05:48 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thương hiệu gạo Việt vươn ra thế giới

Tú Chi | 17:32 09/11/2022

(THPL) - Hiện nay, chất lượng gạo và giá dần tốt lên, thị trường theo đó cũng mở rộng hơn, đó là những tín hiệu tích cực mà thương hiệu gạo Việt làm được trong thời gian 2 - 3 năm qua.

Trong tiến trình đưa thương hiệu gạo Việt vươn ra thế giới không thể không nhắc tới gạo ST25, giống gạo đã giành giải nhất cuộc thi World’s Best Rice 2019 (Gạo ngon thế giới) và dần dần đã được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng. Từ đó, một số doanh nghiệp trong nước cũng từng bước xây dựng thương hiệu riêng gắn với giống gạo nổi tiếng này.

Đơn cử như trong tháng 6/2022, Tập đoàn Tân Long đưa sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An của mình vào thị trường Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên một thương hiệu gạo Việt xuất khẩu và phân phối thành công tại xứ sở mặt trời mọc, một trong những thị trường yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng cao nhất thế giới.

Tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Lộc Trời công bố hoàn thành việc giao 500 tấn gạo mang thương hiệu “Cơm Việt Nam Rice” đến các thị trường Đức, Hà Lan, Pháp. Riêng số gạo “Cơm Việt Nam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán trong Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu.

Việc xuất khẩu những lô hàng mang thương hiệu riêng chính là bước khởi đầu trong hành trình đưa thương hiệu gạo của tập đoàn chinh phục thị trường thế giới. Những nỗ lực đó của các doanh nghiệp Việt sẽ dần dần giúp cho gạo Việt Nam nói riêng hay nông sản Việt nói chung từng bước thoát khỏi cảnh xuất thô hay theo kiểu “ruột của ta mà vỏ của người khác”.

Thương hiệu gạo Việt vươn ra thế giới. Ảnh: Internet

Bên cạnh việc khẳng định vị thế của mình, theo các chuyên gia, điểm yếu của gạo Việt Nam so với Thái Lan, hay Ấn Độ là tính đồng nhất của thương hiệu. Hiện chúng ta chưa có nhiều sản lượng gạo với giá trên 1.000 USD/tấn vì chúng ta chưa liên kết được các doanh nghiệp lại với nhau, để tạo nên thương hiệu gạo Việt có giá trị cao. 

Cùng với đó, số doanh nghiệp Việt đưa được thương hiệu gạo của mình bày bán tại hệ thống siêu thị lớn trên thế giới chưa nhiều, trong khi những loại gạo có thương hiệu tốt có thể sẽ bán được với giá cao hơn từ 10 - 20%. Thách thức lớn nhất thời gian tới đây là làm sao để kết nối các doanh nghiệp xuất khẩu tạo nên tính đồng nhất cho thương hiệu gạo Việt.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, để giá gạo cạnh tranh tốt với các đối thủ trên thị trường gạo xuất khẩu, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng hạt gạo cũng như nâng cao chuỗi giá trị của ngành hàng này. Đó là tăng cường đầu tư công nghệ cao cho sản xuất lúa gạo, liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà kinh doanh, nhà nước) tiếp tục được chặt chẽ hơn nữa, đồng thời các hoạt động bảo vệ thương hiệu, kết nối thị trường, đàm phán các Hiệp định thương mại liên quan đến lúa gạo cần được tăng cường.

Tú Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu