11:36 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Quýt Bắc Kạn lại “được mùa, mất giá”

14:32 14/12/2017

(THPL) - Thời điểm này quýt bắt đầu chín và người dân trồng quýt ở Bắc Kạn đang tập trung thu hoạch. Tuy nhiên, điệp khúc “được mùa mất giá” lại tái diễn nơi đây khiến bà con không khỏi bùi ngùi.

Theo báo Công an nhân dân, quýt Bắc Kạn là đặc sản của vùng cao, tuy năm nay được mùa nhưng giá lại rớt thê thảm khiến bà con không khỏi bùi ngùi. Hiện giá quýt bán tại vườn chỉ 5.000đ/kg, đến tận tay người tiêu dùng là 15.000đ/kg - chỉ bằng một nửa so với năm ngoái.

Anh Lưu Chấn Thụ chia sẻ, vườn quýt của gia đình năm nay sai quả, quả to, tròn đều, nếu thời tiết thuận lợi và giá cả ổn định thì có thể thu về tiền tỷ. Tuy vậy, với giá quýt như hiện nay thì người trồng quýt sẽ lỗ. Gia đình đành để lại thu hoạch sau. Nhưng nếu để chín quá sẽ ảnh hưởng đến chất lượng quả, quả xốp và nhẹ, thời tiết mưa quả sẽ thối và rụng. Năm ngoái gia đình anh cũng thất thu nhiều do gặp trời mưa quả chín rụng hết. 

2_175573
Quýt Bắc Kạn rớt giá gây thất thu cho nông dân. (Ảnh: Internet)

Đến huyện Bạch Thông, một trong những huyện có diện tích trồng cam quýt lớn nhất tỉnh Bắc Kạn, những cây quýt cao quá đầu người trĩu quả vàng óng đang được bà con nông dân thu hoạch. Xe tải của thương lái đỗ ven đường đang chờ vận chuyển quýt đến các điểm tiêu thụ. 

Ông Nguyễn Văn Thông, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông cho biết: “Bán cho thương lái không được giá nhưng đành phải chấp nhận vì quýt chín rộ, dân phân phối lẻ thì không thu hoạch kịp. Mà đến điểm thu mua ở xa, đi lại khó khăn”.

Theo ông Thông vì quýt đang vào vụ rộ nên thương lái cũng ra sức ép giá. Một vườn quýt nở rộ nhưng do giá quýt thấp mà thu nhập của nhiều gia đình đã giảm so với năm ngoái. Nếu tiếp tục rớt giá, không chỉ không có công, mà người nông dân còn lỗ.

Theo TTXVN, hiện nay, tổng diện tích cam, quýt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn là 2.440 ha; trong đó, cho thu hoạch là 2.000 ha. Sản lượng ước đạt 16.005 tấn quả, tăng 27% so với cùng kỳ. Huyện Bạch Thông là địa phương trồng nhiều quýt nhất tỉnh Bắc Kạn với khoảng 1.600 ha, tổng sản lượng ước đạt 10.000 tấn quả. 

Ông Đồng Văn Lưu, Bí thư Huyện ủy Bạch Thông (Bắc Kạn) cho biết, cây quýt được trồng từ lâu, mang lại thu nhập khá cho người dân trong vùng, quýt tại Bạch Thông cho trái và chất lượng khá tốt. Tuy nhiên, cứ năm nào được mùa thì giá thấp, còn năm nào mất mùa thì giá cao.

Tỉnh Bắc Kạn cũng đã xây dựng nhiều đề án phát triển cây cam quýt, phục tráng giống, trồng theo mô hình VietGAP… nhằm nâng cao chất lượng, sản lượng quýt. Đồng thời, mở rộng quảng bá thương hiệu, thành lập các tổ hợp tác xã nhằm giúp bà con tiêu thụ quýt. Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn, quýt Bắc Kạn là cây bản địa, mang nguồn gen quý hiếm, có thể canh tác độ dốc lớn; chịu sâu bệnh và đầu tư thâm canh ở mức vừa, với chất lượng nổi trội là đặc sản của địa phương.

Quýt Bắc Kạn được phân biệt với các giống quýt khác nhờ các đặc thù về cảm quan cũng như chất lượng, với hình dạng quả tròn dẹt, vỏ nhẵn, màu vàng; múi to đều mọng nước, tép có màu vàng rơm, không nát, vị chua, ngọt dịu, mềm vừa phải, mùi rất thơm, bóc dễ.

Tuy nhiên, do quả quýt đầu vụ có vị chua nên việc tiêu thụ gặp khó, chủ yếu bán trong địa bàn tỉnh. Nếu với giá bán như hiện nay thì người trồng quýt sẽ gặp khó. Quýt Bắc Kạn vốn được coi là một trong những loại cây nông sản nổi tiếng của tỉnh và đặc biệt cây nông sản này đã được cấp chỉ dẫn địa lý.

Xác định đây là cây trồng thế mạnh của địa phương, nên những năm qua tỉnh Bắc Kạn đã ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực để thâm canh, mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng cam, quýt; trong đó tập trung hỗ trợ giống, phân bón, khoa học kỹ thuật cho các nông hộ nhằm mở rộng diện tích. Tuy nhiên, để cây quýt thực sự giúp người dân xóa nghèo, ngoài việc khuyến khích người dân trồng loại cây ăn quả này, các ngành chức năng cần quan tâm hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản, bao tiêu sản phẩm…

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu