09:00 ngày 27/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

TP.HCM: Sớm chuẩn bị kịch bản đối phó tình trạng lây nhiễm biến thể Omicron

09:25 23/02/2022

(THPL) - Chiều ngày 22/2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã họp giao ban với các quận, huyện và TP Thủ Đức về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Báo Pháp luật TP.HCM đưa tin, chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết số ca F0 trong ngày trên địa bàn đang tăng lên trên 1.300 trường hợp, tăng gấp bốn lần so với mức trung bình hằng ngày của ba tuần trước đó. Số ca nhiễm ở trường học tăng, đặc biệt số trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine.

“Khi lưu lượng học sinh trở lại trường học đông, lại trong điều kiện tiếp xúc gần với nhau, cộng với biến thể mới, số trường hợp mắc COVID-19 tăng lên là điều không bất ngờ, nằm trong dự tính” - ông Nên nói và đề nghị không thể chủ quan, không thể xem thường, mà phải tính toán các giải pháp phù hợp trong thời gian tới.

Bí Thư Nên lưu ý cần tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 tiêm vaccine bổ sung mà Chính phủ đã chỉ đạo, chuẩn bị tiêm cho trẻ em dưới 12 tuổi khi Bộ Y tế có hướng dẫn, cũng như tiêm chủng người còn lại chưa được tiêm, nhất là những người có nguy cơ. “Với tình hình này thì vaccine và thuốc trở thành vũ khí hết sức quan trọng để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Với nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục bảo vệ người có nguy cơ cao, Bí thư Thành ủy cho rằng số ca tử vong còn xảy ra ở người có bệnh nền, người lớn tuổi. “Dù có 1-2 trường hợp tử vong mỗi ngày vẫn phải cố gắng bảo vệ tối đa nhóm người có nguy cơ” - ông Nên nói và đề nghị bổ sung trẻ em vào đối tượng cần bảo vệ đối với nhóm người nguy cơ cao.

Ảnh minh họa

Người đứng đầu Đảng bộ TP.HCM yêu cầu phải chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng thu dung, điều trị trẻ em mắc COVID-19 để chăm sóc trẻ em một cách chu đáo; tăng cường truyền thông, tư vấn, hỗ trợ; tiếp tục hướng dẫn quy trình xử lý F0 cộng đồng theo hướng mới nhất của Bộ Y tế và Bộ GD&ĐT.

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, sau tuần nghỉ Tết, số trẻ em mắc COVID-19 tăng nhẹ và tuần vừa rồi đã tăng cao. Cụ thể, tuần lễ từ ngày 7/2 đến 13/2, TP.HCM ghi nhận gần 500 trường hợp học sinh mắc COVID-19 tại 117 trường. Trong tuần gần nhất, TP.HCM ghi nhận tổng cộng 706 giáo viên và 6.799 học sinh tại 201 trường.

Trước tình hình trên, Sở Y tế TP.HCM đang theo dõi sát diễn tiến số ca mắc. Đơn vị sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch thu dung, điều trị theo từng kịch bản khi số F0 là trẻ em gia tăng. Ngoài ra, nhóm chuyên gia đang nghiên cứu nhanh về tình hình, diễn biến của 3 bệnh viện nhi (Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Nhi đồng Thành phố) về tổng số trẻ đến khám có kết quả xét nghiệm dương tính COVID-19. Theo đó, TP.HCM xem xét ngưng việc học trực tiếp nếu số trẻ mắc COVID-19 có triệu chứng nặng cần hỗ trợ hô hấp nhiều hơn 100 ca/ngày.

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng cũng nhận định biến chủng Omicron đang chiếm ưu thế trên địa bàn TP.HCM. Nhận định này dựa trên kết quả tầm soát ngẫu nhiên biến chủng Omicron bằng xét nghiệm PCR tại TP từ ngày 10 đến 17-2, có 70/92 mẫu bệnh phẩm cho kết quả dương tính với biến chủng Omicron (chiếm 76%). Nhóm biến chủng Delta chỉ còn chưa đến 30%.

“Đây là cơ sở khoa học cho thấy biến chủng Omicron tại TP.HCM đang tăng cao. Điều này cũng một phần lý giải cho số bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn có chiều hướng tăng” - ông Thượng nói.

Ông Tăng Chí Thượng cũng nhận định nguy cơ biến thể BA.2 có thể đã tồn tại trên địa bàn TP.HCM nhưng cần những nghiên cứu, đánh giá sâu hơn. BA.2 là chủng Omicron “tàng hình”, đã thay thế chủng Omicron ban đầu để trở thành virus thống trị ở một số nước trên thế giới.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết nhóm nhà khoa học, chuyên gia hiện đang nghiên cứu biến thể BA.2. Ông yêu cầu Sở Y tế cùng các đơn vị sớm chuẩn bị kịch bản trong trường hợp biến thể Omicron “tàng hình” này xuất hiện. “TP.HCM cần dự tính cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra, không để bị động, lúng túng. Cần chuẩn bị cho tình huống biến thể này không được phát hiện ra ngay cả khi xét nghiệm, vaccine không bảo vệ được thì chúng ta cần làm gì?” - ông Nên nói.

Trước tình hình biến chủng Omiron lây lan tại cộng đồng, TP.HCM triển khai các biện pháp phòng chống dịch trong đó tập trung hoàn thành chiến dịch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn 2. Chiến dịch này sẽ kết thúc vào ngày 29/2/2022.

Trong giai đoạn 2 này, TP.HCM đã tiêm được mũi 1 thêm cho hơn 6.000 người, mũi 2 cho hơn 26.000 người và mũi bổ sung/nhắc lại cho hơn 85.000 người. Để tăng cường miễn dịch trước biến chủng Omicron thì tiêm chủng là biện pháp rất quan trọng. Do đó. các quận huyện, TP Thủ Đức tiếp tục tổ chức, mời gọi người dân ra tiêm chủng. Theo đó, người dân cần chủ động liên hệ địa phương để được tiêm chủng khi tới lượt.

Bên cạnh tiêm chủng, chiến lược bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cũng cần được tiếp tục đẩy mạnh. Trong đó lưu ý, người thuộc nhóm nguy cơ bao gồm cả trẻ em có tình trạng béo phì. Cập nhật quy trình xử lý F0 phù hợp với tình hình mới.

Để làm giảm tốc độ lây lan dịch bệnh thì mỗi người cần lưu ý thực hiện phòng bệnh theo thông điệp 5K, hạn chế việc tập trung đông người trong những không gian kín. Khi có triệu chứng bệnh cần tự cách ly ngay. Nếu xét nghiệm dương tính, khai báo cho y tế địa phương để được quản lý, chăm sóc và điều trị cũng như tuân thủ quy định cách ly để hạn chế lây nhiễm cho người khác.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu