05:18 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu gạo tăng trưởng khá trong tháng 10/2022

13:58 03/11/2022

(THPL) - Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 10 năm 2022 ước đạt 700 nghìn tấn với giá trị đạt 334 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 10 tháng đạt 6,07 triệu tấn với 2,94 tỷ USD.

Theo tin từ Bộ NN&PTNT, giá gạo xuất khẩu bình quân 10 tháng ước đạt 484 USD/tấn, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm 2021. Trong 9 tháng, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 43,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này đạt 2,47 triệu tấn với 1,14 tỷ USD, tăng 35,3% về khối lượng và tăng 22,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.

Trong tháng 10, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam dao động từ 425 - 430 USD/tấn - mức cao nhất kể từ tháng 11/2021. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 tháng do đồng baht yếu và nhu cầu giảm. Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm giảm 28 USD/tấn, từ mức 435 USD/tấn xuống còn 407 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7. Các thương nhân cho rằng, giá gạo giảm do nhu cầu tiêu thụ giảm ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu trong bối cảnh không hề có sự gián đoạn nguồn cung do lũ lụt.

Xuất khẩu gạo tăng trưởng khá trong tháng 10/2022. Ảnh minh hoạ

Trên thị trường thế giới, giá chào bán gạo xuất vẫn duy trì ổn định ở mức khá cao. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu 5% tấm đang ở mức 428 USD/tấn, gạo 25% tấm ở mức 408 USD/tấn. Doanh nghiệp cho biết, giá gạo xuất khẩu tăng nhưng không kịp so với đà tăng giá gạo trong nước, nguyên nhân do nguồn nguyên liệu trong nước đang cạn kiệt và do một số đơn vị xuất khẩu gạo còn đang nợ hợp đồng mà thời gian giao hàng không còn nhiều, nên đã tập trung mua cho đủ số lượng để kịp giao hàng trong các tháng cuối năm.

Với ngành gạo Việt, trong những năm gần đây đang có sự chuyển dịch từ gạo ở phân khúc thấp sang gạo chất lượng cao.

Trong nửa đầu năm 2022, cơ cấu chủng loại gạo tiếp tục có sự chuyển biến tích cực phù hợp với định hướng chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo đã được phê duyệt. Hiện tỉ lệ xuất khẩu gạo trắng ở mức 44,7%, gạo thơm các loại khoảng 33,4%. Nhờ đó xuất khẩu gạo sang các thị trường khó tính ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đơn cử, thị trường Mỹ 8 tháng năm nay tăng trên 84%, sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng trên 82%.

Theo các doanh nghiệp, trong 3 năm tới, Việt Nam vẫn sẽ hưởng lợi khi toàn cầu sắp đối mặt với biến đổi khí hậu, nguồn cung lương thực khan hiếm. Hiện, năng suất sản xuất lúa gạo của Thái Lan đang giảm, trong khi đó, quy mô vụ mùa của Ấn Độ sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đó do mưa đã làm hư hại các ruộng lúa ở các bang phía Bắc và Đông Bắc.

Một số chuyên gia nhận định, thị trường gạo xuất khẩu trong các tháng cuối năm sẽ nhộn nhịp, số lượng tàu vào TP.Hồ Chí Minh ăn hàng rất nhiều và đa số là những tàu lớn đi gạo đóng túi có trọng lượng từ 4,5kg đến 5 kg/túi, phần lớn các hợp đồng xuất khẩu gạo đều có điểm đến là Philippines, Trung Quốc và châu Phi…Do nhu cầu giao hàng của doanh nghiệp tăng mạnh nên giá gạo trong nước đã tăng, tuy vậy nguồn cung vẫn có đủ cho nhu cầu mua vào của doanh nghiệp, và phần lớn các doanh nghiệp ký hợp đồng mới đều có chân hàng trong kho nên đạt lợi nhuận đạt từ 15 USD đến 20 USD/tấn. Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng tỷ giá USD/VND cũng thấp hơn so với tỷ giá hiện nay nên doanh nghiệp xuất khẩu càng có lợi.

Trước những nhận định trên, Bộ NN&PTNT dự báo nếu thời tiết từ nay đến cuối năm thuận lợi, Việt Nam sẽ xuất khẩu được 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo. Dự kiến kim ngạch xuất khẩu gạo năm nay đạt khoảng 3,2 - 3,3 tỷ USD.

Thời điểm cuối năm, phần lớn các doanh nghiệp đều cạn kho nên giá tăng. Triển vọng của ngành xuất khẩu lúa gạo trong dài hạn có nhiều lạc quan cả về lượng và giá. Thứ nhất là chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ chưa và ít có khả năng được dỡ bỏ khi nước này tiếp tục gánh chịu nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan. Mặt khác, một nước xuất khẩu quan trọng là Pakistan cũng vừa trải qua trận lũ lụt lịch sử làm ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn cung. Thứ hai, ngoài lệnh cấm của Ấn Độ thì nhu cầu lương thực thế giới đang cao do đối mặt chiến tranh và thiên tai nghiêm trọng khắp nơi. Cụ thể như hạn hán gay gắt ở Mỹ, châu Âu và đặc biệt là Trung Quốc, nước có nhu cầu tiêu thụ gạo lớn nhất thế giới. Trong khi đó, điều kiện sản xuất lương thực của Việt Nam thời gian qua tương đối thuận lợi và sản lượng dồi dào. Cục diện đó cho thấy, trong những tháng cuối năm và cả năm 2023, đầu ra của sản phẩm gạo Việt Nam vẫn lạc quan.

Tú Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu