04:59 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

TP.HCM khởi động lại đề án "học lệch giờ, làm lệch ca" để chống tắc đường

| 11:31 12/05/2017

(THPL) - Đề án bố trí, sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca để giảm bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm đã bắt đầu được nghiên cứu từ 16 năm trước, nay tiếp tục được nghiên cứu nhằm góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông đang ngày một nghiêm trọng hơn ở TPHCM.

UBND TP.HCM đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương nghiên cứu lập Đề án bố trí, sắp xếp giờ làm việc, giờ học lệch ca để giảm bớt lưu lượng giao thông vào giờ cao điểm trên địa bàn thành phố và trình UBND thành phố trước ngày 30/7/2017.

Nội dung đề án cần nghiên cứu theo từng nhóm đối tượng: học sinh - sinh viên; bệnh nhân, người nhà bệnh nhân tại các bệnh viện; cán bộ - công chức; người lao động tại các khu công nghiệp... 

Sau 17 năm với 5 lần thực hiện bất thành, TP.HCM lại tái khởi động đề án "lệch ca, lệch giờ" để chống tắc đường. (Ảnh minh họa)

Đây không phải là một đề án mới bởi đề án đã được nghiên cứu từ năm 2001 nhưng đến tháng 10/2007, thành phố mới đưa ra kế hoạch số 6650 với 8 giải pháp cấp bách nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Trong đó, giải pháp đầu tiên và được xem là trọng tâm chính là bố trí lại giờ làm việc và học tập.

Cụ thể, tất cả cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn, kể cả bộ phận thực hiện dịch vụ hành chính công, tổ chức chính trị, xã hội thuộc thành phố đều bắt đầu làm từ 7h30 hoặc 8h, kết thúc 16h, 16h30 hoặc 17h. Tuy nhiên, đề án đã không được HĐND thành phố thông qua.

Sau đó, TP.HCM thống nhất thí điểm bố trí lại giờ học tại các trường. Cụ thể, học sinh tiểu học và THPT vào học lúc 7h sáng, cấp THCS bắt đầu muộn hơn 15 phút và cấp mầm non muộn hơn 30 phút. Thành phố cũng linh động để Hiệu trưởng các trường được quyền bố trí lệch giờ vào lớp và tan học đối với các khối lớp để tránh kẹt xe tại cổng trường tùy tình hình thực tế.

Song song đó, TP.HCM đã làm thí điểm điều chỉnh giờ làm đối với một số khu chế xuất - khu công nghiệp, doanh nghiệp có đông người lao động. Tuy nhiên, kết quả khảo sát và qua kiểm tra thực tế cho thấy hầu hết các KCN, KCX đều không nằm trong khu vực nội thành nên không ảnh hưởng nhiều.

Năm 2009, TP.HCM lại nhắc đến giải pháp lệch ca, lệch giờ. Lần này, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất nên thực hiện với khối hành chính sự nghiệp. Thời gian làm việc bắt đầu từ 8h hoặc 8h30; kết thúc vào lúc 16h30 đến 17h, thời gian nghỉ trưa từ 30 đến 60 phút. Đối với doanh nghiệp nhà nước làm việc lúc 7h và kết thúc lúc 15h30, thời gian nghỉ trưa 60 phút tính vào giờ làm việc...

Trong đó, bộ phận dịch vụ hành chính công tùy khối lượng việc, số lượng người đến giao dịch sẽ bố trí giờ làm việc như cũ hoặc điều chỉnh lại sáng bắt đầu từ 9h. Tuy nhiên, đề xuất lại một lần nữa không được HĐND thành phố thông qua.

Và mới đây nhất, vào tháng 12/2016, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa, đã giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Sở Giáo dục - Đào tạo và các đơn vị liên quan nghiên cứu lại đề án này để giảm tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm.

Như vậy, sau gần 17 năm, TP.HCM vẫn quyết tâm đưa đề án lệch ca - lệch giờ vào thực tiễn để giảm kẹt xe. Để thể hiện quyết tâm của mình, thành phố đã giao cho Viện Nghiên cứu phát triển thành phố chủ trì thay vì các sở, ngành vốn đã nhiều việc và không có nhiều chuyên môn trong quy hoạch đô thị.

Nói về đề án này, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, việc điều chỉnh giờ học hay giờ làm việc cụ thể nên để cho các cơ quan, đơn vị tự sắp xếp. Tuy nhiên, ông Sơn khẳng định đây chỉ là giải pháp cho phần ngọn chứ không phải phần gốc. Cái gốc vẫn là quy hoạch làm sao để những người đi làm, đi học không phải di chuyển xa, thậm chí làm sao có thể đi bộ để đến chỗ làm, chỗ học.

Mai Anh (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu