09:43 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Dịch sốt xuất huyết bùng phát, người dân cần cảnh giác

14:21 07/10/2021

(THPL) - Hiện đang là thời điểm dịch sốt xuất huyết bùng phát và có xu hướng gia tăng hàng tuần, đặc biệt tại Hà Nội và một số tỉnh khu vực miền Nam.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết nhưng đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc COVID-19. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay, có nguy cơ 'dịch chồng dịch' giữa COVID-19 và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.

Báo Nhân dân đưa tin, ghi nhận tại Khoa bệnh nghề nghiệp với sốt xuất huyết người lớn, Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội có khoảng 60 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đang nằm điều trị tại đây, có ngày cao điểm con số vượt quá 100. Tính riêng tháng 9, có 300 bệnh nhân được đưa vào khoa điều trị thì có khoảng 270 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết.

Tại Khoa Nhi, Bệnh viện Thanh Nhàn, hiện đang điều trị khoảng 40 ca sốt xuất huyết. Bác sĩ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó Khoa Nhi cho biết, thời gian gần đây bệnh nhân tăng nhiều, trung bình mỗi ngày khoa có đến 20 cháu nhập viện do sốt xuất huyết.

Năm nay có thể do tâm lý e ngại dịch bệnh, không đi khám khi có triệu chứng nên khi tiến triển đi khám thì đã nặng. Ngoài ra, có thể bố mẹ chủ quan hơn khi chăm sóc. Có ca nhập viện trong tình trạng nặng, ăn kém, mệt và có nguy cơ sốc. Ca nhập viện tiểu cầu xuống thấp chỉ còn hơn 3.000 đây là tình trạng rất đáng cảnh báo. Biến chứng nặng nhất với trẻ em là sốc, thậm chí là tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Do trẻ sốt xuất huyết có sốt cao, giai đoạn đầu giống sốt virus nên dễ nhầm lẫn. Chính vì vậy, 2 ngày đầu nếu trẻ sốt liên tục trên 39 độ, cha mẹ không nên chủ quan, cần đưa trẻ đến viện thăm khám ngay.

Ảnh minh họa

Theo TTXVN đưa tin, liên quan đến dịch sốt xuất huyết, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, riêng Trung tâm Bệnh nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm trường hợp sốt xuất huyết Dengue phải nhập viện. Đặc biệt, nhiều trường hợp nặng trên các cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, bệnh nhân có các bệnh nền như suy tim, suy thận, bệnh gan, phổi mạn tính,… Các bệnh nhân đến từ hầu hết các quận, huyện ngoại thành và các vùng lân cận của Hà Nội như Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc.

Số ca nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu,… Nét khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu. Dịch sốt xuất huyết năm nay xảy ra khi Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19, người dân lo ngại khi đi bệnh viện.

Theo báo Kinh tế và Đô thị, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai thông tin thêm, đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng thì các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: Sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.

Các chuyên gia khuyến cáo, triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5 - 7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết, các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như cảnh đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu...

Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 18 trường hợp tử vong được ghi nhận tại Bình Phước (6), Thành phố Hồ Chí Minh (2), Đồng Nai (2), Bình Dương (2), Bà Rịa -Vũng Tàu (1), Phú Yên (2), Sóc Trăng (1), Tây Ninh (1), Bình Thuận (1), tăng 5 trường hợp so với năm ngoái.

Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng - đã gửi Công văn số 872/DP-DT ngày 5/10/2021 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương.

Theo đó, các địa phương phải giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh, tổ chức phun hóa chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu