.

Khi chúng tôi chạm chân đến cửa rừng, một con đường mòn đã lồ lộ hiện ra, không ai nghĩ bên trong khu rừng già kia lại là cuộc thảm sát đại ngàn như chốn không người. Băng qua cửa rừng được chừng 100m, một cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi vừa mới bị những tay “lâm tặc" hạ sát, vẫn còn mới nguyên. Tuy nhiên, phần thân cây đã bị “lâm tặc" xẻ hộp và vận chuyển đưa ra khỏi rừng. Nhìn những vết cắt “rất ngọt" của máy cưa sắt tại hiện trường thì chắc chắn đây là những tay “lâm tặc" có kinh nghiệm và hết sức chuyên nghiệp, bởi nếu những người mới tập tành vào nghề thì chắc hẳn sẽ không bao giờ thực hiện được như vậy.

Những cây đại cổ thụ bị triệt hạ la liệt. Ảnh: Thiên Phong.

Thật lạ, để mở đường vào tâm lõi khu rừng già, những tay “lâm tặc" đã cho triệt hạ những cây có đường kính từ 10-15cm nơi chúng đi qua mà không hề thương tiếc, nhưng lại không có một cơ quan nào ngăn chặn. Và rồi, hàng trăm mét khối gỗ cứ thế bị tuồn ra khỏi rừng mà không một ai chịu trách nhiệm.

Càng đi sâu vào khu rừng già Đăk Rơ Nga, cuộc tàn sát đại ngàn lại càng trắng trợn hơn rất nhiều. Nhiều cây đại cổ thụ tuổi đời hàng trăm năm có đường kính hơn 1m đã bị những tay “lâm tặc" chặt hạ, những thân gỗ đẹp đã được xẻ hộp và đưa ra khỏi rừng để bán cho những cánh đầu nậu. Tại hiện trường còn sót lại những bìa gỗ, những thân cây bị bọng và mùn cưa còn mới nguyên.

Nhiều hộp gỗ còn sót lại tại hiện trường. Ảnh: Thiên Phong.

Trong quá trình thâm nhập vào rừng già Đăk Rơ Nga để thu thập bằng chứng, chúng tôi không hề thấy dấu kiểm tra, xử lý của đơn vị chủ rừng cũng như cơ quan chức năng tại những gốc cây bị khai thác.

Con đường dẫn vào sâu tâm lõi rừng già Đăk Rơ Nga đã được cày mòn bởi những chiếc xe sắt độ chế. Dấu vết bách xích để lại, chứng tỏ hoạt động ra, vào khu rừng già của những tên “lâm tặc" chỉ mới cách vài giờ đồng hồ.

Cây gỗ có đường kính hơn 1m bị "lâm tặc" hạ sát, chưa được vận chuyển ra khỏi rừng. Ảnh: Thiên Phong.

Sau hơn 3 tiếng đi bộ, trong tay chúng tôi cũng đã có đầy đủ vô số những hình ảnh, thước phim cho thấy cuộc tàn sát đại ngàn là đúng như những lời “tố cáo" của người dân. Đã đến lúc chúng tôi phải phanh phui sự thật kia, để những tên phá rừng, những cán bộ tha hóa phải chịu trách nhiệm về “tội ác" nơi đại ngàn.

Hiện trường vụ phá rừng quy mô lớn. Ảnh: Thiên Phong.

Đi tìm lời giải đó, chúng tôi đã tìm đến Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, trưng ra những bằng chứng mà chúng tôi đã thu thập được sau cuộc hành trình dài. Ông Hoàng Văn Chất- Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết: “Khu vực nơi phóng viên phản ánh thuộc các tiểu khu 274, 275, 276, 277, 278, 279 được Công ty giao cho đội bảo vệ rừng khai thác tác động thấp quản lý. Chúng tôi thường xuyên phối hợp với cộng đồng, các đội lập chốt di động ở trong rừng, thậm chí là ăn Tết ở trong rừng để kiểm tra. Khi lực lượng của công ty vào rừng thì việc khai thác chủ yếu từ nơi khác sang. Tuy nhiên, khi có người của công ty phát hiện thì các đối tượng bỏ chạy”.

Đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô khẳng định là luôn có một đội ngũ lực lượng hùng hậu túc trực, không có chuyện phá rừng xảy ra trên lâm phần mà đơn vị quản lý. Đây có phải là câu trả lời thỏa đáng với dư luận hay chưa? Liệu rằng, bên trong đại ngàn kia sẽ còn điều gì đặc biệt chưa được hé lộ?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ phanh phui sự thật trong Phóng sự điều tra tiếp theo: “Tội ác" nơi đại ngàn- Kỳ 2: Ai đã “làm ngơ" cho lâm tặc hạ sát đại ngàn?

Thiên Phong- Hải Nguyễn- Phong Nguyễn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu