20:14 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

TP.HCM: Chợ xuống cấp, tiểu thương kêu cứu với bản hợp đồng mới

Bình An | 11:04 19/06/2019

(THPL) - Nhiều năm qua, tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) liên tục yêu cầu sửa chữa chợ để có nơi buôn bán khang trang hơn. Thế nhưng, số tiền 217 tỉ đồng do tiểu thương đóng góp lại không được minh bạch trong chuyện sử dụng. Kèm theo đó là nhiều mâu thuẫn trong hợp đồng giữa tiểu thương và Ban Quản lý chợ An Đông.

Vào tháng 9/2017, tiểu thương chợ An Đông đình công, bãi thị và căng băng rôn. Vào thời điểm này, nhiều tiểu thương cho biết, từ năm 2013, đã được vận động đóng góp hơn 217 tỉ đồng để quận 5 nâng cấp chợ An Đông, đủ sức cạnh tranh với các trung tâm thương mại vừa mọc lên trên địa bàn quận.

Nhiều năm qua, tiểu thương chợ An Đông (quận 5, TP.HCM) liên tục yêu cầu sửa chữa chợ để có nơi buôn bán khang trang hơn.

Tuy nhiên, đến năm 2017, cam kết nâng cấp chợ của UBND quận 5 vẫn chưa được thực hiện. Hàng ngàn tiểu thương chợ An Đông phải kinh doanh trong hoàn cảnh hạ tầng chợ xuống cấp trầm trọng, khách hàng lần lượt bỏ chợ ra đi. Điều này khiến tiểu thương chợ An Đông cảm thấy bức xúc.

Tại buổi đình công, tiểu thương chợ An Đông đưa ra 3 vấn đề, thứ nhất, yêu cầu UBND quận 5 ngay lập tức ban hành quyết định bãi bỏ hợp đồng cho thuê sạp có thời hạn đối với tiểu thương vì hợp đồng này là vô hiệu do chợ truyền thống là không được thu tiền thuê quầy sạp.

Thứ hai, yêu cầu UBND quận 5 công nhận quyền sở hữu quầy sạp của tiểu thương vì nguồn gốc chợ truyền thống An Đông là do tiểu thương đóng tiền trước 1 năm để xây dựng chợ.

Thứ ba, yêu cầu UBND quận 5 phải gửi số tiền 217 tỉ đồng do tiểu thương chợ An Đông đóng góp để sửa chữa chợ từ năm 2013 vào ngân hàng do đại diện tiểu thương và ban quản lý cùng làm chủ tài khoản để giám sát việc thu chi.

Vào thời điểm đình công của tiểu thương chợ An Đông, ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND quận 5 cho biết: “Mọi đóng góp của tiểu thương, quận sẽ cam kết sử dụng hoàn toàn vào mục đích cho dự án "Phương án nâng cấp, sửa chữa toàn diện chợ An Đông đến năm 2021". Đồng thời, người đứng đầu UBND quận 5 cũng ghi nhận ý kiến của tiểu thương và cam kết giải quyết.

Thế nhưng, sau hai năm, mới đây tiểu thương chợ An Đông lại tiếp tục có đơn kêu cứu. Theo các tiểu thương, tình trạng chợ ngày càng xuống cấp thế nhưng chỉ có vài hạng mục nhỏ được sửa chữa. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là sửa chữa bốn mặt tiền chợ An Đông vẫn không được tiến hành.

"Doanh thu tiểu thương giảm đến phân nửa so với trước đây do cơ sở vật chất xuống cấp nặng. Chúng tôi nhiều lần yêu cầu minh bạch số tiền 217 tỉ đồng nhưng vẫn không được giải quyết. Cụ thể, chúng tôi muốn biết số tiền đó đã được dùng vào việc gì, sửa chữa những gì, con bao nhiều tiền nhưng Ban quản lý vẫn không trả lời..”, một tiểu thương ở chợ An Đông cho biết.

Đối với số tiền 217 tỉ đồng, tiểu thương yêu cầu gửi vào ngân hàng để cùng giám sát. Thế nhưng, UBND quận 5 đã nộp 217 tỉ đồng vào ngân sách Nhà nước và cho rằng chi tiền để sửa chữa các hạng mục ở chợ An Đông đều theo quy định Nhà nước về đầu tư công.

Chợ xuống cấp đã khiến cho việc kinh doanh buôn bán ế ẩm, nhiều quầy sạp phải đóng cửa.

Trước vấn đề này, các tiểu thương chợ An Đông một lần nữa khẳng định số tiền 217 tỉ đồng không thuộc diện ngân sách nhà nước.

“Vì chúng tôi được biết rằng tiền thu ngân sách là nguồn thu từ các hoạt động đúng quy định của pháp luật, nhưng số tiền này UBND quận 5 đã thu sai quy định của pháp luật, vì bản hợp đồng đã ký với hơn 2.000 tiểu thương đã là không đúng thì nguồn thu này không thể gọi là tiền ngân sách được?”.

Đối vấn đề công nhận quyền sở hữu quày sạp cho tiểu thương, đến nay UBND quận 5 vẫn chưa thực hiện. Ngược lại, từ ngày 10/6 đến 14/6/2019, Ban Quản lý chợ An Đông đã liên tục mời hơn 1.300 tiểu thương chợ An Đông họp lấy ý kiến để tiến hành ký vào bản hợp đồng “Sử dụng điểm kinh doanh” mới (thời hạn từ 2019-2028). Kèm theo đó, tiểu thương phải ký vào “Biên bản thanh lý hợp đồng” được ký vào năm 2013 (đến năm 2021 mới hết hạn).

Qua bức xúc, tiểu thương chợ An Đông đã phản đối hợp đồng này và lo ngại với bản hợp đồng mới từ phía Ban Quản lý. Bởi vì, theo tiểu thương, chợ An Đông là chợ truyền thống đầu mối loại I (theo điểm a’, khoản 2, Điều 2 nghị định 02/2003/NĐ-CP ngày 14/01/2003 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ).

Bên cạnh đó, lãnh đạo thành phố và UBND quận 5 cũng đã khẳng định An Đông là chợ truyền thống loại I của thành phố. Ngoài ra, bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương cũng đã khẳng định chợ truyền thống thì không thu tiền thuê quầy sạp mà chỉ thu phí và lệ phí.

Từ đây, tiểu thương cho rằng hợp đồng cho thuê quầy sạp có thời hạn mà Ban Quản lý đã phát hành và buộc tiểu thương ký vào tháng 4/2013 là một bản hợp đồng không đúng quy định, Nghị định của Chính phủ.

UBND quận 5 cũng không chứng minh được mình là chủ sở hữu của tòa nhà chợ An Đông. Vì nếu là chủ sở hữu thì quận 5 phải dùng tiền ngân sách của nhà nước để xây dựng thì mới là quyền chủ sở hữu, mới có quyền cho người khác thuê quầy sạp.

“Chúng tôi muốn UBND quận 5 phải ra “Quyết định hủy bỏ hợp đồng” chứ không được dùng là “Biên bản thanh lý hợp đồng”. Thêm vào đó, chúng tôi mong muốn UBND quận 5 hãy cấp cho tiểu thương “Giấy chứng nhận góp vốn” giống như các tiểu thương ở chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh) để có thể yên ổn buôn bán.

Bởi vì sao, vào năm 1989, tiểu thương chợ Bà Chiểu cũng bỏ tiền để xây dựng chợ và được phía quận Bình Thạnh cấp giấy chứng nhận. Từ đó đến nay, tiểu thương ở chợ Bà Chiểu yên ổn buôn bán mà không phải có hợp đồng đi thuê quầy sạp như chúng tôi”, một tiểu thương chợ An Đông cho hay.

Bình An

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu