10:44 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu hồ tiêu đạt 963 triệu USD trong năm 2022

18:53 04/01/2023

(THPL) - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 đạt 226 nghìn tấn, trị giá 963 triệu USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với năm 2021.

Năm 2022, giá hồ tiêu nội địa biến động theo xu hướng giảm dần. Sau khi ghi nhận ở mức cao trong quý I/2022 (từ 82.500 - 85.000 đồng/kg vào tháng 2/2022), giá biến động giảm xuống mức thấp nhất trong năm vào quý IV/2022. Ngày 24/12/2022, giá hồ tiêu đen giảm mạnh từ 2.500 - 3.500 đồng/kg so với ngày 30/11/2022, xuống mức thấp nhất 60.000 đồng/kg tại tỉnh Đồng Nai; mức cao nhất 63.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Giá hồ tiêu trắng ở mức 93.000 đồng/kg, giảm 12.000 đồng/kg so với cuối tháng 11/2022 và thấp hơn nhiều so với mức giá 119.000 đồng/kg cùng kỳ năm 2021.

Năm 2022, ngành hồ tiêu của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm. Do đó, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc giảm. Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu giảm do lạm phát tăng cao và chính sách ‘Zezo Covid’ của Trung Quốc. Mặc dù vậy, giá hồ tiêu năm 2022 cao hơn so với năm 2021 dẫn đến trị giá nhập khẩu từ nhiều thị trường tăng.

Xuất khẩu hồ tiêu đạt 963 triệu USD trong năm 2022. Ảnh minh hoạ

Cục Xuất nhập khẩu nhận định, năm 2023, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu tiêu thụ thấp. Nhu cầu hồ tiêu sẽ giảm mạnh vào quý I/2023 với mùa đông rất khó khăn ở khu vực EU, do cuộc khủng hoảng năng lượng.

‘Hiện EU đang đối mặt với khủng hoảng năng lượng khiến lạm phát tăng cao, kinh tế suy giảm. Dự báo trong ngắn hạn, nhập khẩu hồ tiêu của các thị trường Đức, Anh, Pháp sẽ duy trì ở mức thấp. Về dài hạn, nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu tại thị trường châu Âu sẽ tăng trở lại khi các vấn đề về năng lượng, lạm phát được giải quyết, sẽ tác động tích cực lên ngành hồ tiêu Việt Nam’, Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Đối với thị trường Trung Quốc, dự báo năm 2023, nhu cầu nhập khẩu hồ tiêu của thị trường chưa thể bứt phá mạnh, mặc dù Trung Quốc đã nới lỏng chính sách ‘Zero Covid’. Dự kiến phải đến đầu quý II/2023, sức mua của thị trường Trung Quốc mới có thể tăng trở lại.

Nhận định về xuất khẩu hồ tiêu, bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), cho rằng ngành hồ tiêu hoàn toàn có thể kỳ vọng sự bứt phá lớn hơn trong năm 2023 với sự ổn định thị trường, Trung Quốc mở cửa, nới lỏng chính sách Zero Covid,…Theo đó, VPA  khuyến nghị các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt, tận dụng các lợi thế, ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, Hiệp định khu vực tự do ASEAN, Việt Nam - EU,… để tăng thế mạnh cạnh tranh khi các nước đối thủ như Malaysia hay Ấn Độ chưa có các Hiệp định tương tự.

Nhằm tiếp tục khẳng định, duy trì vị thế của hồ tiêu của Việt Nam trên thị trường thế giới một cách bền vững, ngành hồ tiêu cần có chiến lược bền vững, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, truy xuất và kết nối khách hàng. Đồng thời, định hướng lại chiến lược xây dựng hình ảnh, tăng cường sự hiện diện một cách có chiến lược ở các thị trường chủ chốt, có chiến lược cụ thể, hiệu quả về phát triển sản phẩm mới vào các thị trường cao cấp.

Tú Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu