16:40 ngày 18/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ giảm mạnh trong tháng đầu năm

15:26 08/03/2023

(THPL) - Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ của Việt Nam trong tháng 1/2023 đạt 14,04 triệu USD, giảm 58% so với tháng 1/2022.

Cụ thể, trong tháng 1/2023, xuất khẩu các chủng loại gốm sứ mỹ nghệ đều giảm mạnh so với tháng 1/2022. Cụ thể, chậu gốm sứ vẫn là chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất trong tháng 1/2023 đạt 9,96 triệu USD, giảm 59,7%. Xuất khẩu gốm sứ trang trí đạt 2,96 triệu USD giảm 55,4%. Xuất khẩu gốm sứ gia dụng đạt 955 nghìn USD giảm 42,5%.

Về thị trường xuất khẩu, tháng 1/2023, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang EU đạt 4,76 triệu USD, giảm 58,5% so với tháng 1/2022. Đối với thị trường Mỹ, xuất khẩu gốm sứ mỹ nghệ sang thị trường này trong tháng 1/2023 đạt 5,78 triệu USD,  giảm 55,5% so với tháng 1/2022.

Hiện Việt Nam đứng thứ 2 trong số các thị trường cung cấp gốm sứ mỹ nghệ cho Mỹ, với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2018 – 2022 đạt 12,1%/năm, cao hơn mức tăng trưởng 6,9%/năm của Trung Quốc.

Xuất khẩu gốm sứ giảm mạnh trong tháng đầu năm. Ảnh minh hoạ

Theo tìm hiểu, kể từ quý IV/2022 đến nay lạm phát tại các thị trường xuất khẩu chủ lực mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam như Mỹ, EU tăng cao, đã ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trang trí tại những thị trường này. Do đó, trong thời gian tới, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống như: Mỹ, EU, Nhật Bản, doanh nghiệp cũng nên tập trung khai thác thị trường khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mexico, Chilê…

Theo Trung tâm thương mại quốc tế (ITC), để đẩy mạnh và phát triển ngành công nghiệp gốm sứ xây dựng, Việt Nam cần xây dựng, hình thành các trung tâm xử lý và chuẩn hóa nguyên liệu ngành gốm đồng bộ đối với ngành gốm sứ. Đây là động lực để ổn định sản xuất và là tiền đề để phát triển các sản phẩm gốm sứ có giá trị gia tăng cao.

Tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các hiệp định đã ký kết để nhập khẩu các sản phẩm máy móc công nghệ hiện đại từ các nước phát triển, sản xuất các sản phẩm gốm sứ xây dựng phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, nâng cao giá trị giá sản phẩm, tăng sức cạnh tranh và mở rộng thị phần trên thị trường thế giới.

Theo các chuyên gia, khi Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào kinh tế thế giới sẽ mở ra nhiều cơ hội. Tuy nhiên, đây cũng là thử thách lớn khi nhiều nền kinh tế bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trong tình hình thế giới luôn có nhiều biến động, để thích ứng và phát triển, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược phù hợp, đẩy mạnh việc chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi số, làm mới mô hình kinh doanh, tái cấu trúc và áp dụng khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh. Riêng với thị trường EU, để hàng gốm sứ mỹ nghệ thâm nhập, doanh nghiệp phải đáp ứng tốt hơn các tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn, thường xuyên đổi mới mẫu mã sản phẩm.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu