12:23 ngày 28/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thấy gì từ hướng dẫn của Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh về thực hiện Luật Báo chí?

10:18 23/12/2019

(THPL) - Trong các nội dung hướng dẫn các cơ quan đơn vị trên địa bàn thực hiện quy định về việc cung cấp thông tin cho báo chí, Sở Thông tin &Truyền thông (TT&TT) Quảng Ninh đưa ra quan điểm gây tranh cãi.

"Soi" tôn chỉ mục đích...

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền văn bản số 1840/STTTT-BCXB ngày 29/11/2019, do Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh ký. Nhiều nội dung trong văn bản được ủng hộ, để phòng ngừa những trường hợp người mạo danh hoặc lợi dụng danh nghĩa báo chí tác nghiệp để trục lợi. Tuy nhiên, một số nội dung trong văn bản này đã “gây bão” dư luận, khi hướng dẫn "hơi khác" với quy định của Luật Báo chí 2016 và Nghị định 09/2017/NĐ-CP về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí.

Văn bản có điểm gây tranh cãi của Sở TT&TT Quảng Ninh (Ảnh: Internet)

Cụ thể, tại mục 6, trang 2 của văn bản nêu: “Trong trường hợp cần thiết phải xem xét Tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí có phù hợp với nội dung thông tin đề nghị đơn vị cung cấp, phối hợp hay không…. Ví dụ, các tờ có tên là Báo Giáo dục khi đề nghị cung cấp thông tin về các dự án, công trình xây dựng; Các tờ báo có tên Môi trường.... đề nghị cung cấp thông tin về công tác cán bộ, nhân sự thì đơn vị có thể từ chối cung cấp thông tin do "không phù hợp với tôn chỉ mục đích”.

Theo phân tích của luật sư Nguyễn Thanh Hoàng, thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Điều 7 và Điều 8 của Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định về “Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí”; và “Quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn”.

Căn cứ tại Nghị định 09/2017/NĐ-CP thì người đứng đầu hoặc người được ủy quyền phát ngôn của cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp là người phát ngôn phải cùng cấp thông tin cho nhà báo theo Luật Báo chí.

“Nghị định 09/2017/NĐ-CP không phân biệt là nhà báo làm ở cơ quan báo chí nào, nên việc phối hợp cung cấp thông tin cho báo chí không có căn cứ để phân biệt mức độ cung cấp thông tin cho đối tượng phóng viên, Nhà báo thuộc cơ quan báo chí nào mới được cung cấp thông tin” – luật sư Nguyễn Thanh Hoàng nêu quan điểm.

Về tôn chỉ mục đích, luật sư Nguyễn Thanh Hoàng khẳng định: “Luật Báo chí và tất cả các văn bản Luật hiện có hiệu lực thi hành thì không có quy định nào giao cho người có trách nhiệm phát ngôn thực hiện giám sát tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí trong việc Nhà báo tác nghiệp. Do đó, không có căn cứ nào lấy tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí để giới hạn việc cung cấp thông tin cho Nhà báo. Đối với cơ quan báo chí vi phạm tôn chỉ mục đích đã có cơ quan chuyên trách thực hiện giám sát theo quy định và xử phạt khi vi phạm, không phải trách nhiệm của người phát ngôn thực hiện”.

Cần tôn trọng quyền hoạt động nghề nghiệp của Nhà báo trên cơ sở pháp luật!

Xét về góc độ quyền tác nghiệp của phóng viên, Nhà báo, luật sư Lại Thị Trang thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Điểm a, điểm b, điểm c, Điều 25 của Luật Báo chí năm 2016 được Quốc hội thông qua quy định rất rõ về quyền hạn của Nhà báo. Đó là: Nhà báo có quyền hoạt động báo chí trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hoạt động báo chí ở nước ngoài theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo hộ trong hoạt động nghề nghiệp; Được khai thác, cung cấp và sử dụng thông tin trong hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật; Được đến các cơ quan, tổ chức để hoạt động nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.

Luật Báo chí hiện hành cũng quy định quyền tác nghiệp của Nhà báo không bị giới hạn bởi tôn chỉ mục đích của cơ quan báo chí. Ví dụ: Báo Giáo dục đề nghị cung cấp thông tin về các dự án, công trình xây dựng. Xét về trực diện thì việc xây dựng chẳng liên quan đến giáo dục, nhưng dưới cái nhìn của Nhà báo thì có những dấu hiệu sai phạm trong các dự án, công trình xây dựng xuất phát từ trình độ, năng lực chuyên môn của người quản lý, gây tổn hại cho Nhà nước và nhân dân. Sự yếu kém của người quản lý đó có nguồn cơn từ chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục…

Hay tờ báo Tuổi trẻ, Thanh Niên, Kinh tế phản ánh về công tác cán bộ, công tác nhân sự… Thoạt nghe thì có vẻ không liên quan, nhưng dưới sự phát hiện của Nhà báo thì việc lựa chọn nhân sự không đúng, cố tình đưa người không đủ phẩm chất, năng lực vào bộ máy Nhà nước dễ gây những thiệt hại lớn cho Nhà nước và Nhân dân. Lẽ nào xét thấy "không đúng tôn chỉ" thì tính phát hiện của nhà báo bị vô hiệu hóa, đành phải kính chuyển hay phải nhờ đăng trên báo khác... (?)"

Trong thực tế, có những trường hợp Nhà báo tác nghiệp khi phát hiện một sự kiện, hiện tượng cần được biểu dương hay phê phán, Nhà báo tác nghiệp, ghi nhận rồi sẽ liên hệ làm việc với các cơ quan liên quan để phản ánh như một kênh thông tin, giúp các cơ quan chức năng kịp thời vào cuộc. Như vậy, hoạt động báo chí của Nhà báo đâu cứ phải thông tin nào, sự kiện nào Nhà báo tìm hiểu, ghi nhận rồi cũng viết bài đăng báo?

Vì vậy, Sở TT&TT Quảng Ninh nên xem xét lại văn bản hướng dẫn này, tránh để một số cơ quan, đơn vị "vin vào" làm khó, né tránh cung cấp thông tin cho báo chí.

Điều 7 của Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định về “Quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước trong việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí” như sau: Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước có thể trực tiếp phát ngôn hoặc giao nhiệm vụ cho người phát ngôn của cơ quan hoặc ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan hành chính thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định tại điểm b, điểm c khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định này; 2. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước chịu trách nhiệm về việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của cơ quan hành chính kể cả trong trường hợp ủy quyền cho người khác phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; 3. Người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước tổ chức chỉ đạo việc chuẩn bị các thông tin và chế độ phát ngôn của cơ quan mình.

Khoản 1, khoản 2 Điều 8 của Nghị định 09/2017/NĐ-CP quy định “Quyền và trách nhiệm của người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn” như sau: 1. Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn được nhân danh đại diện cơ quan hành chính nhà nước phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; 2. Người phát ngôn, người được ủy quyền phát ngôn có quyền yêu cầu các đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ quan mình cung cấp thông tin, tập hợp thông tin để phát ngôn, cung cấp thông tin định kỳ, đột xuất cho báo chí theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của Nghị định này; để trả lời các phản ánh, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân do cơ quan báo chí chuyển đến hoặc đăng, phát trên báo chí theo quy định của pháp luật.

Theo Báo Nhân đạo

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu