08:10 ngày 03/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thủ tướng chủ trì hội nghị tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

09:15 26/09/2021

(THPL) - Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19.

Theo VietNamNet, Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ đầu cầu trụ sở Chính phủ đến 63 tỉnh thành. Tại hội nghị, các đại biểu sẽ nghe đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) báo cáo tổng hợp tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, các khó khăn vướng mắc và các đề xuất giải pháp, kiến nghị đột phá.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị

Báo cáo đầy đủ về tình hình và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp được xây dựng trên cơ sở tổng hợp ý kiến đề xuất, kiến nghị của 64 hiệp hội doanh nghiệp, hàng trăm doanh nghiệp với gần 400 trang văn bản, gần 200 kiến nghị cụ thể từ các báo cáo khảo sát và nghiên cứu của VCCI,  công cụ tiếp nhận kiến nghị doanh nghiệp qua nền tảng tương tác trực tuyến VCCI Workplace của Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó đại dịch Covid-19 của VCCI. Trong đó VCCI đưa ra những đề xuất kiến nghị về giải pháp khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới.

Đáng chú ý là VCCI đề nghị đổi tên các “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid 19” thành “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid 19 và Phục hồi kinh tế” nhằm đảm bảo truyền tải thông điệp “Cần nguồn lực để phòng chống dịch lâu dài” và “Phòng chống dịch chính là vì mục tiêu phát triển kinh tế”.

Ngoài ra, VCCI cũng đưa ra các giải pháp cấp bách và trước mắt, trong đó có các giải pháp đảm bảo duy trì sản xuất - kinh doanh an toàn, liên tục. VCCI cho rằng, với việc thay đổi chiến lược từ “Zero Covid” sang thực hiện “mục tiêu kép trong điều kiện mới”, cách tiếp cận trong các biện pháp kiểm soát dịch bệnh cũng cần được thay đổi.

VCCI cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trong trung và dài hạn…

Tại hội nghị, dự kiến Bộ Kế hoạch Đầu tư sẽ báo cáo về tình hình triển khai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua.

Báo Tuổi trẻ đưa tin, Báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho hay sau Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp ngày 8/8, bộ đã chủ trì phối hợp các bộ ngành liên quan trình Chính phủ ban hành nghị quyết số 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19.

Đánh giá về tình hình thực hiện 59 nhiệm vụ, giải pháp đã được đưa ra trong nghị quyết, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo các bộ ngành và địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai nghị quyết số 105 với tinh thần hợp tác công tư chặt chẽ để phát huy đồng bộ nguồn lực.

Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế bền vững năm 2023 để trình Chính phủ, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.

Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thực hiện hiệu quả Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cường cho vay thông qua Quỹ phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số…

Đồng thời bộ cũng kiến nghị cần sớm tháo gỡ những mâu thuẫn, tồn tại trong các luật, đảm bảo sự thống nhất, khắc phục vướng mắc, cắt bỏ thủ tục hành chính không cần thiết; sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới; hỗ trợ người lao động; xem xét giảm chi phí dịch vụ thiết yếu như điện, xăng; giảm miễn nộp phí công đoàn…

Theo “Khảo sát cảm nhận của cộng đồng kinh doanh với nghị quyết 105 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19” do VCCI thực hiện trước cuộc đối thoại, cho hay, có 92% đồng ý về quan điểm chống dịch và phát triển kinh tế nêu ra trong nghị quyết và 81% cho rằng chính sách hỗ trợ được nêu ra là kịp thời, cũng như kỳ vọng các giải pháp đưa ra sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã hiệu quả.

Tuy vậy doanh nghiệp và hợp tác xã cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ, đó là việc tiếp cận thông tin chính sách, quy định, cần có hướng dẫn thực hiện rõ ràng hơn, vận hành hiệu quả đường dây nóng và hòm thư điện tử để tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, người dân để điều chỉnh kịp thời các quy định, chính sách.

Thực hiện cải cách thủ tục hành chính vì hiện nay, quy định giãn cách có thể gây ra khó khăn cho tiếp cận khách hàng, đối tác kinh doanh. Đặc biệt với thủ tục chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến, kiểm soát giấy đi đường.

Do đó, doanh nghiệp kiến nghị trong thời kỳ có dịch, tất cả các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương cần chấp thuận các hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi online trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Cùng các kiến nghị về tiêm vắc xin cho công nhân, thực hiện các quy định phòng chống dịch phù hợp, đặc biệt khi áp dụng mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến”…

Ngoài những giải pháp chung đã nêu trong nghị quyết, Chính phủ cần xây dựng những giải pháp riêng theo đặc thù từng ngành hàng. Cần tổ chức thực hiện trao đổi ý kiến cụ thể với từng ngành thông suốt từ cấp quản lý nhà nước ngành dọc và các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu ảnh hưởng và nâng cao hiệu quả thực thi. 

Lâm Tới (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu