05:18 ngày 15/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ

14:30 14/01/2025

(THPL) - Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của nước ta. Việc Việt Nam - Hoa Kỳ trở thành Đối tác chiến lược toàn diện kể từ cuối năm 2023 mở ra nhiều triển vọng cho hoạt động thương mại, đầu tư song phương trong năm 2025.

Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam cũng là đối tác lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, chiếm 4,13% tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này. Về xuất siêu, Việt Nam đang xếp sau Trung Quốc và Mexico tại thị trường này.

Thị trường Hoa Kỳ có nhu cầu với rất nhiều hàng hóa Việt Nam, từ nông, lâm, thuỷ sản đến hàng tiêu dùng, hàng điện tử. Năm 2025, ngành dệt may được kỳ vọng đạt 25 tỷ USD, tăng trưởng nhờ nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm chất lượng cao và thân thiện với môi trường.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 13 tỷ USD, tăng 7,3%. Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Hoa Kỳ tại khu vực ASEAN.

Việt Nam còn nhiều dư địa xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ trong năm 2025. Ảnh minh họa

Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ hai và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ bao gồm giày dép, đồ gỗ nội thất, máy móc và thiết bị quang học. Hoa Kỳ là thị trường trọng điểm mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam hướng tới để thúc đẩy các hoạt động xuất nhập khẩu. Song song đó, Việt Nam cũng đang thu hút và tiếp nhận dòng vốn đầu tư công nghệ cao từ Hoa Kỳ.

Đặc biệt, trong các lĩnh vực như vi mạch, bán dẫn, nhằm bắt nhịp với kỷ nguyên khoa học - công nghệ trên thế giới. Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Hoa Kỳ, trong khi các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đóng góp lớn vào quá trình chuyển đổi và phát triển kinh tế Việt Nam.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế cho rằng, năm 2025 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, với tổng kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt từ 125-130 tỷ USD. Trong đó, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ mỹ nghệ, máy móc thiết bị điện tử và nông sản sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng lưu ý, việc ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam. Chính sách của ông Donald Trump hướng đến Hoa Kỳ là trên hết, do đó, có thể đánh thuế cao đối với hàng nhập khẩu và một số quốc gia. Vì vậy, doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tận dụng cơ hội, giải quyết những thách thức, Việt Nam mới có thể gia tăng xuất khẩu tại thị trường này trong năm 2025.

Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Hoa Kỳ hiện là nước đứng đầu trên thế giới về việc điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, cũng là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại nhất với hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Đến nay, quốc gia này đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 267 vụ việc nước ngoài điều tra với nước ta (chiếm 25%), bao gồm 28 vụ việc chống bán phá giá, 11 vụ việc chống trợ cấp, 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế và 3 vụ việc tự vệ.

Gần đây nhất, ngày 20/11/2024, Hoa Kỳ ban hành quyết định áp dụng biện pháp tự vệ toàn cầu đối với 2 sản phẩm là xơ sợi staple nhân tạo từ polyeste và vỏ viên nhộng cứng nhập khẩu.

Trước những thông tin trên, để tận dụng lợi thế từ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, hạn chế rủi ro thương mại, ở góc độ doanh nghiệp, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (VASEP) khuyến cáo, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần bảo đảm các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Hoa Kỳ.

Ở góc độ quản lý, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhấn mạnh, mục tiêu của ông Donald Trump là giảm thâm hụt thương mại; thúc đẩy sản xuất trong nước và thu hút đầu tư. Trong bối cảnh tự do hoá thương mại toàn cầu, ông Donald Trump đã từng sử dụng một công cụ cổ điển là thuế quan. Thực tế, ông Donald Trump đã áp thuế cao với hàng hoá từ nhiều thị trường như Trung Quốc, EU…

Trước đây, ảnh hưởng của hàng Việt Nam từ thuế quan của thị trường Hoa Kỳ chưa lớn. Tuy nhiên, năm 2025, Bộ Công Thương đã vạch ra 2 kịch bản. Kịch bản khả quan là Hoa Kỳ duy trì chính sách thuế hiện hành đối với hàng Việt Nam. Trong xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, Việt Nam hoàn toàn có thể đón nhận dòng đầu tư để gia tăng xuất khẩu.

Ngoài ra, kịch bản thứ hai, nếu tác động thuế quan gắt gao, chặt hơn có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, khiến xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam có thể ảnh hưởng ít nhiều. Hơn nữa, thị trường Trung Quốc nếu gặp khó khăn do bị áp thuế cũng sẽ tạo ra sức ép tại Hoa Kỳ và tạo sức ép với Việt Nam. Vì vậy, Bộ Công Thương sẽ xem xét báo cáo Chính phủ để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu trong việc đa dạng hóa thị trường.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu