21:55 ngày 22/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch 4 tỷ USD/tháng

Tuấn Minh (t/h) | 12:44 23/09/2022

(THPL) - Xuất khẩu dệt may là nhóm hàng đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu cả nước, chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính đến hết tháng 8 năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt hơn 26 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm ngoái.

Báo Đầu tư đưa tin, theo phân tích của Tổng cục Hải quan: "Xuất khẩu hàng dệt may trong ba tháng trở lại đây (tháng 6, 7, 8) đều tăng tốt, lập đỉnh liên tiếp và lần đầu tiên xuất khẩu đạt mốc 4 tỷ USD vào tháng 8/2022. Cụ thể, trị giá xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 8 đạt 4 tỷ USD, tăng 8,7% so với tháng 7/2022. Tính đến hết tháng 8/2022, xuất khẩu hàng dệt may đạt 26,28 tỷ USD, tăng 24,3%, tương ứng tăng 5,14 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp lớn thứ 2 vào tăng xuất khẩu cả nước chỉ sau nhóm máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng".

Cũng theo thống kê, 8 tháng qua, một số thị trường chủ lực về dệt may của Việt Nam đều có mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 12,88 tỷ USD, tăng 22,6%, tương ứng tăng 2,73 tỷ USD; sang EU đạt 3,02 tỷ USD, tăng 41,1%, tương ứng tăng 879 triệu USD; Nhật Bản đạt 2,54 tỷ USD, tăng 22%, tương ứng tăng 458 triệu USD; Hàn Quốc đạt 2,14 tỷ USD, tăng 20,5%, tương ứng tăng 365 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021.

Xuất khẩu dệt may đạt kim ngạch 4 tỷ USD/tháng. Ảnh minh hoạ

Trong tháng 8/2022, xuất khẩu giày dép các loại đạt 2,29  tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với tháng 8/2022. Tính đến hết tháng 8/2022, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này đạt 16,37 tỷ USD, tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trị giá xuất khẩu giày dép các loại sang Mỹ đạt 7,01 tỷ USD, tăng 35,8% so với cùng kỳ năm trước; sang EU đạt  3,96 tỷ USD, tăng 36%; sang Trung Quốc đạt 1,13 tỷ USD, giảm 4%.

Theo báo Công lý, ở chiều ngược lại, nhập khẩu nguyên phụ liệu của nhóm hàng dệt may trong tháng 8 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước. Tính chung trong 8 tháng, tổng trị giá nhập khẩu của nhóm hàng này trên 19 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất cung cấp nhóm hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày cho Việt Nam, chiếm tỷ trọng tới gần 52%, với 10 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 43 tỷ USD trong năm 2022, ngành dệt may Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Điển hình như việc các quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may của Việt Nam.

Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay, làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20 – 25%. Ngoài ra, bất lợi về tỷ giá với các đối thủ cạnh tranh, tình trạng thiếu lao động sau đại dịch, yêu cầu truy soát nguồn gốc bông, vải, sợi hay xanh hóa dệt may từ các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới cũng là những thách thức mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang phải đối mặt.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu