19:27 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Vụ nhân viên Sacombank bị "tố" rút trộm tiền của khách hàng: “Sacombank phản hồi thiếu trung thực”

16:19 25/03/2023

(THPL) - Căn cứ vào một số giấy tờ cho rằng có sự trao đổi vay và cho vay giữa khách hàng và cán bộ nhân viên, ngân hàng Sacombank khẳng định: vụ việc liên quan đến 46,9 tỷ đồng bị rút trộm gây "sốt" trong dư luận những ngày qua, phải chờ kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra. Tuy nhiên, khách hàng Hồ Thị Thùy Dương bức xúc cho rằng “Phản hồi ấy là thiếu trung thực. Điều này sẽ khiến khách hàng mất lòng tin vào không chỉ hệ thống ngân hàng Sacombank”.

Như thông tin đã đăng tải, sở dĩ có việc không trả lại toàn bộ số tiền 46,9 tỷ đồng của 12 giao dịch mà nhân viên phòng giao dịch thực hiện rút tiền trái phép, phía ngân hàng Sacombank cho rằng, “qua rà soát, Sacombank nhận thấy có một số tài liệu thể hiện việc trao đổi vay và cho vay giữa bà Dương và cá nhân cán bộ nhân viên Sacombank”, (văn bản phúc đáp yêu cầu ngày 14-2-2023 của bà Hồ Thị Thùy Dương, số 04/2023/CV, của đại diện theo ủy quyền của Sacombank, công ty Luật TNHH Sài Gòn Công lý).

Về vấn đề này, bà Dương cho biết: Ngày 18-8-2022, cách hơn 2 tháng khi phát hiện tiền bị mất, do tôi đang có khoản nợ đáo hạn 5 tỷ đồng với ngân hàng Sacombank nên nhân viên tên là Trí của Phòng Giao dịch có đến tận nhà tôi (có camera trích xuất – PV) để đưa hồ sơ ký xác nhận làm thủ tục. Tôi đã ký số hồ sơ trên và sau này khi làm việc với Sacombank, phía ngân hàng có nói rằng tôi đã ký một vài phiếu uỷ nhiệm chi và phiếu rút tiền mặt tại ngân hàng.

Ở đây, theo băng ghi âm mà bà Dương cung cấp, nhân viên Trí (đã bị ngân hàng Sacombank cho thôi việc) có cho biết, ngoài giấy tờ ký ngày 18-8 liên quan đến khoản vay 5 tỷ đồng đến kỳ đáo hạn, “hình như” có đính thêm một số giấy tờ liên quan đến ủy nhiệm chi và rút tiền mặt. Tuy nhiên, khi bị truy hỏi ráo riết về việc tại sao có những giấy tờ phi lý đó, tại sao lại mang đến tận nhà riêng khách hàng để ký, có lẽ do sợ trách nhiệm liên đới, nhân viên Trí khẳng định: “không có coi từng tờ, cứ tưởng những giấy tờ đó ký như trước đây. Song cũng không cần lo lắng vì trên những giấy tờ đó đều có thể hiện từng phút, từng giờ, ngày tháng. Đúng sai chỉ cần trích xuất camera tại quầy là minh chứng cụ thể nhất” (trích dẫn ghi âm – PV)

Theo quy định, kể cả khi có phiếu uỷ nhiệm chi và phiếu rút tiền mặt, bà Dương buộc phải có mặt tại quầy trong giờ hành chính để làm thủ tục. Trước đó, toàn bộ số tiền 46,9 tỷ đồng của bà Dương ở thời điểm tháng 5 và tháng 6 đều được phát hiện “rút” từ 18g đến 21g hàng ngày.

“Ngân hàng Sacombank không đưa ra được trích xuất camera mà chỉ vin cớ có tài liệu thể hiện việc trao đổi vay và cho vay để trì hoãn trả tiền cho tôi là thiếu minh bạch và không đúng luật. Tôi đã cung cấp toàn bộ nội dung trên cho cơ quan cảnh sát điều tra. Ngân hàng còn có tư cách pháp nhân. Nhân viên làm sai, đương nhiên pháp nhân phải có trách nhiệm”, bà Dương bức xúc nói.

Trong nhiều tháng, bà Hồ Thị Thùy Dương nhiều lần gửi đơn lên các cấp để đòi quyền lợi chính đáng của mình

Theo bà Dương, bản chất là ngân hàng Sacombank cố tình trây ỳ kéo dài vì “nếu ngân hàng cho rằng mình không sai trong vụ việc này thì vì sao lại nhiều lần liên hệ đề xuất ứng trước tiền trên tổng số 46,9 tỷ đồng đã bị rút trộm?”.

Cụ thể, ngày 1-12-2022, đại diện pháp lý của ngân hàng Sacombank  là luật sư Nguyễn Minh Luận (công ty Luật TNHH Sài Gòn Công lý) có đề nghị bà Dương nhận số tiền tạm ứng 8 tỷ đồng với cam kết không có hành vi gây áp lực; Không có yêu cầu thêm khi bản án có hiệu lực (cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Khánh Hòa đã và đang điều tra với tội danh “tham ô tài sản”, được khởi tố theo Quyết định số 137/QĐ-CSĐT ngày 18-11-2022 với 4 nhân viên Phòng Giao dịch Cam Ranh – PV). Bên cạnh đó, phía ngân hàng cam kết thực hiện đúng nghĩa vụ nếu có cho bà Dương khi bản án có hiệu lực.

Tiếp đến, ngày 12-11-2023, luật sư Nguyễn Minh Luận tiếp tục gửi văn bản (không số hiệu, không mũ văn bản – PV) tới bà Dương “chấp thuận hỗ trợ tạm ứng số tiền 15 tỷ đồng” kèm theo các điều kiện sau: Ngoài số tiền hỗ trợ nêu trên, bà Dương không được yêu cầu Sacombank chi trả thêm bất cứ số tiền nào cho đến khi có quyết định/ bản án hiệu lực; Trường hợp có quyết định/bản án có hiệu lực, bà Dương sẽ hoàn trả lại ngay toàn bộ số tiền đã tạm ứng chi trả cho Sacombank (nếu có); Bà Dương không trực tiếp hoặc gián tiếp có hành vi làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của Sacombank trong thời gian các cơ quan xử lý vụ việc; Không thực hiện việc đăng tin, lan truyền thông tin về sự việc này trên mạng xã hội và các phương tiện khác khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng và được sự đồng ý bằng văn bản của Sacombank...”.

Sacombank chấp thuận "hỗ trợ" 15 tỷ đồng cho khách hàng

Mới đây nhất, ngày 14-2-2023, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Tổng Giám đốc ngân hàng Sacombank tiếp tục khẳng định chắc chắn ngân hàng Sacombank sẽ “cam kết giải quyết tạm ứng 15 tỷ đồng” nếu bà Dương chấp thuận.

“Tôi thấy phi lý và không chấp thuận những khoản tiền đề nghị tạm ứng kèm theo là những yêu cầu không thiện chí từ phía ngân hàng Sacombank. Một mặt ngân hàng cho rằng cần phải đợi kết luận điều tra. Một mặt lại nhiều lần hứa chi trả khoản tiền từ 8 tỷ, rồi 15 tỷ đồng trên tổng số 46,9 tỷ đồng tôi bị đánh cắp. Mâu thuẫn ở đây là vì sao nếu khoản tiền gửi của tôi có vấn đề mà không dưới 3 lần ngân hàng này liên tiếp đề nghị chi trả tiền? Tiền gửi của tôi tại Sacombank hoàn toàn minh bạch. Việc tôi đòi lại toàn bộ số tiền 46,9 tỷ đồng là hoàn toán chính đáng. Ngân hàng Sacombank phản hồi như thời gian qua là thiếu trung thực, cố tình trây ỳ, thoái thác trách nhiệm, sẽ khiến khách hàng mất lòng tin vào không chỉ hệ thống ngân hàng Sacombank”, bà Dương cho biết.

Theo luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật Trương Anh Tú, khi khách hàng mở tài khoản tại ngân hàng, thì thời điểm đó khách hàng đã trở thành đối tượng sử dụng dịch vụ của ngân hàng. Khoản 2 Điều 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định rõ: “Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật”.  Điều 10 Luật Các tổ chức tín dụng cũng quy định các ngân hàng và tổ chức tín dụng có “Trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của khách hàng”. Do vậy, khi tiền gửi của khách bị thất thoát, ngân hàng phải có trách nhiệm bồi thường và khách hàng hoàn toàn có quyền khởi kiện dân sự, yêu cầu ngân hàng thanh toán số tiền thất thoát cho mình. Việc Ngân hàng đổ lỗi cho cá nhân cán bộ sai phạm và thờ ơ trước quyền lợi của người gửi tiền là những hành động có thể tạo nên nguy cơ rủi ro lớn trong hoạt động của cả hệ thống ngân hàng. Bởi, khi cán bộ làm sai, ngân hàng cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của cán bộ đó chứ không thể đổ cho trách nhiệm của cá nhân cán bộ với khách hàng được. Điều đó là không đúng với nguyên lý của pháp luật, với đòi hỏi yêu cầu thực tế và không đúng với lòng tin mà khách hàng gửi gắm vào ngân hàng.

Tuấn Việt

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu