22:13 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thế Giới Di Động đóng cửa AVAFashion và AVAJi

Phương Linh (tổng hợp) | 13:34 18/07/2022

(THPL) - Sau hơn 6 tháng ra mắt thị trường, mới đây Thế Giới Di Động đã chính thức đóng cửa AVAFashion (thời trang) và AVAJi (trang sức).

Công ty CP Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đã chính thức ngừng hoạt động website bán hàng của thương hiệu AVAFashion kể từ ngày 29/6, đồng thời người dùng truy cập sẽ được chuyển hướng sang trang của thương hiệu đồ thể thao AVASport.

Theo Zing.vn đưa tin, lãnh đạo tập đoàn này cũng mới xác nhận công ty đang tạm đóng hai dự án liên quan đến các thương hiệu là AVAFashion và AVAJi; trong đó AVAJi chỉ tạm ngừng kinh doanh mặt hàng trang sức và vẫn bán đồng hồ.

Đại diện doanh nghiệp này thông tin việc dừng hoạt động chuỗi cửa hàng thời trang giúp doanh nghiệp tránh phân tán sự tập trung, khi đang có nhiều mảng kinh doanh lớn hơn cần quan tâm.

Chuỗi thời trang AVAFashion của Thế giới di động đã đóng cửa sau 6 tháng kinh doanh. Ảnh: Internet

Trước đó, vào tháng 1/2022, Thế Giới Di Động đồng loạt tung ra 5 chuỗi bán lẻ mới hoàn toàn, mảng thời trang, thể thao, mẹ và bé được mở cửa hàng riêng. Riêng sản phẩm xe đạp và trang sức tận dụng mặt bằng của các cửa hàng Thế Giới Di Động, Điện máy Xanh để mở, theo mô hình shop-in-shop.

Tuy nhiên, mới đây ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO hai chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh cho biết, doanh nghiệp đã quyết định đóng 5 cửa hàng kinh doanh thời trang mang thương hiệu AVAFashion sau 6 tháng. 

Trước đó, ông từng chia sẻ thời trang là một lĩnh vực phức tạp, đòi hỏi nhiều năng lực về thiết kế, quản trị sản xuất, xây dựng giá trị riêng cho thương hiệu. Theo ông, các thương hiệu thời trang lớn phải có đội ngũ sáng tạo, thiết kế riêng, giám sát quy trình sản xuất từ chọn vật liệu, đặt hàng các nhà máy may mặc. Trong khi đó, năng lực lõi của tập đoàn là bán lẻ, vận hành chuỗi cửa hàng.

"Hiện tại chúng tôi có quá nhiều việc cần tập trung nên đóng lại chuỗi thời trang. Tuy nhiên, không loại trừ trong tương lai, chúng tôi sẽ quay trở lại lĩnh vực này khi cảm thấy phù hợp", ông Hiểu Em chia sẻ. 

Báo Dân trí đưa tin, cũng theo ông Hiểu Em, tập đoàn đang có kế hoạch tăng tốc mở rộng chuỗi nhà thuốc An Khang lên 800 điểm vào cuối năm nay sau khi đã cán mốc 500 cửa hàng vào đầu tháng 7.

Thế Giới Di Động mua lại thương hiệu nhà thuốc Phúc An Khang vào năm 2017 nhưng lại đi chậm hơn các đối thủ như Long Châu của FPT Retail hay Pharmacity. Từ năm 2021 trở về trước, tập đoàn bán lẻ này dồn lực vào việc phát triển chuỗi cửa hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng. Các nhà thuốc của Thế Giới Di Động thời điểm đó cũng chủ yếu được mở bên cạnh các siêu thị Bách Hóa Xanh.

Đầu năm nay, ban lãnh đạo tập đoàn này mới quyết định tập trung phát triển lĩnh vực bán lẻ dược phẩm. Ở thời điểm cuối tháng 2, Phúc An Khang có hơn 200 nhà thuốc, còn Long Châu và Pharmacity đã lần lượt vượt mốc 500 và 800 cửa hàng. Đến hiện tại, thứ tự về quy mô trên thị trường chưa thay đổi nhưng khoảng cách được rút ngắn khi số lượng cửa hàng của 3 hệ thống nhà thuốc nói trên lần lượt là 518, 691 và 1.147.

Doanh số bình quân tại mỗi nhà thuốc đang khoảng 400-450 triệu đồng/tháng và tập đoàn này có kế hoạch thúc đẩy lên 600 triệu đồng/tháng. Nếu quy mô hệ thống mở rộng lên 800 điểm vào cuối năm, chuỗi nhà thuốc sẽ có lãi ròng ở cấp độ toàn công ty, tổng doanh thu năm nay khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em đánh giá thị trường dược phẩm ở Việt Nam có quy mô khoảng 7-8 tỷ USD. Việt Nam hiện tại có khoảng 60.000 nhà thuốc nhưng các hệ thống theo mô hình bán lẻ hiện đại chiếm chưa đến 5% nên dư địa thị trường còn rất lớn với các doanh nghiệp bán lẻ.

Phương Linh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu