04:04 ngày 05/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thưởng trà - thú vui tao nhã của người Hà Nội

06:00 05/08/2017

(THPL) - Nói đến văn hóa uống trà Việt Nam, không thể không nhắc đến thú thưởng trà của người Hà Nội. Vẻ thanh lịch, cầu kỳ trong ẩm thực của người dân nơi đây đã nâng tính thẩm mỹ của chén trà lên một trình độ rất cao.

Uống trà là một nghệ thuật có tính cách văn hoá và xã hội. Thời gian uống trà cũng là lúc tĩnh tâm và tu luyện, giúp cho cuộc sống thêm thư giãn và quên bớt buồn phiền, bon chen, cho nên xưa nay uống trà đã trở thành nghi thức hay tôn giáo gần như trên khắp thế giới.

"Đều như vắt chanh", vào các buổi sáng hay dịp cuối tuần, anh Trần Tuấn Anh  - người được mệnh danh “Vua lan đất Hà thành”, ở số 181 Đình Thôn (Mỹ Đình, Hà Nội), lại pha một ấm trà, sau đó cùng các vị khách cùng sở thích nhâm nhi, thưởng thức uống trà và ngắm hoa lan nở.

Do đam mê trà nên anh Tuấn Anh có một bộ sưu tập ấm pha trà khá phong phú.

Anh Trần Tuấn Anh chia sẻ về hoa lan và trà: “Với tôi, lan và trà luôn song hành. Tôi có thể đi khắp thế giới để tìm lan, thì với trà, tôi cũng chẳng ngại băng rừng, vượt suối, đi hàng nghìn km để tận mắt chứng kiến những rừng chè ngàn năm tuổi, tìm hiểu, mua lấy những thứ chè mình thích về nhâm nhi và hưởng thụ". 

Dù lòng vui hay buồn, dù trời mưa hay nắng, khách cũng không thể từ chối một ly trà nóng khi anh trân trọng mời. Tính cách niềm nở, nụ cười luôn rạng rỡ, lòng mến khách của anh khiến vị khách nào đã một lần đến đây đều muốn quay lại lần nữa.

"Vua lan đất Hà thành" yêu trà cũng giống như yêu lan.

Anh Tuấn Anh chia sẻ, mặc dù đi khá nhiều nơi, biết được rất nhiều loại trà, nhưng trong nhà anh chỉ có khoảng chục loại trà được anh yêu quý nhất. Ví như: Bạch trà loại 1, loại 2; hồng trà; trà Tây Côn Lĩnh... Anh Tuấn Anh thừa nhận, nhiều loại trà anh tự đặt tên theo cách mình cảm nhận được hương vị về nó chứ không thích những cái tên đã được thương mại hóa.

Uống trà cũng là một ứng xử văn hóa. Uống từng ngụm nhỏ để thưởng thức hết cái thơm ngọt của trà và cảm nhận hơi ấm của chén trà, đặc biệt đủ nóng bàn tay ta khi mùa đông lạnh giá. Uống để đáp lại lòng mến khách của người mời trà, để bắt đầu một tâm sự, một nỗi niềm, để bàn chuyện gia đình, xã hội, để cảm thấy trong trà có cả hương vị của trời đất, cỏ cây...

Chén bạch trà có màu trắng trong, nhưng khi uống vẫn cảm nhận được vị trà trong đó.

“Đây là bạch trà, loại cực kỳ đặc biệt bởi nước trà luôn có màu trắng, nhưng khi uống mình vẫn có thể thấy được hương vị của trà”. Theo anh Tuấn Anh tiết lộ, loại bạch trà mà chúng tôi vừa thưởng thức hiện trên thị trường không có bán, anh phải tự đặt về để uống.

Anh cho biết, 1kg trà anh đặt làm đều có giá từ vài trăm ngàn đồng cho đến vài triệu đồng/kg. Mà mỗi lần anh đặt, thường phải liên hệ trước một tuần với số lượng lấy hàng từ 10-20kg một lần cho bõ công. 

Người Việt Nam hiện nay uống chủ yếu là trà xanh sơ chế bằng phương pháp thủ công mà người đời thường gọi là “trà mộc”,”trà sao suốt” hay “trà móc câu”. Gọi là “trà móc câu” vì cánh trà sao quăn giống hình chiếc móc câu. Còn “trà sao suốt” là phương pháp sao trà bằng nhiệt, tách nước (giảm bớt thủy phần) bằng tay với ngọn lửa liên tục, đều đặn, không to quá, không nhỏ quá. Người ta sao trà bằng chảo gang.

Những thứ trà ngon thường được gọi chung là “chè Thái”. Nhưng thực ra, trà bán ở thị trường hiện nay có rất nhiều nguồn gốc: trà Tân Cương, trà mạn Hà Giang, trà Vị Xuyên, trà Lục Yên Bái, trà Suối Giàng…

Ông Nguyễn Trung Huy chia sẻ về cách thưởng trà.

Cùng sở thích uống trà, ngắm hoa, ông Nguyễn Trung Huy (sinh năm 1960, Hà Nội) chia sẻ hầu như ngày nào cũng phải pha một ấm trà để thưởng thức hay tìm kiếm bạn tri kỷ cùng sở thích để chia sẻ hiểu biết về trà.

Tuy nhiên, ông Huy cũng thừa nhận, nếu là một người biết thưởng trà thì hương vị của loại trà đạt tiêu chuẩn ngoài mùi hương do bản thân ta “ngửi” cảm nhận ra, còn phải “nếm” do vị của nó ảnh hưởng trực tiếp đến độ ngon chính xác nhất của trà. Ngoài ra, khi thưởng thức tách trà, người uống còn cảm nhận được mùi vị thơm của các loại trà trong bình.

Quá trình pha trà cũng cần lưu ý đến số lượng khách để chọn ấm và cho số lượng trà vào ấm phù hợp.

Ông Trung Huy cho hay, quá trình pha trà cũng cần lưu ý đến số lượng khách để chọn ấm và cho số lượng trà vào ấm phù hợp, bao gồm cả việc lau chùi dụng cụ và tinh thần luôn phải tập trung. Đặc biệt, tùy vào loại trà mà chọn nhiệt độ nước, nước pha trà tuyệt đối không quá nóng, sử dụng nước đang sôi 100 độ C là không nên, sôi quá sẽ làm cháy trà, khi uống gây vị nồng, khi đó ấm nước trà coi như bỏ đi. Mà phải đợi vài giây cho nhiệt độ hạ khoảng 80-90 độ C là rót vào là vừa, ngoài ra nếu cảm thấy chưa tin tưởng vào người làm chè thì ta nên làm nông, nhưng cố gắng làm những thao tác ấy càng nhanh càng tốt, đổ nước vào là rót ra chén tống để nước trà được thơm ngon.

Trải qua 3-4 lần pha mới hoàn thành ấm trà và rót ra tách mời khách. Một trong những lưu ý thường được giới thưởng trà chú trọng là không bao giờ rót trà cho khách một lần đầy tách bởi nó sẽ làm khác biệt về độ đậm nhạt hương vị, tránh chuyện chén đầu thì nhạt, chén sau thì đặc quá trong tách tiếp theo.

Vì lẽ này, tất cả các tách đều được để trong khay, rót theo thứ tự 1, 2, 3, 4… lần đầu, sau đó tới lần hai với vòng ngược lại 4, 3, 2, 1. Người pha trà phải căn làm sao cho đủ đều đối với tất cả các vị khách.

Trà ngon, người uống sẽ cảm nhận được hương thơm, nhấp một ngụm, nhâm nhi thêm vài giây trong miệng sẽ cảm thấy vị ngọt của cỏ cây đọng lại trên lưỡi. Tinh tế nhất, nếu là trà ngon khi uống sẽ cảm nhận được vòm họng, lưỡi có cảm giác xù bông, tơi ra rất đặc biệt trong cả một ngày trời.

Anh Tuấn Anh và các vị khách cùng sở thích nhâm nhi, thưởng thức uống trà và ngắm hoa lan nở.

Ở Việt Nam, tục uống trà có từ rất lâu đời và phong phú, đa dạng. Đối với người dân Hà thành cũng vậy, thưởng trà là sự giao hòa với thiên nhiên, sự ứng xử và tiếp cận hợp lý với không gian và thời gian...

Thời điểm tuyệt nhất để thưởng trà là buổi sáng, đồng thời cũng là lúc con người chuẩn bị cho một ngày làm việc, thời tiết trở nên quang đãng dễ chịu. Thưởng trà khi đã trở thành một thú vui thì người ta không thể quên, vì trà đồng nghĩa với sự sảng khoái, tỉnh táo, tĩnh tâm để mưu điều thiện, tránh điều ác. Ngày nay, việc uống trà cũng được thực hiện trong các buổi tiệc, lúc xem ca múa nhạc hay trình diễn trong các sự kiện văn hóa.

Diệu Huyền - Hòa Bình

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu