00:40 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Vinh danh thương hiệu và nghệ nhân vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hoá dân tộc

| 20:26 10/08/2017

(THPL) - Hôm nay (10/8), tại nhà hát Âu Cơ, số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam long trọng tổ chức chương trình vinh danh những thương hiệu xuất sắc vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hoá dân tộc và các nghệ nhân tiêu biểu có đóng góp bảo tồn, phát triển di sản văn hoá Việt Nam.

Chương trình vinh danh “Vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hoá dân tộc” nhằm ghi nhận, tuyên dương các nghệ nhân, doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong việc quản lý, bảo tồn, phát triển di sản văn hoá, đóng góp tích cực trong công tác xã hội. Đây cũng là dịp gặp gỡ, giao lưu để chào mừng Ngày Di sản văn hoá Việt Nam.

Toàn cảnh chương trình vinh danh “Vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hoá dân tộc”.

Có thể nói, bảo tồn di sản văn hóa phải phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và ngược lại, phát triển phải kết hợp với bảo tồn di sản văn hóa. Chính vì thế, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam tổ chức chương trình này để tôn vinh những thương hiệu xuất sắc vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hoá dân tộc Việt Nam; khích lệ, vinh danh các đơn vị, tổ chức, nghệ nhân, cá nhân có nhiều đóng góp thiết thực cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc của cha ông để lại, phục vụ phát triển du lịch bền vững theo đúng đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước.

Các tiết mục văn nghệ khiến chương trình đặc sắc và sinh động hơn.

Đây là hoạt động có ý nghĩa thực tiễn và phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Di sản văn hoá đến từ quá khứ nhưng phải trở thành một bộ phận hữu cơ của hiện tại, đồng thời sẽ trở nên cần thiết, hữu ích cho tương lai. Di sản văn hoá cần được bảo vệ tại cộng đồng, do cộng đồng cùng thực hiện và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng. Đây là phương thức hữu hiệu nhất nhằm biến di sản văn hoá thành mục tiêu, động lực cho sự phát triển bền vững đất nước.

Các thương hiệu, nghệ nhân xuất sắc có đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc.

Tham dự chương trình có các vị đại biểu, các vị khách quý gồm ông Vương Duy Biên: Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; ông Bùi Thế Đức – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trần Chiến Thắng: Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam…Về phía Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Ban tổ chức, gồm có: Tiến sĩ Lê Ngọc Dũng - Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam; Nhà báo Vũ Hoài Thanh – Tổng thư ký Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam; Nhà báo Đào Bình – Tổng biên tập Tạp chí điện tử Thương hiệu và pháp luật; Nhà báo Trương Thúy Hà – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam; cùng các vị lãnh đạo, Ban thường vụ, Ban chấp hành của Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý Việt Nam. Ngoài ra còn có các lãnh đạo, phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí TW và địa phương đến dự.

Ông Vương Duy Biên – Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng Tiến sỹ Lê Ngọc Dũng, Chủ tịch Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam – Trưởng ban tổ chức, trao bằng chứng nhận và kỷ niệm chương của chương trình.

Di sản văn hóa dân tộc được xác định là bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống của con người. Đây là loại tài sản quý giá không thể tái sinh và không thể thay thế. Không thể tái sinh, nhưng lại rất dễ bị biến dạng và tổn thương trước tác động của các nhân tố tự nhiên và cách hành xử thiếu văn hóa do chính con người gây ra. Vì thế, sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc luôn nhận được sự quan tâm sâu sát của các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Chương trình có sự hiện diện của các vị lãnh đạo và khán giả quan tâm, ủng hộ nhiệt tình.

Trong suốt những năm qua, Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam không ngừng tuyên truyền, vận đông các tổ chức, cá nhân đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hoá dân tộc. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu đã có những đóng góp đặc biệt quan trọng như: UBND huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; Nghệ nhân ưu tú Trần Đức Lăng – Giám đốc công ty TNHH Kiến trúc truyền thống; bà Đặng Thị Mát – Giám đốc Trung tâm Unesco bảo tồn di tích lịch sử văn hóa Ba Vì, Sơn Tây, Hà Nội…

Ban tổ chức đã chọn 40 đơn vị để tôn vinh “Thương hiệu xuất sắc vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hoá dân tộc.

Qua thời gian sơ tuyển, bình xét, Ban tổ chức đã chọn ra 40 đơn vị để tôn vinh “Thương hiệu xuất sắc vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hoá dân tộc. Ban tổ chức cũng tôn vinh 95 nghệ nhân, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn, phát triển di sản văn hoá Việt Nam.

Bảo tồn di sản văn hóa trong quá trình phát triển đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng nghỉ và khả năng linh hoạt trong việc vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án xử lý thích hợp cho từng di tích cụ thể. Mục tiêu đặt ra là phải gắn di tích với đời sống đương đại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa. Trong số những tổ chức, nghệ nhân, cá nhân được vinh danh lần này có sự góp mặt của các doanh nghiệp, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian…

Bà Lê Hồng Tâm (ở Phủ Tía, Triệu Sơn, Thanh Hóa), nhận bằng khen của chương trình.

Phóng viên Thương hiệu và Pháp Luật đã có cuộc trò chuyện với Bà Lê Hồng Tâm ở Phủ Tía, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. Bà cho biết “Với sự đóng góp không nhỏ của mình để gìn giữ và bảo tồn các di tích, cứ có tiền là tôi đi góp xây đền chùa, chùa đầu tiên là Chùa Thượng Phủ Tía, sau đến đền Mẫu Thượng Phủ Tía, hay đền Thánh Mẫu”. 

Tuy đã 82 tuổi, nhưng được đứng trên sân khấu nhận bằng khen và kỷ niệm chương, gương mặt bà hiện lên niềm vui mừng, tự hào khi được vinh danh trong ngày hôm nay.

Bác Phạm Lê Hào, sinh năm 1955, ở Bỉm Sơn (Thanh Hoá), có nhiều đóng góp bảo tồn và xây dựng các công trình di sản.

Không chỉ đóng góp, bảo tồn và xây dựng các công trình văn hóa, bác Phạm Lê Hào, sinh năm 1955, quê Bỉm Sơn (Thanh Hoá) cũng chia sẻ: “Từ năm 1998, tôi có gần 20 năm cống hiến cho một số công trình, đền công đức ý nghĩa như Đền xã Ninh Văn, Đền Trung Sơn, hay Khối Đình Từ…Thay mặt cho các cá nhân, tổ chức, tôi rất cám ơn chương trình, Ban tổ chức của Hội nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đã giúp tôi có vinh dự đứng trên sân khấu nhận giải”.

Chương trình “ Vì sự nghiệp bảo tồn và phát triển di sản văn hóa”, diễn ra thành công và tốt đẹp.

Thông qua chương trình tôn vinh thương hiệu và nghệ nhân “Vì sự nghiệp bảo tồn, phát triển di sản văn hóa dân tộc”, các cá nhân, tổ chức có cơ hội tạo dựng hình ảnh, khẳng định vị thế thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế,  góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường giao lưu văn hóa trong quá trình hội nhập.

Diệu Huyền – Hoà Bình

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu