19:32 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tỉnh Hưng Yên cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng khu công nghiệp số 3

14:55 17/07/2023

(THPL)- Hưng Yên có rất nhiều lợi thế về vị trí địa lý, kết nối vùng, cơ sở hạ tầng và nguồn lao động trẻ, dồi dào. Khu công nghiệp số 3 được đầu tư với hơn 2.300 tỷ đồng, theo tiêu chuẩn xanh, hiện đại, tiên tiến, chất lượng cao. Đây chính là dự án trọng điểm của tỉnh nhằm thu hút đầu tư, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương.

Khu công nghiệp số 3 có đầy đủ chức năng của một tổ hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ hiện đại. Điển hình như cảng thông quan nội địa, khu đô thị và khu công nghiệp (KCN) với đầy đủ các tiện ích. Nhờ cung cấp dịch vụ và thủ tục hải quan tại chỗ, sẽ giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp. Khu đô thị sẽ cung cấp nhà ở, văn phòng, trường học, bệnh viện, siêu thị và nhiều tiện ích khác cho người lao động cũng như chuyên gia. Nhờ đó, giúp doanh nghiệp có thể duy trì ổn định lực lượng lao động, tạo đòn bẩy mạnh mẽ đưa nền kinh tế toàn Tỉnh bước lên tầm cao mới.

Giải phóng mặt bằng là một trong những công tác quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo xây dựng KCN số 3 đúng tiến độ, đúng quy hoạch. Những thành công trong giai đoạn vừa qua sẽ là nguồn động lực để Dự án tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu hồi, đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thành mục tiêu Dự án theo kế hoạch.

Đã cơ bản hoàn thành GPMB khu công nghiệp số 3

Trước đó ngày 20/10/2021, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 1771/QĐ-TTg về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN số 3 Hưng Yên thực hiện trên địa bàn 3 huyện: Khoái Châu, Yên Mỹ và Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Tính đến cuối tháng 4/2023, dự án đã gần như hoàn thành cơ bản hạng mục giải phóng mặt bằng, bước đầu thi công xây dựng theo đúng kế hoạch và tiến độ đề ra.

KCN số 3 Hưng Yên được triển khai xây dựng bởi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Quản lý Khu công nghiệp Ecoland. Từ tháng 10/2021 đến tháng 4/2023 là thời điểm diễn ra công tác giải phóng mặt bằng.

Toàn cảnh dự án KCN số 3 Hưng Yên. 

Theo báo cáo của UBND huyện Ân Thi, tổng diện tích khu đất phải thu hồi thuộc địa phận xã Xuân Trúc, huyện Ân Thi là 1.055.207,1 m2, trong đó: Trong phạm vi dự án KCN số 3 là: 1.052.520,9 m2 và thu hồi diện tích của các hộ gia đình, cá nhân ngoài phạm vi ranh giới của KCN số 3 là 2.686,2 m2. Kết quả, đến nay đã thu hồi, bồi thường đạt 1.048.029 m2 (trong đó đợt 1: Diện tích đất thu hồi: 974.114,4 m2; Đợt 2: Diện tích đất thu hồi: 73.914,6 m2 là đất chuyên trồng lúa nước của hộ gia đình, cá nhân ). Trong đó, chỉ còn 5 hộ chưa chấp nhận đền bù giải tỏa và đang trong quá trình xử lý theo đúng quy định, trình tự pháp luật.

Theo báo cáo từ UBND huyện Khoái Châu, diện tích thực hiện dự án KCN số 3 trên địa bàn Huyện là 49,81 ha, thuộc phạm vi của các xã Hồng Tiến và Đồng Tiến với 832 hộ dân có diện tích đất phải thu hồi. Công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, trừ một số trường hợp còn vướng mắc do hồ sơ đo đạc sai lệch so với diện tích thực tế.

Tỉnh Hưng Yên đã cơ bản hoàn thành giải phóng mặt bằng khu công nghiệp số 3.

Nhờ đã công khai và tuyên truyền từ trước, nên công tác giải phóng mặt bằng diễn ra thuận lợi, suôn sẻ. UBND các Huyện triển khai các bước rà soát, tổng hợp, thu hồi, bồi thường và hỗ trợ các hộ dân có diện tích đất trong Dự án theo đúng trình tự pháp luật. Công tác đền bù có hơi chậm so với tiến độ đề ra, vì một số hộ dân chưa nắm bắt được tinh thần, cũng như chưa thực hiện kê khai, kiểm đếm; một số địa phương gặp khó khăn trong việc rà soát, quản lý các hộ sử dụng đất, xác định biến động đất đai qua các thời kỳ…

Tuy nhiên, cho đến nay, về cơ bản công tác giải phóng mặt bằng cho Dự án đã được hoàn thiện. Việc thu hồi, đền bù đất không ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của các hộ gia đình, không ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn các Huyện.

Tỉnh Hưng Yên tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 23, diễn ra ngày 30/6, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, huy động nguồn lực phát triển, tạo đà thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững hơn.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, trong nửa nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XIX của Đảng bộ tỉnh về phát triển kinh tế tiếp tục được thể chế hóa và triển khai đồng bộ cùng các nhiệm vụ trọng tâm. Hưng Yên đã tập trung chỉ đạo, cụ thể hóa triển khai 3 khâu đột phá, 19 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế xã hội cơ bản đạt kết quả khả quan; trong đó, có 15 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch.

Bên cạnh đó, tỉnh Hưng Yên giải quyết 6 thách thức lớn trong quá trình phát triển tỉnh. Điểm nhấn là nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cải thiện chỉ số CPI, việc thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm, kịp thời tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án tại các huyện Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ...

Theo đó, kinh tế của tỉnh phục hồi và phát triển nhanh, tăng trưởng khá so với mức bình quân chung của cả nước. Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 9,3%. Giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 6/2023 đã giải phóng mặt bằng được gần 2.000 ha đất để triển khai các dự án đầu tư trọng điểm; tổng thu ngân sách đạt hơn 86 nghìn tỉ đồng, trong đó thu nội địa chiếm gần 80%. Đến nay, toàn tỉnh có 98 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Về kết cấu hạ tầng, tỉnh đã hoàn thành xây dựng phương án quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Chính phủ phê duyệt. Trên địa bàn tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch đô thị Văn Giang, quy hoạch chung thị xã Mỹ Hào, quy hoạch hai bên tuyến đường nối hai cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình. Hạ tầng công nghệ thông tin, công nghệ só phát triển ổn định; hạ tầng đô thị phát triển vượt bậc với tỷ lệ đô thị hóa đạt hơn 43%.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hưng Yên Trần Quốc Toản cho biết, từ nay đến năm 2025, tỉnh Hưng Yên tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, huy động nguồn lực phát triển; đồng thời, chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; lấy công nghiệp, dịch vụ hiện đại và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao làm trụ cột của phát triển kinh tế.

Cùng với đó, tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, tổng thể; tiếp tục hình thành các khu, cụm công nghiệp ở các huyện Ân Thi, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Văn Lâm, thị xã Mỹ Hào; đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng nông thôn, đô thị, xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu ở các huyện Văn Giang, Tiên Lữ, Phù Cừ, Ân Thi...

Mặt khác, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của  giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, gồm các chương trình: phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển giao thông, vận tải. Cùng đó, tỉnh tập trung triển khai, hoàn thành đầu tư các dự án lớn, có tính lan tỏa, kết nối vùng như dự án đường vành đai 4, đường vành đai 3,5 và các dự án: "Xây dựng tuyến đường kết nối di sản văn hóa du lịch phát triển kinh tế dọc sông Hồng"; "Xây dựng tuyến đường ĐT.384B (đoạn từ nút giao với tuyến đường bộ nối hai đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình) giao đến đường ĐT.378.

Một số giải pháp trọng tâm nhằm phát triển KTXH tỉnh Hưng Yên

Để hoàn thành các mục tiêu về lĩnh vực công nghiệp-TTCN đã đề ra, tỉnh Hưng Yên tiếp tục hiện các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm: Tiếp tục tập trung thu hút đầu tư các ngành công nghiệp ưu tiên như: cơ khí chế tạo, ưu tiên phát triển các sản phẩm: ô tô, gia công kim loại, máy móc thiết bị phục vụ các ngành kinh tế; điện, điện tử tin học, ưu tiên phát triển các sản phẩm: Thiết bị, linh kiện, phần mềm phục vụ sản xuất các sản phẩm ô tô, xe máy điện, thiết bị điện tử, điện lạnh, các sản phẩm công nghiệp điện, điện tử công nghệ cao; chế biến sâu nông sản thực phẩm chất lượng cao; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp mũi nhọn; các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, sản phẩm có khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học, vật liệu mới và các lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo, hóa chất,...

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Hưng Yên tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại.

Quyết liệt, khẩn trương triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ các KCN, CCN đã được quy hoạch; tiếp tục, rà soát, điều chỉnh bổ sung các KCN, CCN mới, trong đó xác định một số KCN, CCN dành riêng cho một số quốc gia trọng điểm thu hút đầu tư như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc); triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư chuyên đề để kêu gọi nhà đầu tư phát triển hạ tầng cho các KCN, CCN mới.

Đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư xây dựng các công trình xã hội đi kèm cho các KCN, CCN tại quỹ đất đã được quy hoạch; đồng thời và công khai quỹ đất để thu hút các dự án dịch vụ cao cấp như các khu phức hợp nhà ở - trung tâm thương mại, giáo dục - đào tạo, y tế, dịch vụ logistics... tại các khu vực tập trung KCN, CCN.

Rà soát lại mục tiêu, ngành nghề của các KCN, CCN đã được quy hoạch, thực hiện bổ sung, điều chỉnh (nếu cần thiết) đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất, phù hợp với chủ trương cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên thu hút các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, công nghiệp sạch, đồng thời tạo sự gắn kết trong nội bộ các KCN, CCN và giữa các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Rà soát, bổ sung chính sách, quy định của tỉnh về đầu tư, xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư, cơ chế liên kết vùng, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện quy định khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các KCN, CCN của tỉnh.

Tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tỉnh uỷ tại Kết luận số 232-KL/TU ngày 15/10/2021 về phát triển các KCN, CCN và thu hút dự án đầu tư và Thông báo số 1091-TB/TU ngày 31/3/2023 về tiến độ triển khai các KCN trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý dứt điểm các dự án đầu tư chậm tiến độ. Nghiên cứu đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, gắn kết giữa Doanh nghiệp với các Trường Đại học, Trung tâm đào tạo nghề và thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho các hoạt động đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp, kịp thời đáp ứng nhu cầu lao động của các doanh nghiệp. Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả Đề án cải cách hành chính tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021-2025, Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư vào tỉnh. Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, chính quyền điện tử; thay đổi căn bản phương thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành; áp dụng rộng rãi thông lệ quốc tế, điện tử hóa thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Tăng cường các hoạt động gặp mặt, đối thoại giữa chính quyền các cấp với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, công khai các hành vi vi phạm trong triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp.

 Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại; mua bản quyền, sáng chế, phần mềm (bao gồm cả chuyển đổi số), thuê chuyên gia nước ngoài và đào tạo nguồn nhân lực,.... nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ để khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện nhập khẩu, giảm chi phí sản xuất, cải thiện lợi thế cạnh tranh. Kết nối, tư vấn, trợ giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của tỉnh với các Doanh nghiệp, Tập đoàn lớn để tìm hiểu yêu cầu, cải tiến quy trình sản xuất, đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia được vào các chuỗi sản phẩm, chuỗi giá trị. Hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường tiêu thụ, thông tin các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng để xây dựng các mối liên kết, hợp tác kinh doanh phát triển các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, dịch vụ, tiến tới nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

Quyết liệt chỉ đạo tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình đầu tư, nhất là giải phóng mặt bằng (chú trọng các cơ chế, giải pháp đẩy nhanh việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,...); kết nối, hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận với các khoản tín dụng ưu đãi cho đầu tư cơ sở hạ tầng,.... Kiên quyết xử lý nghiêm các nhà đầu tư chậm tiến độ, không đủ năng lực. Quan tâm, khuyến khích đầu tư phát triển hạ tầng logistic, trước mắt là hệ thống cảng cạn, kho bãi,...; kết nối hỗ trợ các doanh nghiệp từng bước tiếp cận, kết nối với mạng lưới doanh nghiệp logistic cả nước, khu vực và quốc tế...

Văn Nam

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu