06:25 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vụ tranh chấp thương mại giữa công ty Đại Sơn và Licogi: Những hệ lụy và mất mát đáng tiếc!

11:21 10/09/2019

(THPL) - Ngày 6/9 vừa qua, TAND tỉnh Hải Dương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp thương mại phát sinh từ hợp đồng xây dựng công trình giữa Công ty Đại Sơn và Công ty Licogi. Tuy nhiên, đến cuối ngày làm việc, xét thấy trong vụ án tranh chấp này còn nhiều vấn đề cần bổ sung chứng cứ và tài liệu nên Hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để làm rõ các vấn đề liên quan.

Mốc thời gian nảy sinh mâu thuẫn của Chủ đầu tư và nhà thầu

Ngày 8/6/2007, Tổng công ty xây dựng và phát triển hạ tầng, nay gọi là Tổng công ty Licogi - CTCP và Công ty cổ phần phát triển và đầu tư Đại Sơn cùng nhau ký hợp đồng số 426A – HĐKT – KH về gói thầu hạ tầng Trường trung cấp Huấn nghề Việt Mỹ tại Cộng Hòa – Chí Linh – Hải Dương và hợp đồng số 426B – HĐKT – KH về gói thầu thi công xây dựng hạ tầng Khu du lịch, nhà nghỉ, trung tâm huấn nghệ và công nghệ cao do công ty Đại Sơn làm chủ đầu tư.

Hợp đồng có các nội dung cơ bản: Công ty Đại Sơn giao công ty Licogi thực hiện toàn bộ công tác xây lắp theo hồ sơ thiết kế đã được chủ đầu tư phê duyệt và bảng tính khối lượng do nhà thầu lập kèm theo. Các hợp đồng đều theo hình thức trọn gói, giá trị hợp đồng số 426A là 14.939.932.970 đồng bao gồm 10% giá trị gia tăng; giá trị hợp đồng số 426B là 40.098.130.243 đồng bao gồm 10% giá trị gia tăng. Thời gian hoàn thành công trình là 256 ngày lịch (không kể ngày lễ, tết và các trường hợp bất khả kháng...).

Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ 2007 cho đến 2010 giữa chủ đầu tư và nhà thầu đã phát sinh nhiều vấn đề gây ảnh hưởng trực tiếp tới tiến độ thi công và tạo ra tranh chấp thương mại giữa đôi bên. Cụ thể, ngày 22/8/2008 và 12/5/2009, Licogi và Đại Sơn cùng ký các phụ lục để bổ sung cho hợp đồng số 426B-HĐKT – KH ngày 08/06/2007.

Đến tháng 5/2010, Công ty Đại Sơn đã ký 8 phiếu thanh toán của 8 đợt cho Công ty Licogi với tổng số tiền là 27.956.017.127 đồng. Công ty Đại Sơn đã thanh toán cho Công ty Licogi số tiền 23.146.027.533 đồng. Số tiền công ty Đại Sơn chưa thanh toán cho Công ty Licogi gồm 10% giữ lại trong 8 đợt thanh toán cộng với 5% giá trị bảo hành công trình theo như thỏa thuận 2 bên là 4.139.402.569 đồng. Ngoài ra còn số tiền 310.587.025 đồng là tiền Công ty Đại Sơn chưa thanh toán của đợt 8. Tổng số tiền Công ty Đại Sơn còn giữ lại là 310.587.025 + 4.139.402.569 = 4.449.989.594 đồng.

Ngày 28/12/2012, hai bên ký văn bản chấm dứt hợp đồng. Công ty Licogi yêu cầu công ty Đại Sơn phải thanh toán tiền gốc còn nợ là 4.449.989.594 đồng và tiền lãi tính đến ngày 31/12/2016 là 4.972.982.149 đồng. Công ty Đại Sơn không chấp nhận yêu cầu của công ty Licogi và khẳng định không nợ tiền Licogi, số tiền 4.449.989.594 đồng Công ty Đại Sơn giữ lại nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư. Đồng thời, qua đối trừ với số tiền công ty Đại Sơn đã thanh toán cho công ty Licogi, thì phía Licogi phải thanh toán trả công ty Đại Sơn số tiền 1.660.843.114 đồng.

Không giải quyết được tranh chấp, Công ty Licogi kiện Công ty Đại Sơn ra tòa. Tại phiên tòa xử sơ thẩm ngày 15/10/2018, TAND thị xã Chí Linh, Hải Dương đã tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty Licogi và chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty Đại Sơn. Đồng thời, buộc Công ty Đại Sơn phải thanh toán trả cho Công ty Licogi số tiền là 7.215.179.898 đồng.

Tuy nhiên, Công ty Đại Sơn và Công ty Licogi đều không bằng lòng với kết quả từ phiên tòa sơ thẩm. Vì thế, gần một năm sau, ngày 6/9/2019, phiên tòa phúc thẩm vụ án tranh chấp thương mại phát sinh từ hợp đồng trong hoạt động xây dựng công trình giữa Công ty Đại Sơn và Công ty Licogi đã diễn ra.

“Giằng co” trong phiên tòa phúc thẩm

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 6/9/2019, sau khi tóm lược vụ án tranh chấp thương mại giữa Công ty Đại Sơn và Công ty Licogi, Hội đồng xét xử đã nghe đại diện 2 bên trình bày và bổ sung chứng cứ, tài liệu về các vấn đề chưa thỏa đáng trong bản án sơ thẩm.

Về phía nguyên đơn, Công ty Licogi vẫn giữ nguyên quan điểm khởi kiện và yêu cầu Công ty Đại Sơn phải thanh toán số tiền gốc còn nợ là 4.449.989.594 đồng và tiền lãi tính đến ngày 31/12/2016 là 4.972.982.149 đồng .

Ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển và đầu tư Đại Sơn tại phiên tòa

Về phía bị đơn, chủ đầu tư là Công ty Đại Sơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty Licogi vì theo côgn ty Đại Sơn, các giá trị công việc mà Licogi đã thực hiện được xác nhận trong 8 phiếu giá thanh toán chỉ là khối lượng tạm tính, chưa có nghiệm thu, bàn giao và chưa có hồ sơ hoàn công. Ngoài ra, chất lượng công trình không đảm bảo, bị xuống cấp nặng nề, chưa hết thời gian bảo hành công trình thì các hạng mục thi công đều đã hư hỏng.

Công ty Đại Sơn cho rằng, việc Công ty Licogi ủy quyền cho công ty xây dựng cấp thoát nước và hạ tầng kỹ thuật Cometco, đơn vị trực thuộc Licogi thi công đã khiến cho tiến độ công trình bị kéo dài so với hợp đồng đã ký.

Công ty Đại Sơn yêu cầu công ty Licogi phải thanh toán giá trị phát sinh gói thầu làm bờ kè; trả lại phần giá trị đề nghị thanh toán nhiều hơn so với thực tế thi công từ đợt 1 tới đợt 8; trả lại phần giá trị hạng mục chung bị khấu trừ tương ứng với tỷ lệ giá trị công trình phải sửa chữa; thanh toán giá trị hao mòn và đánh giá lại do chất lượng công trình xuống cấp theo thực tế; ngoài ra, yêu cầu Licogi thanh toán chi phí điện, nước, điện thoại, máy fax dựa trên biên bản thương thảo nhà thầu lập ngày 4/4/2007 cho tới thời điểm Công ty Đại Sơn làm đơn yêu cầu phản tố ngày 9/9/2013.

Phát biểu trình bày tại phiên tòa phúc thẩm, công ty Đại Sơn cho rằng, căn cứ hợp đồng đã ký, Luật Xây dựng, Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại, Licogi đã vi phạm bảo lãnh hợp đồng. Cụ thể, theo hợp đồng đã ký, nhà thầu phải có bảo lãnh thực hiện hợp đồng do ngân hàng phát hành.

Chứng thư bảo lãnh thực hiện hợp đồng do Ngân hàng Đầu tư phát triển Việt Nam (Chi nhánh Hà Nội) phát hành đã hết hạn, nhưng nhà thầu không gia hạn và không giao bản gốc bảo lãnh thực hiện hợp đồng cho chủ đầu tư.

Hai văn bản Bảo lãnh thực hiện hợp đồng phía Công ty Đại Sơn trình lên trong buổi xử phúc thẩm

Chưa hết, khối lượng công trình sau 1060 ngày mới hoàn thành đc 50,3% công việc, trong khi hợp đồng chính hai bên thoả thuận chỉ có 256 ngày.

Ngoài những vấn đề bám sát yêu cầu khởi kiện và đơn phản tố của cả 2 bên là chủ đầu tư công ty Đại Sơn và nhà thầu Licogi, tại phiên tòa phúc thẩm, Công ty Đại Sơn cũng đưa ra nghi vấn về thông tin ông Nguyễn Văn Thành, thành viên hội thẩm nhân dân trong phiên tòa sơ thẩm là cán bộ hưu trí của Licogi. Qua đó, công ty Đại Sơn lo ngại về tính khách quan của việc ông Thành làm hội thẩm nhân dân trong phiên xử sơ thẩm ngày 15/10/2018.

Hội đồng xét xử quyết định tạm ngừng phiên tòa phúc thẩm

Tại phiên tòa phúc thẩm, nhận thấy trong vụ án tranh chấp này còn nhiều vấn đề cần bổ sung chứng cứ và tài liệu, nên Hội đồng xét xử đã quyết định tạm ngừng phiên tòa để làm rõ các vấn đề cụ thể.

Thứ nhất, Hội thẩm nhân dân là ông Nguyễn Văn Thành – cán bộ hưu trí của Licogi có mối quan hệ như thế nào với Licogi? Việc ông Thành làm Hội thẩm nhân dân có khách quan hay không? Toà án tỉnh cần xác minh làm rõ.

Thứ hai, liên quan đến tiêu chí đánh giá các hạng mục đã đầu tư của Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương tại báo cáo số 46/BC-SXD như thế nào? Toà cũng cần xác minh làm rõ ý kiến của Sở Xây dựng về việc này.

Thứ ba, liên quan đến việc sử dụng điện của Licogi: Licogi có cung cấp cho toà hợp đồng mua bán điện, tuy nhiên không cung cấp được tài liệu chứng minh việc sử dụng điện và hoá đơn có liên quan. Trên thực tế, Licogi có thực hiện việc cung cấp, mua bán điện này hay không? Cách tính điện như thế nào, toà cũng cần xác minh làm rõ.

Thứ tư, liên quan đến việc Licogi đưa ra quan điểm có thông báo cho Công ty Đại Sơn về việc tạm ngừng thi công, nhưng chưa cung cấp được tài liệu cho toà án. Toà án cũng không nhận được tài liệu như Licogi trình bày, do đó việc này cũng cần phải được xác minh làm rõ.

Thứ năm, liên quan đến việc Công ty Đại Sơn yêu cầu toà án triệu tập những người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến vụ việc là ông Đỗ Thanh Hà – Giám đốc Công ty Cometco và Ông Hoàng Thanh Tùng – Trưởng ban điều hành công trường là hai người trực tiếp thực hiện việc thi công tại công trường để làm rõ hơn các tình tiết của vụ án. Toà án cũng cần làm rõ về vấn đề trên.

Giấy Ủy quyền của Tổng công ty Licogi cho Công ty Cometco

Nỗi lòng của chủ đầu tư trong vụ tranh chấp thương mại giữa Đại Sơn và Licogi

Từ thời điểm nhà thầu Licogi và chủ đầu tư Đại Sơn ký văn bản chấm dứt hợp đồng, tức là tháng 12/2012 đến thời điểm cả 2 bên đưa nhau ra tòa vào ngày 15/10/2018 là 6 năm. Còn tổng thời gian từ khi bắt đầu hợp đồng tới nay là hơn 10 năm. Những gì còn lại sau sự cộng tác của chủ đầu tư Đại Sơn và nhà thầu Licogi là các hạng mục công trình dang dở, và tất nhiên, chưa thể đưa vào sử dụng.

Chắc chắn khi quyết định đầu tư thực hiện 2 gói thầu là “Hạ tầng Khu trường trung cấp huấn nghệ Việt Mỹ” và gói thầu “Hạ tầng Khu du lịch, nhà nghỉ, trung tâm huấn nghệ và công nghệ cao”, chủ đầu tư Công ty Đại Sơn không mong muốn dự án trên khu vực đất vàng Chí Linh – Hải Dương bị chậm trễ và kéo dài tới năm 2019. Chưa biết những mâu thuẫn của 2 bên trong vụ án “tranh chấp thương mại” là nguyên nhân do đâu, đúng - sai thế nào, nhưng nỗi lo của chủ đầu tư về vấn đề sử dụng pháp nhân công ty “mẹ” dự thầu, sau đó ủy quyền cho công ty “con” thi công đã được nhìn thấy rất rõ.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 190 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thì “Hợp đồng, giao dịch và quan hệ khác giữa công ty mẹ và công ty con đều phải được thiết lập và thực hiện độc lập, bình đẳng theo điều kiện áp dụng đối với các chủ thể pháp lý độc lập”. Tức là Công ty mẹ và Công ty con thực hiện hoạt động kinh doanh độc lập. Do đó, khi Công ty mẹ trúng thầu, thì Công ty mẹ phải thực hiện thi công. Công ty con nếu được ghi là nhà thầu phụ thì phải được sự đồng ý của Công ty mẹ và chỉ hỗ trợ cùng Công ty mẹ thực hiện, ký hợp đồng với Công ty mẹ, mà không thể ký trực tiếp với Chủ đầu tư. Trong trường hợp này, Công ty con phải ký hợp đồng với công ty mẹ về việc tiếp nhận là Nhà thầu phụ.

Trong phiên tòa phúc thẩm ngày 6/9/2019, đại diện Công ty Đại Sơn là ông Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch hội đồng quản trị đã không ít lần nghẹn ngào chia sẻ về nỗi lòng của chủ đầu tư khi tiếp nhận thông tin công ty mẹ với hồ sơ năng lực “hoành tráng, đủ đầy”, sau khi trúng thầu thì ủy quyền cho công ty con tiếp quản và trực tiếp thi công. Để rồi theo thời gian, dự án đình trệ, đóng băng mà vẫn chưa thể hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Để biết được chính xác kết quả của vụ tranh chấp thương mại giữa công ty Đại Sơn và công ty Licogi, sẽ còn cần phải chờ tới lần mở phiên tòa phúc thẩm tiếp theo tại TAND tỉnh Hải Dương trong thời gian tới.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Nhóm PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu