08:36 ngày 30/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu hàng hóa Việt Nam hướng đến mục tiêu 377 tỷ USD trong năm 2024

15:55 15/01/2024

(THPL) - Năm 2024, Bộ Công thương đặt mục tiêu xuất khẩu tăng khoảng 6%, tương ứng 377 tỷ USD, cán cân thương mại thặng dư 15 tỷ USD.

Theo thống kê của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2023 ước đạt 355,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với năm trước. Trong đó, có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,6% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Cũng trong năm 2023, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 301,56 tỷ USD, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu là do kim ngạch xuất khẩu của hầu hết mặt hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm này đều giảm so với cùng kỳ năm trước, trong đó có đến 5 trong tổng số 7 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến suy giảm so với cùng kỳ gồm:

Điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 53 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác  ước đạt 43 tỷ USD; hàng dệt may đạt ước đạt 33,22 tỷ USD; giày dép các loại đạt 20,37 tỷ USD; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,4 tỷ USD.

Trong năm qua, duy nhất có hai mặt hàng thuộc 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD có kim ngạch xuất khẩu tăng trong năm 2023 là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cùng với phương tiện vận tải và phụ tùng, với mức tăng lần lượt là 3,3% và 14,6%, đạt lần lượt là 57,34 tỷ USD và 13,74 tỷ USD.

Như vậy, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đã vượt điện thoại các loại và linh kiện, trở thành ngành hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của nước ta, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Xuất khẩu hàng hóa hướng đến mục tiêu 377 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh minh hoạ

Dựa trên mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2024 ở mức 6 - 6,5%, Bộ Công Thương đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% (tương ứng 377 tỷ USD). Cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD.

"Đơn hàng xuất khẩu đang dần phục hồi kể từ quý 4/2023 là một trong những yếu tố để các doanh nghiệp xuất khẩu tin tưởng bức tranh thị trường 2024 sẽ khởi sắc hơn năm 2023", Bộ Công Thương nhận định, đồng thời cho biết nhìn chung, áp lực bên ngoài đối với sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đến từ cả 3 kênh.

Thứ nhất: Kênh thương mại quốc tế. Nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng chậm, dẫn đến tổng cầu khó phục hồi mạnh, từ đó tác động đến kết quả xuất khẩu.

Thứ hai: Kênh đầu tư quốc tế. Mặt bằng lãi suất thế giới nhìn chung còn neo ở mức cao, khó thu hút vốn cho đầu tư nói chung và trực tiếp tạo áp lực không nhỏ trong việc giữ vốn đã đầu tư ở lại Việt Nam, cũng như thu hút thêm vốn đầu tư mới.

Thứ ba: Kênh tài chính tiền tệ với áp lực mất giá đồng nội tệ so với đồng USD, tuy thuận lợi phần nào cho xuất khẩu nhưng sẽ khiến chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất tăng cao và làm tăng quy mô thanh toán của các khoản nợ nước ngoài.

Để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 tăng khoảng 6% so với năm 2023, Bộ Công Thương cho biết sẽ tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới để mở rộng, đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất nhập khẩu, chuỗi cung ứng.

Bên cạnh đó, tăng cường khai thác các thị trường lân cận, còn tiềm năng, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu bền vững. Đồng thời, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại.

Năm 2024, bối cảnh thế giới được dự báo tiếp tục có những chuyển biến lớn và khó lường với nhiều cơ hội và thách thức đan xen. Là nền kinh tế có độ mở cao, Việt Nam không thể tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực của những biến động từ bên ngoài trong bối cảnh rủi ro, thách thức còn rất lớn đối với triển vọng kinh tế thế giới trong năm 2024.

Trước diễn biến trên, Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp không được lơ là, chủ quan, mà phải theo dõi chặt chẽ tình hình biến động sản xuất, cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để kịp thời có các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra trong năm 2024 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu