13:05 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam

20:40 25/08/2022

(THPL) - Cùng với sự lên ngôi của thương mại điện tử (TMĐT) khiến các giao dịch chuyển dần sang không gian mạng, thanh toán trực tuyến cũng được đà tăng trưởng nhờ sự tiện lợi khi mua sắm trực tuyến.

Tại Việt Nam, từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19 đến nay đã có thêm hàng triệu triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới với hơn một nửa trong số đó đến từ các khu vực không phải thành phố lớn. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng người tiêu dùng số song hành với mức tăng chi tiêu số nhanh chóng và Việt Nam được kỳ vọng là thị trường có tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa thương mại điện tử ước đạt 56 tỷ USD vào năm 2026, tăng 4,5 lần so với giá trị ước tính của năm 2021.

Cùng với xu hướng tiêu dùng số là thanh toán số không tiền mặt ngày càng phổ biến hơn. Trong một thống kê được đưa ra bởi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến hết tháng 6/2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng gần 70% về số lượng và gần 28% về giá trị. Đáng chú ý, giao dịch qua mã QR tăng tương ứng gần 57% và 112% so với cùng kỳ năm 2021 và đang có xu hướng tiếp tục gia tăng.

Báo VietNamNet đưa tin, theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng do công ty VISA công bố đầu tháng 6/2022, 65% người Việt cho biết họ mang ít tiền mặt hơn trong ví; gần 76% đang sử dụng ít nhất một ví điện tử và tỷ lệ người dùng thẻ thanh toán chạm đến 82%. Cùng với sự lên ngôi của thương mại điện tử (TMĐT) giúp các giao dịch chuyển dần sang không gian mạng, thanh toán trực tuyến cũng được đà tăng trưởng nhờ sự tiện lợi khi mua sắm trực tuyến.

Theo xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng, các doanh nghiệp hiện đang điều chỉnh chiến lược kỹ thuật số của mình để đáp ứng nhu cầu của người dùng mới chuyển sang sử dụng các dịch vụ trực tuyến. Sân chơi thanh toán số vì thế cũng sôi động hơn bởi ngoài sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ, các ngân hàng thương mại hay doanh nghiệp thương mại điện tử thì còn có những gương mặt mới như đơn vị chuyển phát. Bên cạnh đó, ngoài phương thức thanh truyền thống như toán quẹt thẻ, chuyển khoản, thanh toán không tiếp xúc thì việc thanh toán qua ví điện tử hay QR Code cũng được doanh nghiệp đầu tư bài bản hơn, tạo sự đa dạng cho người tiêu dùng lựa chọn.

Thanh toán số trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam. Ảnh minh hoạ

Nổi bật ở thị trường Việt Nam, tích hợp thanh toán bằng ví điện tử ShopeePay trên ứng dụng TMĐT Shopee là một điển hình. Điều này góp phần thúc đẩy người dùng chuyển dần từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không tiền mặt; không chỉ nhận được nhiều ưu đãi khi mua hàng Shopee, mà còn dễ dàng chi trả hóa đơn và thanh toán tiện lợi trong nhiều lĩnh vực khác.

Đặc biệt trong lĩnh vực giao nhận, vận tải hàng hóa cũng đã có những “ông lớn” đi tiên phong ứng dụng mã QR để đối ưu hóa tiện tích cho người dùng.

Theo báo Công thương, cụ thể như J&T Express một doanh nghiệp chuyển phát đang tham gia “sân chơi” thanh toán số. Ông Phan Bình - Giám đốc thương hiệu J&T Express Việt Nam cho biết với hình thức thanh toán QR code, mà ở đây là QR code động trong thanh toán như một bước đi tiên phong trong ngành chuyển phát, hướng đến tối ưu hóa trải nghiệm của khách hàng. Hình thức này đã tạo điều kiện thuận lợi cho cả 3 bên: chủ shop online, khách hàng và shipper.

Tính năng thanh toán qua mã QR động cũng được nhiều doanh nghiệp giao nhận áp dụng cho tất cả dịch vụ chuyển phát tiêu chuẩn, chuyển phát nhanh, dịch vụ hỏa tốc, dịch vụ chuyển phát hàng tươi sống, dịch vụ chuyển phát quốc tế...

Thanh toán không tiền mặt đã và đang trở thành một xu hướng mạnh mẽ tại Việt Nam. Hiện cả nước có hơn 20.000 cây ATM, hơn 347.000 máy POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code. Đồng thời, ngày càng nhiều cửa hàng chấp nhận hình thức thanh toán QR Code. Hiện nay, không chỉ các siêu thị, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim… mà ngay cả những tiệm tạp hóa nhỏ ở các vùng quê cũng có mã QR để thanh toán.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu