23:04 ngày 26/12/2024 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam đã trở lại là “ngôi sao tăng trưởng” của ASEAN

10:33 26/12/2024

(THPL) - Đánh giá về tình hình phát triển kinh tế trong năm 2024 của Việt Nam, ngân hàng HSBC nhận định: Việt Nam đã trở lại là “ngôi sao tăng trưởng” của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Trước đó ngày 23/12, Ngân hàng HSBC đã công bố tổng quan về tình hình kinh tế vĩ mô năm 2024 và triển vọng cho năm 2025 của kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo, ngân hàng HSBC nhận xét, trong năm 2024, “Việt Nam trở lại như một ngôi sao tăng trưởng trong khối ASEAN” với tăng trưởng GDP đạt 6,9% trong quý II và 7,4% trong quý III so với cùng kỳ năm trước.

Sự phục hồi kinh tế đã không chỉ giới hạn trong ngành điện tử tiêu dùng mà còn lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Dù còn đối mặt với khó khăn từ bão Yagi, kinh tế Việt Nam vẫn cho thấy khả năng phục hồi đáng kể. Sản xuất và thương mại tiếp tục là những động lực chính, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế, trong bối cảnh tiêu dùng nội địa vẫn đang dần phục hồi.

Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhờ triển vọng nhìn chung tích cực. Mặc dù tốc độ tăng trưởng vốn FDI đăng ký mới đã chững lại trong quý III, nhưng các lĩnh vực ngoài sản xuất (bất động sản, năng lượng) vẫn thu hút thêm đầu tư.

HSBC nhận định, các nhà đầu tư vẫn cam kết hỗ trợ Việt Nam mở rộng năng lực sản xuất. Tổng cộng 21,68 tỷ USD đã được giải ngân trong năm 2024, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là năm thứ ba liên tiếp, vốn FDI giải ngân của Việt Nam vượt 20 tỷ USD. Các khoản đầu tư nội khối ASEAN đang dẫn đầu, chiếm 40% dòng vốn vào Việt Nam cho đến nay.

Việt Nam đã trở lại là “ngôi sao tăng trưởng” của ASEAN. Ảnh minh họa

Vẫn theo báo cáo của HSBC, chuyển đổi kép là xu hướng phát triển mới nổi trên thế giới, bao gồm cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Việt Nam đang tích cực tham gia vào xu hướng này với nhiều chính sách và chiến lược cụ thể.

Các chuyên gia nhận định, năm 2025 sẽ là “một năm bản lề” vì Việt Nam phấn đấu đạt được nhiều mục tiêu quan trọng như kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP và tỷ trọng tín dụng xanh trong nền kinh tế đạt 10%.

Nhiều doanh nghiệp đang đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số với sự khuyến khích của các cơ quan quản lý nhà nước. Theo Cục Phát triển Doanh nghiệp, đến năm 2023, đã có khoảng 47% số doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các bước chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã bắt đầu nghiên cứu kế hoạch chuyển đổi xanh. Theo khảo sát do Ban phát triển kinh tế tư nhân công bố năm 2024, 48,7% doanh nghiệp cho rằng, giảm phát thải, chuyển đổi xanh là cần thiết.

Theo nhóm nghiên cứu của HSBC, Việt Nam có những thuận lợi nhất định để triển khai chuyển đổi kép. Trong đó, cấu trúc dân số trẻ, tỷ lệ người dùng internet cao và sự phổ biến của đã tạo ra một môi trường thuận lợi để Việt Nam triển khai chuyển đổi số và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi thế của cuộc cách mạng số, Việt Nam cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào giáo dục số và nâng cấp cơ sở hạ tầng.

Cũng theo đó, việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng để Việt Nam duy trì đà tăng trưởng và thu hút đầu tư nước ngoài. Với quyết tâm cao của Chính phủ, các dự án hạ tầng trọng điểm đang được triển khai nhanh chóng, hứa hẹn sẽ tạo ra một cú hích lớn cho nền kinh tế.

Liên quan đến tăng trưởng kinh tế, tại Nghị quyết số 233/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ mới đây, Chính phủ đã yêu cầu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, quyết tâm hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, tạo đà tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.

Về công việc từ nay đến cuối năm và đầu năm 2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, chúng ta phải làm cùng lúc 3 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm: Tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024; tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; tiến hành tổng kết công tác năm 2024 và xây dựng kế hoạch hoạt động của năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ nêu rõ mục tiêu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,5%, cả năm 2024 đạt trên 7%; giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số.

Người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chủ động theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt...

Chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động kế hoạch huy động, cân đối nguồn vốn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Tú Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu