02:47 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng trưởng tốt

Bảo An (tổng hợp) | 21:46 28/06/2022

(THPL) - Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2022 đạt 27,88 tỷ USD, tăng 13,9%.

Trong đó nhóm nông sản chính 11,37 tỷ USD, tăng 8,8%; lâm sản chính 9,1 tỷ USD, tăng 3,0%; thủy sản 5,8 tỷ USD, tăng 40,8%; chăn nuôi 176 triệu USD, giảm 15,9%; đầu vào sản xuất 1,42 tỷ USD, tăng 64,8%. Đáng chú ý, do thị trường xuất khẩu mở rộng, có đến 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu tăng cao và đạt trên 1 tỷ USD là: Cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất.

Theo báo Tin tức, trước sự tăng trưởng ngoạn mục của nhóm sản phẩm thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận định, những tháng đầu năm 2022, nhu cầu thuỷ sản ở tất cả các phân khúc hồi phục rất mạnh, trong khi nguồn cung của các nước không đáp ứng kịp. Xung đột Nga – Ukraine càng làm cho thị trường thiếu hụt nguồn cung thuỷ sản khi hàng loạt các nước ra lệnh cấm nhập khẩu thuỷ sản Nga.

Cùng lúc đó tại Việt Nam, sau đỉnh dịch COVID-19 (quý III/2021) nông dân nuôi trồng và doanh nghiệp đã khôi phục sản xuất và chế biến xuất khẩu rất nhanh, để kịp tận dụng được cơ hội thị trường và đáp ứng lượng đơn hàng dồn dập từ các nước.

Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng gần 14% trong 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa

Dù không có được sự tăng trưởng mạnh mẽ ở mức hai con số như mọi năm, nhưng giá trị xuất khẩu lâm sản chính trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng 3% và ước đạt 9,1 tỷ USD. 

Theo báo Công lý, ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, mặc dù hiện nay xuất nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ có bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga-Ukraine, nhưng với tiến độ xuất khẩu từ đầu năm đến nay, xuất khẩu nhóm sản phẩm này sẽ đạt trên 17 tỷ USD, vượt xa con số 16 tỷ USD mục tiêu đặt ra. Để bảo đảm cho nguồn nguyên liệu cho chế biến thì khai thác gỗ trong nước dự kiến sẽ đạt 31 triệu m3.

Về thị trường xuất khẩu, hiện có 4 thị trường là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc nhập khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam; trong đó 2 thị trường lớn nhất là Hoa Kỳ và Trung Quốc thời gian qua được duy trì tốt.

Mỹ hiện là thị trường lớn nhất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam với kim ngạch khoảng 7,61 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ và chiếm 27,3% tổng giá trị xuất khẩu; trong đó, chủ yếu là gỗ và sản phẩm gỗ (chiếm khoảng 66,8%). Kế tiếp là Trung Quốc với giá trị khoảng 4,97 tỷ USD, tăng 5,9% và chiếm 17,8% tổng giá trị xuất khẩu.

Để có được những kết quả trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương thực hiện các cơ chế, chính sách đối với công tác xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường để giải quyết kịp thời các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Trước tác động của dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, các đơn vị đã chủ động nghiên cứu, dự báo, tranh thủ cơ hội từ FTAs để thúc đẩy xuất khẩu nông sản. Đồng thời, thúc đẩy lưu thông, thương mại biên giới, nắm bắt tình hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu