18:27 ngày 13/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Xuất khẩu hàng hoá còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025

14:56 13/01/2025

(THPL) - Xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, cùng các biện pháp khuyến khích đầu tư trong nước và các rào cản thương mại mới sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu. Các thị trường lớn như EU đang chú trọng phát triển bền vững; thêm vào đó, diễn biến địa chính trị phức tạp và các yêu cầu khắt khe về môi trường, lao động,… sẽ tiếp tục tạo ra những yếu tố khó lường.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2024 ước đạt 405,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước, lập mốc lịch sử mới, vượt mốc lịch sử 371,82 tỷ USD của năm 2022. 

Bức tranh xuất khẩu hàng hóa năm 2024 có sắc màu tươi mới đó là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 19,8%, cao hơn 7,5 điểm phần trăm so với tốc độ tăng 12,3% của khu vực FDI.

Ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng vai trò đặc biệt quan trọng, tạo dấu ấn đậm nét trong chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như trái cây, gạo, cà phê và hạt điều đạt kết quả ấn tượng, lập các mốc kỷ lục, như: Trái cây lập mốc 7,14 tỷ USD; gạo đạt kỷ lục 9 triệu tấn, với kim ngạch 5,66tỷ USD; cà phê có kim ngạch tăng mạnh nhất trong các nhóm xuất khẩu chủ lực, lần đầu tiên vượt mốc 5 tỷ USD trong lịch sử, đạt 5,62 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 10,04 tỷ USD.

Xuất khẩu hàng hoá còn đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2025. Ảnh minh họa

Năm 2024, vốn đầu tư công thực hiện ước đạt 661,3 nghìn tỷ đồng bằng 84,6% kế hoạch năm, thấp hơn tỷ lệ 87,3% của năm trước. Điểm sáng trong giải ngân vốn đầu tư công đó là sự chỉ đạo quyết liệt, xử lý những bất cập chồng chéo trong môi trường pháp lý; với tư duy đổi mới, phương pháp, cách tiếp cận khác so với cách làm trước đây của Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo địa phương, Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối đã rút ngắn thời gian thi công từ 3-4 năm xuống còn 7 tháng.

Đây là điển hình sinh động về tập trung nguồn lực, quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công, tạo sự lan toả và thu hút đầu tư từ các nguồn vốn của nền kinh tế. Thành công của Dự án là minh chứng cho khả năng vượt qua mọi khó khăn khi có quyết tâm cao và tinh thần trách nhiệm của hệ thống chính trị và sự đồng lòng của toàn dân...

Từ kết quả tích cực trong tăng trưởng kinh tế năm 2024, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó đặt mục tiêu GDP tăng từ 6,5%-7%. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, đã xác định mục tiêu cao hơn, với tinh thần phấn đấu quyết liệt, bứt phá, nâng mức tăng GDP năm 2025 lên khoảng 8%.

Bên cạnh cơ hội, kinh tế nước ta đang đối mặt với 3 nhóm rào cản, đó là: Quá trình ra quyết định, thực thi quyết định để xử lý bất cập về thể chế và các rào cản quá chậm khiến nguồn lực không được xử dụng hiệu quả; cơ sở hạ tầng chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội; nguồn nhân lực đông về số lượng, kém về chất lượng khi có tới 71,7% lao động chưa qua đào tạo.

Liên quan đến hoạt động xuất khẩu hàng hoá năm 2025, ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là một trong những nước được coi là hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng hội nhập toàn cầu. Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, khi chuỗi cung ứng thế giới thay đổi thì đây là cơ hội cho Việt Nam nắm bắt được những xu hướng như: chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… Đây cũng là xu hướng mà Việt Nam nắm bắt rất tốt thời gian qua.

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định CPTPP đã và đang phát huy hiệu quả trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu và giảm thiểu rào cản thuế quan. Những FTA này không chỉ thúc đẩy xuất khẩu, mà còn tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng nhập khẩu công nghệ và thiết bị sản xuất hiện đại từ các quốc gia đối tác.

Cùng những thuận lợi, hoạt động xuất khẩu cũng đối diện với nhiều thách thức. Ông Lương Hoàng Thái chỉ rõ, trong giai đoạn gần đây, tăng trưởng thương mại trên phạm vi toàn cầu thấp hơn tăng trưởng GDP toàn cầu. Đặc biệt, thời gian tới dự kiến có xu hướng rất lớn có thể thay đổi mạnh mẽ cách các nước quan hệ thương mại với nhau.

Đầu tiên là xu hướng một số nền kinh tế lớn hướng nội nhiều hơn, thậm chí một số nơi có tính bảo hộ thương mại, xung đột thương mại cũng xảy ra ở một số nơi trên thế giới.

Xu hướng thứ 2, kể cả khi các nền kinh tế tiếp tục quá trình mở cửa, nhưng họ cũng có các biện pháp mới để thực hiện các xu hướng toàn cầu, như: chuyển đổi xanh, đi kèm với nó là một loạt biện pháp quản lý chặt chẽ hơn về chuỗi cung ứng để đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Việc này là rào cản doanh nghiệp buộc phải vượt qua, sẽ tạo ra những chi phí mới buộc doanh nghiệp tuân thủ thì mới có thể xuất khẩu được sang các thị trường áp dụng những biện pháp này.

Trước đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng nhận định rằng, xuất khẩu năm 2025 sẽ đối mặt với không ít rủi ro và thách thức. Xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng, cùng các biện pháp khuyến khích đầu tư trong nước và các rào cản thương mại mới sẽ tác động mạnh đến hoạt động xuất khẩu. Các thị trường lớn như EU đang chú trọng phát triển bền vững; thêm vào đó, diễn biến địa chính trị phức tạp và các yêu cầu khắt khe về môi trường, lao động,… sẽ tiếp tục tạo ra những yếu tố khó lường.

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), để đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2025, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai một loạt giải pháp trọng tâm bao gồm đẩy mạnh xây dựng và ban hành văn bản pháp lý, giám sát thi hành pháp luật, và thực hiện các cam kết quốc tế về nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan. Bên cạnh đó, Cục sẽ tăng cường nghiên cứu, dự báo thị trường, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các rào cản thương mại và phòng chống gian lận xuất xứ.

Các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ trong việc phát triển sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, mở rộng thị trường và duy trì sự phát triển các thị trường truyền thống. Đồng thời, các chương trình hỗ trợ chuyển sang xuất khẩu chính ngạch, xây dựng thương hiệu và phát triển bền vững cũng sẽ tiếp tục được triển khai. Đặc biệt, chất lượng sản phẩm xuất khẩu và năng lực cạnh tranh sẽ được nâng cao thông qua các chương trình đào tạo, xúc tiến thương mại và phát triển nền tảng số, thương mại điện tử.

Ngoài ra, cơ cấu xuất khẩu sẽ được cải thiện theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm chế biến và công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Doanh nghiệp cũng sẽ nhận được hỗ trợ trong việc tìm kiếm đơn hàng, cung cấp thông tin thị trường và phát triển dịch vụ logistics.

Ngoài việc duy trì và phát triển các thị trường truyền thống, Bộ Công Thương đang tập trung vào việc mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEP, đặc biệt là Hiệp định CEPA (Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) mới được ký kết.

Để hỗ trợ doanh nghiệp khai thác các thị trường này, Bộ Công Thương triển khai một loạt chương trình xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp với các đối tác quốc tế thông qua các hội chợ, triển lãm, cùng các sự kiện giao thương trực tuyến. Bộ cũng chú trọng cung cấp các hỗ trợ về thông tin thị trường, tiêu chuẩn xuất khẩu giúp doanh nghiệp Việt Nam không chỉ đáp ứng yêu cầu của các đối tác mà còn tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi để gia tăng xuất khẩu vào những thị trường mới và khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Minh Anh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu