16:16 ngày 12/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam ghi nhận gần 10.000 ca mắc sốt xuất huyết trong 3 tháng

14:19 29/03/2022

(THPL) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/3, trong 3 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 9.919 người mắc bệnh sốt xuất huyết (2 người tử vong).

Cụ thể, theo báo cáo, tính chung 3 tháng đầu năm 2022, cả nước có 9.919 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (2 trường hợp tử vong); 406 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 28 trường hợp mắc bệnh viêm não virus; 1 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 7 trường hợp sốt phát ban nghi sởi.

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, cũng theo báo cáo, dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, tại Việt Nam, số ca mắc tiếp tục tăng nhanh tại hầu hết các tỉnh, thành phố chủ yếu do biến thể BA.2 của biến chủng Omicron, tuy nhiên với tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt quan tâm chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên số ca chuyển nặng giảm và tỷ lệ tử vong trên số ca mắc giảm sâu.

Việt Nam hiện là một trong 6 quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất trên thế giới. Tính đến ngày 25/3/2022, tổng số liều vaccine phòng COVID-19 đã được tiêm là 204.566 nghìn liều, trong đó tiêm mũi 1 là 79.974,2 nghìn liều; tiêm mũi 2 là 76.301 nghìn liều; tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung, tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 48.290,8 nghìn liều.

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/3/2022 là 215.062 người và số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 111.300 người.

Về ngộ độc thực phẩm, trong tháng ba xảy ra 2 vụ với 81 người bị ngộ độc. Tính chung 3 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 4 vụ với 91 người bị ngộ độc.

Việt Nam ghi nhận gần 10.000 người mắc sốt xuất huyết trong 3 tháng đầu năm. Ảnh minh họa

Liên quan đến dịch bệnh, theo báo Sài Gòn giải phóng đưa tin, PGS-TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, sốt xuất huyết (SXH) và COVID-19 là 2 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đều do virus gây ra với một số triệu chứng ban đầu giống nhau, có thể nhầm lẫn như: sốt, đau đầu, đau mỏi người… Triệu chứng phổ biến của SXH là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, đau bụng vùng gan, buồn nôn. Nặng hơn, bệnh nhân có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng. Do đó khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán, điều trị, tuyệt đối không tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

TS-BS Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng khoa Sốt xuất huyết - Huyết học, BV Nhi đồng 1 TP.HCM khuyến cáo, người dân cần quan tâm đến một số triệu chứng để phân biệt giữa mắc COVID-19 và SXH. Cụ thể, khi mắc COVID-19, người bệnh thường ho, hắt hơi, đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất khứu giác, mất vị giác, tức ngực hoặc tiêu chảy; khi diễn tiến nặng sẽ dẫn đến khó thở, suy hô hấp, suy đa cơ quan. Ngược lại, khi trẻ mắc SXH, da và kết mạc người bệnh thường xung huyết, biểu hiện xuất huyết da, chảy máu chân răng hoặc máu cam; nếu diễn tiến nặng sẽ có triệu chứng ngủ li bì, hạ đường huyết… dẫn đến sốc, xuất huyết nặng, suy đa cơ quan.

BS CKII Lê Hồng Nga, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), khuyến cáo, cách phòng bệnh sốt xuất huyết tốt nhất là người dân cần dọn dẹp sạch sẽ, tạo không gian thoáng đãng ở nơi làm việc, sinh sống từ trong nhà đến xung quanh nhà; không để đọng nước làm phát sinh lăng quăng, muỗi (lật úp các xô, lọ, chai cũ không dùng đến; cọ rửa và thay nước lọ hoa, chén nước cúng, dọn dẹp mái hiên, nóc nhà, máng xối… để tránh muỗi đẻ trứng và phát sinh lăng quăng). Người dân có thể sử dụng bình xịt, nhang muỗi, thuốc xịt hoặc thoa để xua muỗi, mặc quần áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu