06:29 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Cơ hội bứt phá cho xuất khẩu gạo những tháng cuối năm

10:36 19/09/2022

(THPL) – Gần đây, thông tin áp thuế và tạm dừng xuất khẩu gạo tấm của Ấn Độ đang khiến thị trường gạo thế giới biến động mạnh, trong đó có Việt Nam. Một tuần nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp bứt phá những tháng cuối năm.

Những ngày qua, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng, khoảng hơn 30 USD/tấn so với hồi đầu tháng 9. Giá gạo xuất khẩu tăng khiến doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân với giá cao hơn, thị trường trong nước cũng sôi động hơn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo tấm và "gạo dài không thơm" sang các thị trường châu Phi và Trung Quốc đang đứng trước nhiều cơ hội tìm kiếm thêm được khách hàng mới vì từ trước tới giờ gạo của Ấn Độ đang khá cạnh tranh với gạo của Việt Nam ở phân khúc thị trường này.

Cạnh đó, do thiếu hụt nguồn cung từ phía Ấn Độ nên nhiều doanh nghiệp của Trung Quốc chuyển hướng tìm nguồn cung gạo tấm của Việt Nam để phục vụ nhu cầu từ nay đến Tết.

Theo các doanh nghiệp khi các nhà xuất khẩu Ấn Độ ngừng ký hợp đồng mới, các bên mua đang cố gắng đảm bảo nguồn cung từ Việt Nam, Thái Lan và Myanmar. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng đang tăng tốc dịp cuối năm để nắm bắt cơ hội này.

Cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam những tháng cuối năm. Ảnh minh hoạ

Báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin, đánh giá về tình hình thế giới 4 tháng cuối năm 2022, TS Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, sẽ tiếp tục biến động chưa ổn định, các DN cần theo sát tình hình, liên hệ chặt chẽ các cơ quan nghiên cứu dự báo trước. Tuy nhiên, xung đột Nga – Ukraine, hay những diễn biến xuất khẩu gạo Ấn Độ… cũng tạo ra cơ hội, mở ra khả năng Việt Nam đẩy mạnh được xuất khẩu.

“Gạo có thể là loại lương thực sắp bị cuốn vào cơn sốt này. Chỉ số giá lương thực của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) đã cho thấy, giá gạo thế giới âm thầm tăng 5 tháng liên tiếp, đạt mức cao nhất 12 tháng – theo dữ liệu tháng 5 công bố vào tuần trước. Giá gạo tăng lên, Việt Nam có thể thu được lợi về xuất khẩu gạo”, TS Doanh nói.

Tạp chí Nông thôn Việt đưa tin, trước đó một số chuyên gia từng dự báo, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ đi ngang trong những tháng cuối năm do tuyên bố sản lượng cao từ phía Ấn Độ và xu hướng giảm giá phân bón (chiếm 22% tổng chi phí sản xuất gạo). Tuy nhiên, các nhà sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam lại có thể cải thiện lợi nhuận khi triển vọng tăng sản lượng xuất khẩu rất tươi sáng.

Theo đó, nhu cầu gạo từ Philippines ngày càng tăng (hiện đã chiếm 49,89% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước) do giá lúa mì tại nước này tăng cao mà sản lượng gạo sản xuất của họ được dự báo đi ngang. Việt Nam hiện chiếm hơn 80% tổng thị phần xuất khẩu gạo vào Phillippines trong giai đoạn 2021 - 2022 vì thế sẽ được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, Trung Quốc - nhà nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam với 15% tổng giá trị xuất khẩu trong năm tháng đầu năm 2022 - dự kiến sẽ quay trở lại nhập khẩu. Ngoài ra, thị trường Châu Âu cũng được kỳ vọng nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Theo cam kết trong EVFTA, EU sẽ dành cho Việt Nam hạn ngạch xuất khẩu 80.000 tấn gạo/năm. Mặc dù nhập khẩu gạo từ EU chỉ chiếm 0,5% tổng giá trị xuất khẩu trong năm tháng đầu năm 2022 nhưng đây cũng là thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam có thể cân nhắc. Mặc dù các tiêu chuẩn nhập khẩu của Châu Âu tương đối khắt khe và ít có doanh nghiệp Việt đáp ứng đầy đủ.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu