17:15 ngày 05/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn

14:54 03/01/2025

(THPL) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các nhà đầu tư đánh giá cao các sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện cam kết, khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam.

Việt Nam - Điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn

Liên quan đến ngành công nghiệp bán dẫn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong năm 2024 tiếp tục có sự tăng tốc mạnh mẽ và đạt giá trị gần 600 tỷ USD, với một số điểm nhấn đáng chú ý như: Nhu cầu chip phục vụ AI tăng cao do ngành công nghiệp xe điện, mạng 5G phát triển nhanh; các quốc gia, nền kinh tế tiếp tục có các gói hỗ trợ lớn cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong ngành công nghiệp bán dẫn nhờ nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí cạnh tranh; cơ sở hạ tầng được đầu tư và nâng cấp mạnh mẽ; cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, cởi mở; cùng quyết tâm chính trị cao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ.

Việt Nam là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư ngành công nghiệp bán dẫn. Ảnh: VGP

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam đã có nhiều hành động quyết liệt, như thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban, ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Đồng thời triển khai nhiều giải pháp, hành động cụ thể liên quan đến hoàn thiện cơ chế chính sách, triển khai Chương trình Phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn…

Phía Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức các hội thảo về đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn; tăng cường làm việc với các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp bán dẫn để trao đổi, kết nối về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp bán dẫn.

Đặc biệt, Chính phủ và Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới NVIDIA đã ký kết thành lập Trung tâm nghiên cứu và phát triển và Trung tâm Dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở Châu Á.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiếp xúc, làm việc với nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu như: Qualcomm, Google, Meta, LAM Research, Qorvo, AlChip... và đã có kế hoạch cụ thể chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam, phát triển các trung tâm nghiên cứu, mở rộng đầu tư, kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam. Theo đó, Việt Nam hiện có 174 dự án FDI trong lĩnh vực bán dẫn với tổng vốn đăng ký gần 11,6 tỷ USD.

Một số địa phương như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bình Dương… đã tích cực, chủ động triển khai các hoạt động phát triển hệ sinh thái và nguồn nhân lực, thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

“Thông qua đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy rằng các nhà đầu tư đánh giá rất cao các sáng kiến, nỗ lực của Việt Nam trong phát triển ngành bán dẫn trong thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp đã thể hiện cam kết, khẳng định rất coi trọng thị trường Việt Nam, thông báo về tình hình hoạt động và kế hoạch mở rộng hợp tác, đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Ngành công nghiệp bán dẫn còn đối diện những khó khăn, thách thức 

Bên cạnh những kết quả tích cực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức cần phải vượt qua để đạt được những thành tựu lớn hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Cụ thể, theo Bộ trưởng, nhiều tập đoàn công nghệ lớn trước đã có kế hoạch vào Việt Nam nhưng mới chỉ dừng ở mức khảo sát, thăm dò và cần chờ các ưu đãi cụ thể. Trong khi đó, các cơ chế hỗ trợ đầu tư cần thời gian để ban hành và đi vào thực tiễn.

Về cơ sở vật chất, hạ tầng, mặc dù đã có những nỗ lực cải thiện và xây dựng mới các tuyến đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay, nhưng vẫn còn chưa đồng bộ giữa các miền, địa phương, thiếu sự kết nối, chưa thực sự nhanh chóng và thông suốt cho việc vận chuyển hàng hóa. Một số tập đoàn lớn như Samsung, Intel đề nghị được cung cấp ổn định năng lượng tái tạo, bền vững với mức giá ưu đãi. Tuy nhiên, hệ thống điện, đặc biệt là điện sạch của Việt Nam vẫn còn hạn chế và dễ xảy ra rủi ro trong quá trình vận hành của nhà máy.

Về hợp tác song phương về lĩnh vực bán dẫn với các đối tác lớn, tiến độ triển khai một số nội dung hợp tác với Hoa Kỳ còn chưa đáp ứng yêu cầu, các chương trình hợp tác chủ yếu tập trung vào công đoạn đóng gói, kiểm thử, hợp tác trong công đoạn thượng nguồn còn hạn chế.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc đề xuất dự án đầu tư phòng thí nghiệm cấp quốc gia và phòng thí nghiệm cấp cơ sở cần nhiều thời gian để nghiên cứu, thực hiện do đây là một nội dung còn mới và chưa có tiền lệ đối với một số trường đại học. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan chủ quản và các trường đại học cần khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tham vấn các chuyên gia về bán dẫn sớm hoàn thành đề xuất, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp.

Đề xuất giải pháp phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Để tiếp tục phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất:

Thứ nhất, cần tập trung nguồn lực để triển khai các định hướng, mục tiêu, nội dung, hoạt động, nhiệm vụ tại Chiến lược và Chương trình phát triển nguồn nhân lực đã được phê duyệt.

Thứ hai, tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tiếp cận, làm việc với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đặc biệt tập trung thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực đóng gói tiên tiến, là lĩnh vực có khả năng tạo bứt phá cho Việt Nam.

Thứ ba, tập trung hoàn thiện 3 trụ cột cho ngành công nghiệp bán dẫn gồm cơ chế, chính sách, hạ tầng và nguồn nhân lực chất lượng cao.

Cuối cùng là tiếp tục thu hút nhân tài, đặc biệt là các nhân tài người Việt trên toàn thế giới đóng góp vào ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ khẩn trương hoàn thiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền về việc ban hành Nghị định Quỹ Hỗ trợ đầu tư, hướng dẫn triển khai, phát huy những cơ chế ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ đầu tư, báo cáo Ban chỉ đạo để định hướng, chỉ đạo về việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư được hiệu quả. Bộ trưởng cũng đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí từ nguồn chi đầu tư phát triển khác ngay trong năm 2025 (dự kiến 10.000 tỷ đồng) cho Quỹ Hỗ trợ đầu tư để triển khai nhiệm vụ.

Bộ trưởng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương tiếp tục tập trung và đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam, nghiên cứu cơ chế miễn thị thực có thời hạn cho một số lãnh đạo, nhà đầu tư của một số công ty công nghệ lớn, và một số chuyên gia có ảnh hưởng lớn trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực này.

Đối với các doanh nghiệp, cần chủ động nghiên cứu, tận dụng cơ hội để tham gia vào chuỗi giá trị bán dẫn, chủ động tham gia và tăng cường hợp tác chặt chẽ 3 Nhà “Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp”, đặt hàng đào tạo cho các Trường, tạo đầu ra cho sinh viên; Đồng hành, bổ sung nguồn lực cùng nhà nước, tăng cường hợp tác công - tư để hỗ trợ triển khai Chiến lược và Chương trình phát triển nguồn nhân lực bán dẫn.

Minh Phương (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu