00:56 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Tiếp câu chuyện “Con voi chui lọt lỗ kim“ trong hai gói thầu quốc tế tại Ban QLDA điện 2 - EVN

Nhóm PV | 15:36 28/01/2022

(THPL) - Việc áp dụng một cách bất thường luật đấu thầu và các quy định pháp luật của Việt Nam có liên quan trong hoạt động đấu thầu tại EVNPMB2 – Ban quản lý dự án điện 2 thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) có tạo ra tiền lệ nguy hiểm?

Nối tiếp câu chuyện “ Con voi chui lọt lỗ kim" tại hai gói thầu EPC quốc tế số 03 HH-EPC – PT2 ( PT2 ) và Số 3 HH – EPC – PT3 ( PT3 ) tại Ban quản lý dự án phát điện 2 thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam ( EVNPMB2), trong các kỳ trước, Thương hiệu và Pháp luật đã thông tin tới bạn đọc về các sai phạm, thông đồng của các cá nhân và nhà thầu có liên quan đến hai gói thầu nói trên.

Bên cạnh những sai phạm, vi phạm theo các đơn thư kiến nghị, tố cáo của Văn phòng luật sư Đức Tín, Văn phòng Luật sư Sen Vàng, …đã được chúng tôi thông tin đến bạn đọc, trong kỳ này, chúng tôi đặt dấu hỏi về các vấn đề đang được “Vùng cấm EVNPMB2” áp dụng pháp luật đấu thầu và pháp luật có liên quan một cách "sáng tạo, bất thường" tại hai gói thầu PT2 và PT3. Hai gói thầu này được mời thầu quốc tế theo hình thức một giai đoạn hai túi hồ sơ, đang tạo ra nhiều nghi vấn về việc áp dụng pháp luật trong hoạt động đấu thầu một cách tuỳ tiện, có thể sẽ tạo ra tiền lệ vô cùng nguy hiểm! Hoạt động đấu thầu suốt thời gian qua đang được dư luận đặc biệt quan tâm. Đặc biệt, cơ quan chức năng đã khởi tố rất nhiều vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu gây thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước.

Ảnh minh họa

Vấn đề trước tiên chúng tôi muốn đề cập là nghi vấn những vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đấu thầu của EVNMPB2 tại hai gói thầu này đã gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho EVN và ngân sách nhà nước.

“Theo luật đấu thầu số 43/2013/QH13, Điều 12, Khoản 1, Điểm g có quy định:

g) Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 20 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 30 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 45 ngày đối với đấu thầu trong nước, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Thời gian đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển tối đa là 30 ngày, hồ sơ đề xuất tối đa là 40 ngày, hồ sơ dự thầu tối đa là 60 ngày đối với đấu thầu quốc tế, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày bên mời thầu trình chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Trường hợp cần thiết, có thể kéo dài thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất nhung không quá 20 ngày và phải bảo đảm tiến độ thực hiện dự án;”.

Cả hai gói thầu PT2 và PT3 đều đóng thầu ngày 10 tháng 12 năm 2020. Ngày 09 tháng 07 năm 2021, EVNPMB2 gửi thông báo danh sách xếp hạng nhà thầu đạt và không đạt của HSĐXKT, tức là EVNPMB2 cần 07 tháng (7 x 30 = 210 ngày ) chỉ để xem xét chấm HSĐXKT của các nhà thầu. Câu hỏi đặt ra là EVNPMB2 đã áp dụng pháp luật đấu thầu nào cho tình huống đấu thầu tại cả 02 gói thầu này? Trong suốt thời gian chấm và xem xét HSĐXKT của 02 gói thầu này, nếu lấy ly do vì đại dịch Covid 19 gây ảnh hưởng đến việc chấm thầu, thời gian chấm thầu (được hiểu là tình huống bất khả kháng) thì EVNPMB2 cần thiết phải thông báo đến các nhà thầu về tình huống bất khả kháng này. Tuy nhiên các nhà thầu không hề nhận được bất kỳ văn bản nào thông báo về tình huống bất khả kháng xảy ra trong thời gian chấm 02 gói thầu theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam có liên quan.

Trong suốt khoảng thòi gian này, lãnh đạo EVNMPB2 ký 02 văn bản số: 515/EVNPMB-KTKH và số: 498/EVNPMB2-KTKH cùng ngày 25 tháng 05 năm 2021, yêu cầu các nhà thầu gia hạn lần 01 thêm 90 ngày kể từ ngày hết hạn của HSDT tại cả 02 gói thầu PT2 và PT3. Câu hỏi đặt ra là việc gia hạn thêm 90 ngày là đúng hay sai luật đấu thầu? Tại sao lại có cách áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện như thế tại “ Vùng cấm EVNPMB2 “, phải chăng có thế lực nào chống lưng để EVNPMB2 một mình một sân và một mình một luật riêng của EVNPMB2?

Được biết, trong thời gian chấm thầu, ngày 19 tháng 04 năm 2021, Văn phòng luật sư Đức Tín đã có đơn kiến nghị gửi Chủ tịch HĐTV EVN và Tổng Giám Đốc EVN về việc nghi ngờ một số nhà thầu tham dự tại 02 gói thầu PT2 và PT3 có dấu hiệu vi phạm pháp luật kế toán (tồn tại 02 loại báo cáo tài chính có cùng kỳ kế toán, cùng tính chất, cùng chuẩn mực kế toán Việt Nam nhưng lại có số liệu tài chính khác nhau).

Ảnh minh họa: EVN

“Theo Khoản 10,  Điều 13, Luật Kế Toán năm 2015: Hành vi cấm trong hoạt động kế toán: Lập hai hệ thống sổ sách kế toán trở lên, hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán.”

Việc kiến nghị của Văn phòng luật sư là hoàn toàn có cơ sở, có kèm theo bằng chứng vi phạm của các nhà thầu có dấu hiệu vi phạm pháp luật kế toán. Tuy nhiên, ngày 06 tháng 05 năm 2021, ông Nguyễn Tài Anh – Phó Tổng giám đốc EVN đã ký văn bản trả lời Văn phòng luật sư Đức Tín là sẽ xem xét vì EVNPMB2 vẫn đang trong quá trình xem xét đánh giá HSĐXKT của các nhà thầu!!!

Ngày 26 tháng 05 năm 2021, EVNPMB2 bất ngờ ký 02 văn bản yêu cầu tất cả các nhà thầu nộp thêm báo cáo tài chính trong 03 năm liên tiếp 2017, 2018 và 2019 và nhà thầu đã nộp cho cơ quan thuế tại nơi mà nhà thầu đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh, ngoài báo cáo tài chính đã được kiểm toán và đã nộp cho EVNPMB2 kèm trong HSĐXKT. Và hạn nộp bản cứng báo cáo tài chính thuế cho EVNPMB2 là trước ngày 02 tháng 06 năm 2021.

Đến đây thì dư luận có quyền đặt ra hàng loạt dấu hỏi về việc áp dụng các pháp luật liên quan đến hoạt động đấu thầu của EVNPMB2! Tại sao thời gian chấm thầu và xem xét HSĐXKT của EVNPMB2 lại kéo dài như vậy? Phải chăng vì có đơn thư kiến nghị của Văn phòng luật sư Đức Tín đến lãnh đạo của EVN thì EVNPMB2 có quyền kéo dài thời gian để giúp đỡ các nhà thầu vi phạm bổ sung, thay đổi, … thông đồng, "nâng đỡ không trong sáng" để giúp các nhà thầu vi phạm pháp luật kế toán có lợi thế trước các nhà thầu tuân thủ pháp luật Việt Nam? Vậy yếu tố bình đẳng, công bằng ,… theo luật đấu thầu thì EVNPMB2 đang “cất đi" đâu??? Việc yêu cầu gia hạn HSDT và Bảo lãnh dự thầu ( BLDT ) thêm 90 ngày ( 3 tháng ) lần 1 thì EVNPMB2 căn cứ vào luật nào?

Câu chuyện sẽ dừng tại đây nếu không có sự bất ngờ về việc ông Nguyễn Tài Anh – Phó tổng Giám Đốc EVN và ông Nguyễn Văn Thành – Giám đốc EVNPMB2 ký và thông báo phê duyệt danh sách nhà thầu có HSĐXKT đáp ứng yêu cầu của HSMT và tạo ra tình huống “Con voi chui lọt lỗ kim" như chúng tôi đã thông tin đến bạn đọc. Đơn thư tố cáo của bạn đọc gửi đến lãnh đạo EVN, các cơ quan bản vệ pháp luật và truyền thông đã tố cáo đích danh ông Nguyễn Tài Anh và ông Nguyễn Văn Thành liên quan đến việc bao che các sai phạm của các nhà thầu có tồn tại 02 báo cáo tài chính và có số liệu tài chính khác nhau trong cùng kỳ kế toán. Đặc biệt hơn là “Con voi" – Nhà thầu Tổng Công ty Máy và thiết bị Công nghiệp Việt Nam ( MIE ) đã tài tình chui lọt lỗ kim, bởi ngoài việc có 2 báo cáo tài chính cùng kỳ kế toán, công bố trên UBCKNN và Thuế có số liệu tài chính khác nhau. Đặc biệt hơn là trong cùng ngày 28 tháng 03 năm 2018 thì ông Tổng Giám đốc ( đại diện pháp luật ) của MIE cùng ký vào 2 báo cáo tài chính thuế và kiểm toán với số liệu tài chínhh ầu hết khác nhau. Vậy mà với sự khéo léo, chống chế trong thời gian dài xem xét, nâng đỡ và cho mình cái quyền là “Vùng Cấm", hai ông Nguyễn Tài Anh và Nguyễn Văn Thành đã phớt lờ pháp luật để phê duyệt nhà thầu MIE là có hồ sơ đáp ứng yêu cầu của HSMT. 

Được biết, một nhà thầu được lựa chọn vào vòng tiếp theo để mở HSĐXTC phải là một nhà thầu đáp ứng HSYC và quan trọng nhất là phải không vi phạm các pháp luật có liên quan, tại sao MIE và các nhà thầu khác lại có thể tồn tại 2 loại báo cáo tài chính với số liệu khác nhau trong cùng kỳ kế toán? Tại sao đến khi có đơn thư kiến nghị và bằng chứng cụ thể mà EVNPMB2 vẫn phớt lờ sai phạm này? Phải chăng vì trước đó chính MIE cũng trúng một gói thầu EPC tương tự PT3 cũng do EVNPMB2 làm chủ đầu tư??? Văn phòng luật sư Bắc Nam, Văn phòng luật sư Sen vàng và TCĐT Thương hiệu và Pháp luật đã gửi công văn trực tiếp hỏi Cục quản lý đấu thầu – Bộ KHĐT hướng dẫn việc xử lý tình huống này trong đấu thầu, tuy nhiên đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời thoả đáng từ các cơ quan thực thi và bảo vệ pháp luật.

Rất mong các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, … nhanh chóng vào cuộc để làm rõ các vi phạm về pháp luật ở EVNPMB2 và các cá nhân có liên quan để có câu trả lời thoả đáng trước công luận, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Có như vậy việc áp dụng pháp luật không thể tuỳ tiện, tạo tiền lệ vô cùng nguy hiểm không chỉ đối với các dự án do EVNPMB2 làm chủ đầu tư mà rộng hơn là toàn bộ các chủ đầu tư tại Việt Nam trong hoạt động đấu thầu.

Ngày 9 tháng 7 năm 2021, Tập đoàn điện lực Việt Nam có quyết định số: 806/QĐ-EVN đượ ký bởi ông Nguyễn Tài Anh – Phó tổng Giám đốc EVN về việc phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu về Kỹ thuật của gói thầu số 03 HH-EPC-PT3. Danh sách đáp ứng có 06 tổ hợp nhà thầu gồm : MIE+SEPCO3, LICOGI16 + IPC, TASCO + RISEN, PECC2+CMEC, SĐ4 +SINOHYDRO và GANSU.

Cùng ngày, ông Nguyễn Tài Anh – Phó tổng GĐ của Tập đoàn điện lực Việt Nam ký Quyết định số: 859/QĐ-EVN về việc quyết định danh sách danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật gói thầu số 03 HH-EPC-PT2. Danh sách đáp ứng có 04 nhà thầu gồm: SĐ4 + SINOHYDRO, GANSU, PECC2+CMEC và RISEN + TASCO. Ngay sau ngày có 02 quyết định nói trên thì Văn phòng luật sư Đức Tín liên tiếp có các đơn thư kiến nghị gửi đến lãnh đạo của EVN về các vi phạm của các nhà thầu và việc bao che sai phạm của EVNPMB2 và ông Nguyễn Tài Anh. Cho đến thời điểm mở HSĐXTC, vẫn có rất nhiều nhà thầu không thể nộp được báo cáo tài chính 2017, 2018 và 2019 tại cơ quan thuế nơi mà nhà thầu đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh.

Câu hỏi lớn đặt ra là từ ngày 29 tháng 05 năm 2021, sau hơn 02 tháng đến thời điểm mở HSDXTC thì các nhà thầu làm gì và EVNPMB2 làm gì? EVNPMB2 có văn bản nào nhắc nhở các nhà thầu không nộp được báo cáo tài chính tại cơ quan thuế như đã yêu cầu không? Ở tình huống này thì việc áp dụng pháp luật đấu thầu như thế nào? Yếu tố nào đảm bảo công bằng giữa các nhà thầu và đặc biệt là các nhà thầu đã nộp đủ và không vi phạm luật kế toán?

Dư luận có quyền đặt câu hỏi: Như vậy, nhà thầu vi phạm pháp luật kế toán được đối xử bình đẳng với nhà thầu không vi phạm pháp luật? Câu trả lời đang rất cần các chuyên gia pháp lý, cơ quan bảo vệ pháp luật kết luận.

Ngày 30 tháng 8 năm 2021, EVNPMB2 tiếp tục yêu cầu các nhà thầu trong danh sách được xếp hạng tại cả 02 gói thầu số 03 HH-EPC-PT2 và số 03 HH -EPC – PT3 tiếp tục gia hạn lần thứ 2 hồ sơ dự thầu và bảo lãnh dự thầu. Mọi hồ sơ giấy tờ gia hạn Hồ sơ dự thầu thêm 60 ngày các nhà thầu đều phải nộp bản scan trước ngày 04 tháng 09 năm 2021 gửi tới địa chỉ email của EVNPMB2 là: evnpmb2@gmail.com và bản cứng hồ sơ gốc trước ngày 08 tháng 09 năm 2021. Gia hạn bảo lãnh dự thầu thêm 60 ngày và phải gửi bản scan trước ngày 17 tháng 09 năm 2021 và gửi bản cứng bảo lãnh gia hạn gốc trước ngày 24 tháng 09 năm 2021. Có lẽ đây là 02 gói thầu có thời gian xem xét đánh giá kéo dài lập kỷ lục Việt nam và cũng là 02 gói thầu vi phạm nghiêm trọng luật đấu thầu của Việt Nam. 

Và tình huống "dở khóc dở cười" đi kèm việc áp dụng luật pháp Việt Nam một cách tuỳ tiện của EVNPMB2 xuất hiện trong lần gia hạn HSDT và BLDT lần thứ 02 này. Nhà thầu RISEN đã ký gia hạn vượt thẩm quyền được uỷ quyền như đã thông tin trong các kỳ trước. Việc ký vượt thẩm quyền uỷ quyền này đã làm cho HSDT của tổ hợp RISEN + TASCO vô hiệu! Và “Con voi" RISEN + TASCO lại lọt qua lỗ kim khi ông Nguyễn Tài Anh và ông Nguyễn Văn Thành nâng đỡ, cho qua lỗi vô cùng nghiêm trọng này! Mức độ nghiêm trọng sẽ được chúng tôi trình bày ở nội dung bên dưới khi mà EVNPMB2 ký kết xong hợp đồng EPC với tổ hợp RISEN + TASCO tại cả 02 gói PT2 và PT3. Và sự vi phạm pháp luật còn trắng trợn hơn khi EVNPMB2 tiếp tục yêu cầu các nhà thầu gia hạn HSDT và BLDT tại gói PT3 thêm 60 ngày (Gia hạn lần thứ 3 tại một gói thầu đóng thầu từ ngày 12 tháng 10 năm 2020, kỷ lục của những kỷ lục về thời gian xem xét chấm thầu). Đến lúc này thì không thể không nhận ra sự coi thường pháp luật của EVNPMB2 và xem thường công luận khi áp dụng pháp luật một cách tuỳ tiện không có tiền lệ!

Như đã thông tin trong bài viết kỳ trước, EVNPMB2 quyết tâm bảo vệ sai phạm của nhà thầu RISEN đến cùng và cũng chính là bảo vệ đến cùng sai phạm vô cùng nghiêm trọng của ông Nguyễn Tài Anh và ông Nguyễn Văn Thành. Ngày 22 tháng 12 năm 2021, EVNPMB2 ký 02 hợp đồng EPC số: 80/2021/EVNPMB2-EPC-PT2 và Hợp đồng số: 81/2021/EVNPMB2-EPC-PT3 với tổ hợp nhà thầu RISEN + TASCO dưới sự chứng kiến của các bên và các cơ quan truyền thông. Được biết, tại cả 2 hợp đồng nói trên, trong điều khoản Hiệu lực của Hợp đồng thì nhà thầu sẽ phải lập Bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng trong vòng 16 ngày kể từ ngày ký vào thoả thuận của hợp đồng giữa 02 bên ( ngày 22 tháng 12 năm 2021 )

Tại Hợp đồng số 80/2021/EVNPMB2-EPC-PT2, do tại gói thầu này, HSDT và BLDT của RISE+TASCO sẽ hết hạn vào ngày 04 tháng 01 năm 2022, và trong thòi gian từ ngày 22 tháng 12 năm 2012 đến ngày 04 tháng 01 năm 2022, EVNPMB2 vẫn không nhận được bảo lãnh thực hiện hợp đồng, bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu, nên ngày 04 tháng 01 năm 2022, EVNPMB2 bắt buộc phải ký thư thông báo cho nhà thầu TASCO+RISEN nhắc nhở việc nộp bảo lãnh thực hiện hợp đồng + bảo lãnh tạm ứng hợp đồng theo đúng thoả thuận đã ký, đồng thời gửi thông báo đến ngân hàng của RISEN về việc yêu cầu tịch thu BLDT của nhà thầu RISEN. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nhận định về việc vi phạm pháp luật của RISEN (ký vượt thẩm quyền uỷ quyền về gia hạn HSDT + BLDT lần thứ 2) nên Ngân hàng của RISEN đã gửi thông báo tù chối thẳng thừng trách nhiệm của BLDT đến EVNPMB2. Vậy trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Thành là gì? Và trách nhiệm của ông Nguyễn Tài Anh ở đâu khi không thể thu được BLDT của RISEN khi RISEN + TASCO vi phạm các điều khoản của hợp đồng EPC đã ký? Việc này rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật làm rõ về sai phạm và làm rõ trách nhiệm gây thiệt hại cho nhà nước khi EVNPMB2 cố tình bao che các sai phạm của tổ hợp RISEN + TASCO!!!!

Căn cứ Luật đấu thầu số 43/2013, Điều 11, Khoản 7: Đối với nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn, Bảo đảm dự thầu được giải toả hoặc hoàn trả khi nhà thầu, nhà đầu tư thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng theo quy định tại Điều 66 và Điều 72 của Luật này.

Điều gì sẽ xảy ra nếu EVNPMB2 không thu được BLDT của RISEN + TASCO và Liên danh này không thực hiện các biện pháp đảm bảo thực hiện HĐ? Được biết, đến ngày 19 tháng 01 năm 2022, mới chỉ có RISEN nộp được Bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng theo tỷ lệ trong liên danh, còn lại TASCO vẫn không nộp bảo lãnh này cho cả 02 hợp đồng nói trên. EVNPMB2 đã đồng ý sau khi thương lượng lại với nhà thầu TASCO và RISEN và cho phép nhà thầu này thay đổi lại thoả thuận liên danh đã ký trong HSDT rằng cho phép nhà thầu RISEN đứng đầu liên danh và đại diện cho cả liên danh lập các biện pháp bảo đảm hợp đồng và bảo đảm tạm ứng cho cả 2 hợp đồng nói trên. Đây có phải là hành vi bán thầu? Sự cho phép thay đổi thoả thuận liên danh trong HSDT có phải là hành vi vi phạm pháp luật nối tiếp các chuỗi hành vi đã vi phạm trong quá trình chấm thầu đến thời điểm hiện tại?

Được biết, trong thoả thuận riêng của 02 hợp đồng EPC nói trên, các bên đã thống nhất ký thay đổi thời gian lập bảo lãnh thực hiện Hợp đồng và Bảo lãnh tạm ứng hợp đồng, thay vì 16 ngày kể tù ngày ký thoả thuận Hợp đồng thành 28 ngày kể từ ngày ký thoả thuận. Tình huống pháp lý ở đây là: Nếu chấp nhận 16 ngày theo hợp đồng chính thì RISEN phải cung cấp bảo lãnh tạm ứng và Bảo lãnh thực hiện hợp đồng trước ngày 07 tháng 01 năm 2022, vậy có 03 ngày kể từ ngày hết hạn BLDT ( 04 tháng 01 năm 2022 ) Hợp đồng EPC sẽ vô hiệu ( Không có giá trị về mặt pháp lý và vi phạm nghiệm trọng pháp luật đấu thầu). Nếu kéo dài thêm 12 ngày nữa, tức cho phép trong vòng 26 ngày để lập bảo lãnh thực hiện hợp đồng và bảo lãnh tạm ứng thì Hợp đồng EPC gói PT2 sẽ có 15 ngày treo không có căn cứ pháp lý. Tại sao, với đội ngũ chuyên gia pháp lý hùng hậu, đội ngũ chuyên môn đông nhất nước và tổ chấm thầu quyết tâm sai phạm đến cùng lại có thể đưa tập đoàn EVN vào nguy cơ thiệt hại lớn về pháp lý như vậy? 

Cũng theo 02 Hợp đồng đã ký với tổ hợp RISE+TASCO thì điều khoản phạt chậm hoàn thành dự án sẽ là: 460.000.000,0 đồng/ngày ( Bốn trăm sáu mươi triệu đồng/ngày). Nếu tính việc chậm trễ khi xem xét đánh giá nhà thầu của EVNPMB2 thì thời giam chậm đưa dự án vào vận hành tạm tính bằng thời gian chậm khi xem xét đánh giá kết quả lựa chọn nhà thầu sẽ là: 460.000.000 đ x 8 tháng x 30 ngày/ tháng = 110.400.000.000,0 đồng./. Con số thiệt hại cho nhà nước là vô cùng lớn và sẽ còn lớn hơn rất nhiều nếu tiếp tục chậm tiến độ.

Một lần nữa kính đề nghị các cơ quan thanh tra, điều tra, bảo vệ pháp luật, lãnh đạo tập đoàn điện lực Việt Nam, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước chỉ đạo vào cuộc, sớm có câu trả lời rõ ràng, minh bạch trước công luận.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc khi có câu trả lời của các cơ quan chức năng.

Nhóm PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu