15:31 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Dự báo xuất khẩu gạo đối mặt với nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm

14:59 04/07/2022

(THPL) - Theo một số chuyên gia, trong 6 tháng cuối năm xuất khẩu gạo sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó yêu cầu về chủng loại gạo, chất lượng gạo của các nước nhập khẩu đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải linh hoạt trong cách thức tiếp cận thị trường.

Báo Lao động đưa tin, ông Nguyễn Quang Hòa – Giám đốc Duong Vu Rice cho hay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc bởi Hải quan Trung Quốc đang áp dụng ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn trong quy định xuất nhập khẩu.

“Đây là thị trường rất hấp dẫn, tiềm năng lớn, nhưng cũng rất nhiều quy định khắt khe mà các doanh nghiệp luôn phải theo sát để xử lý kịp thời, bởi thị trường Trung Quốc không hề dễ tính như nhiều người lầm tưởng” – ông Hòa thông tin.

Nhiều doanh nhân chuyên xuất khẩu gạo cũng cho hay, một khó khăn lớn là hiện nay, thị trường tầm trung nhưng khá tiềm năng là Châu Phi đã chuyển sang mua gạo Ấn Độ để được hưởng mức giá rẻ hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn dù chất lượng gạo Ấn Độ thua xa chất lượng gạo Việt.

Một thực tế là chi phí cảng biển, giá cước tàu biển, chi phí thuê vỏ container... ở mức quá cao đang làm gạo Việt bị giảm sức cạnh tranh trên thị trường.

Báo VTV News đưa tin, ông Nguyễn Chánh Trung - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Tân Long cho hay: "Chất lượng phải đồng đều, giá cả hợp lý, nguồn cung ổn định chính là những thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam. Điều này càng khó khăn hơn trong bối cảnh 2 năm trở lại đây, giá vật tư đầu vào của ngành lúa gạo liên tục tăng cao, lợi nhuận của doanh nghiệp gạo theo cũng bị ảnh hưởng."

Dự báo xuất khẩu gạo đối mặt với nhiều thách thức trong 6 tháng cuối năm. Ảnh minh họa

Mặc dù nhiều doanh nghiệp cho rằng, giai đoạn hiện nay, việc giữ ổn định gạo giá cao là bài toán khó khi giá cả vật tư nông nghiệp đang leo thang từng ngày khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam (ngày 7/6/2022) đang khá tốt với mức giá 423 USD/tấn (gạo 5% tấm); 403 USD/tấn (gạo 25% tấm) và 378 USD/tấn (gạo 100% tấm).

Ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Phước Thành IV cho rằng, giá gạo xuất khẩu trong thời gian tới sẽ khó tăng cao, mặc dù nhu cầu lớn. Nguyên nhân là do, một số nước vẫn còn lượng hàng tồn kho lớn; nhiều nước thiếu hụt nhưng chủ yếu dành cho đấu thầu hợp đồng quốc gia nên hợp đồng thương mại khó tham gia.

Cũng theo các chuyên gia, một khó khăn nữa hiện nay là thị trường tầm trung nhưng khá tiềm năng là châu Phi đã chuyển sang mua gạo Ấn Độ để được hưởng mức giá rẻ hơn, chi phí vận chuyển thấp hơn.

Vì vậy, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xuất khẩu các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka; tiếp tục tận dụng các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Anh… Dự kiến sản lượng xuất khẩu gạo năm nay khoảng 6,4 triệu tấn, vượt 300.000 tấn so với năm 2021.

Theo báo Nhân dân, liên quan đến vấn đề nhận diện thương hiệu gạo Việt Nam, bà Trần Lê Dung, Bí thư thứ nhất phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Malaysia nhấn mạnh: Tại Malaysia, Công ty Bernas Berhad là doanh nghiệp độc quyền nhập khẩu gạo trắng dài của Việt Nam. Đây cũng là loại gạo tiêu thụ chủ yếu tại nước này. Tuy nhiên, Công ty Bernas Berhad hiện nhập theo container gạo thô, sau đó về nước đóng gói và dán nhãn mác thương hiệu công ty của họ. Do đó, tại thị trường Malaysia, người tiêu dùng vẫn chủ yếu biết đến thương hiệu gạo của Bernas Berhad.

Đây chính là nguyên nhân khiến người tiêu dùng ít biết đến gạo Việt Nam. Để cải thiện tình trạng này, bà Trần Lê Dung đưa ra giải pháp: Tại một số siêu thị Malaysia hiện có hình thức gửi hàng mẫu tại các gian hàng. Theo đó, doanh nghiệp sẽ mất phí thời gian đầu để giới thiệu hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam nên lưu ý đến hình thức giới thiệu này, bởi trong quá trình trưng bày, quảng bá, sản phẩm có nhiều người hỏi mua thì siêu thị sẽ nhập hàng, đồng thời các doanh nghiệp khác cũng sẽ quan tâm. Ngoài ra, để đa dạng mặt hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp Việt nên đẩy mạnh xuất khẩu gạo nếp vì nhu cầu tại Malaysia cũng rất cao.

Trong bối cảnh hầu hết các nước ASEAN đều có những thay đổi về nhu cầu, điều kiện nhập khẩu gạo, để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, ngành gạo cần rà soát lại nhu cầu của từng thị trường, xác định những thị trường tiêu thụ gạo phẩm cấp thường với giá rẻ, thị trường tiêu thụ gạo cao cấp, gạo thơm với mức giá cao. Từ đó có chiến lược quảng bá, giới thiệu sản phẩm đúng hướng. Cần chú trọng xây dựng thương hiệu gạo tại các nước ASEAN để xác lập vị thế cho hạt gạo Việt Nam, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng gạo tại các thị trường này.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu