12:19 ngày 26/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam thu hút hơn 11 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng

14:29 30/05/2024

(THPL) - Tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 11,071 tỷ USD, tăng gần 2% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tổng vốn đăng ký mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đăng ký mới có 1.227 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký đạt gần 7,94 tỷ USD.

Về vốn điều chỉnh, có 440 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 2,08 tỷ USD. Có 1.158 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, tổng giá trị vốn góp đạt hơn 1,05 tỷ USD.

Tính lũy kế đến ngày 20/5, cả nước có 40.285 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 481,33 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 305,43 tỷ USD, bằng gần 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Xét theo địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 47 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 5 tháng đầu năm 2024. Trong đó, Bà Rịa - Vũng Tàu dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 1,52 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 12 lần cùng kỳ. Đứng tiếp theo lần lượt là Hà Nội, Bắc Ninh, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Quảng Ninh,...

Việt Nam thu hút hơn 11 tỷ USD vốn FDI trong 5 tháng. Ảnh minh hoạ

Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 37,8%), điều chỉnh vốn (chiếm 16,4%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 71,1%). 

Xét theo ngành đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân như: Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất với gần 290,9 tỷ USD (chiếm 60,4% tổng vốn đầu tư); ngành kinh doanh bất động sản với gần 70,6 tỷ USD (chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 40,8 tỷUSD (chiếm gần 8,5% tổng vốn đầu tư).

Trong xu hướng chung của dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, các nhà đầu tư Trung Quốc thời gian gần đây đã tăng tốc đầu tư vào Việt Nam. Xu hướng này có lẽ mạnh hơn rất nhiều từ năm ngoái, sau khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid.

Năm 2023, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đăng ký đầu tư vào Việt Nam tới 4,47 tỷ USD, tăng 77,6% so với năm 2022. Ngoài ra, 707 dự án mới, 179 dự án điều chỉnh vốn và 412 lượt góp vốn, mua cổ phần đã được các nhà đầu tư Trung Quốc đăng ký vào Việt Nam. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm nay, con số là 347 dự án mới, 55 lượt dự án điều chỉnh vốn và 172 lượt góp vốn, mua cổ phần, với tổng vốn đăng ký 1,126 tỷ USD, đứng vị trí thứ 4 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn vào Việt Nam.

Tuy vậy, theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), làn sóng đầu tư từ Trung Quốc cũng làm dấy lên lo ngại về chất lượng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, cũng như tác động của nó đối với các tiêu chuẩn về môi trường và năng lượng của Việt Nam. Nguy cơ các nhà đầu tư Trung Quốc đầu từ vào Việt Nam để lẩn tránh xuất xứ hàng hóa cũng là điều được nhắc tới lâu nay. 

Dù vậy, Chính phủ Việt Nam vẫn rất khuyến khích và mong muốn các nhà đầu tư Trung Quốc tăng cường đầu tư vào Việt Nam. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, với mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, tạo sự kết nối lan tỏa giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế trong nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, Việt Nam hoan nghênh các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào các lĩnh vực, như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ, linh kiện điện tử, ô tô điện, pin điện, cơ sở hạ tầng thiết yếu, hình thành trung tâm tài chính quốc tế, tài chính xanh, đô thị thông minh, khu công nghiệp sinh thái, khu thương mại tự do...

“Đây là những ngành, lĩnh vực mà Trung Quốc có kinh nghiệm và thế mạnh, Việt Nam có nhu cầu và tiềm năng phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói và bày tỏ mong muốn rằng, các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm, tăng cường hợp tác, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất, đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị hàng hóa toàn cầu.

Tú Linh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu