12:38 ngày 22/03/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 / 091.33.05.882 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Công nhận tài sản số: Cơ hội đầu tư mới cho giới tài chính

15:33 09/03/2025

THPL - Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng cần sớm công nhận tài sản số nhằm mở ra kênh huy động vốn mới, tạo thêm cơ hội và mở rộng đối tượng đầu tư.

Thông tin trên Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh, tại tọa đàm "Xây dựng khung pháp lý cho tài sản số" do báo Pháp luật TP HCM tổ chức ngày 8/3, nhiều chuyên gia nhất trí rằng đây là thời điểm thích hợp để công nhận và ban hành khung pháp lý cho các loại tài sản số, bao gồm cả tài sản mã hóa (crypto asset). Theo dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số, tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain). Chủ sở hữu tài sản số có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và các quy định liên quan.

 

Ảnh minh họa về một thợ đào trên biểu trưng Bitcoin, đặt giữa các bo mạch của máy đào coin. (Ảnh: Vnexpress)

Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), dẫn số liệu từ công ty phân tích Chainalysis cho biết dòng vốn từ thị trường blockchain vào Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024 đạt trên 105 tỷ USD, tạo ra lợi nhuận gần 1,2 tỷ USD trong năm 2024. Theo cổng thanh toán Triple-A, Việt Nam hiện có hơn 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa, xếp thứ 7 thế giới. Tỷ lệ sở hữu crypto tại Việt Nam đạt khoảng 17% tổng dân số, cao hơn mức trung bình 6,5% của thế giới. Đặc biệt, trên 85% người làm nghề tự do tại Việt Nam sở hữu tài sản mã hóa, cao nhất toàn cầu; hơn 34% nhóm này chấp nhận thanh toán bằng crypto.

"Hiện nay, thị trường tài sản số vẫn nằm trong vùng xám pháp lý. Chính phủ đang tìm cách đưa nguồn lực này vào nền kinh tế chính thức để khai thác hiệu quả hơn", ông Trung nhận định.

Theo VBA, việc thí điểm sàn giao dịch tài sản số sẽ giúp minh bạch hóa dòng vốn hàng trăm tỷ USD, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số của Chính phủ. Việc này cũng giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý khi các sàn giao dịch được quản lý chặt chẽ, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, đồng thời mở ra kênh huy động vốn mới thông qua token hóa tài sản thực (RWA). Thị trường được minh bạch hóa cũng sẽ thu hút thêm nhà đầu tư truyền thống.

Hiện nay, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu các quy định quản lý tài sản số theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Theo kế hoạch, khung pháp lý này sẽ được công bố trong tháng 3. Dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số cũng dự kiến được xem xét vào tháng 5, trong đó xác định tài sản số là một loại tài sản hợp pháp.

VBA đề xuất Việt Nam có thể học hỏi mô hình quản lý từ các nước phát triển như Mỹ. Tuy nhiên, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, cũng là một hình mẫu đáng tham khảo. Chính phủ Thái Lan đang thử nghiệm phát hành token hóa trị giá 5 tỷ baht (hơn 148 triệu USD), stablecoin trị giá 10 tỷ baht (hơn 296 triệu USD) được bảo chứng bằng trái phiếu chính phủ. Bên cạnh đó, nước này cũng đang thử nghiệm giao dịch Bitcoin và stablecoin tại Phuket nhằm thúc đẩy công nghiệp blockchain và kích thích du lịch.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng khi cấp phép cho các sàn giao dịch hoạt động, cần chú trọng đến vấn đề bảo vệ nhà đầu tư. Thực tế đã có nhiều trường hợp tranh chấp hoặc bị tấn công mạng, nhưng nhà đầu tư Việt Nam gặp khó khăn trong việc đòi quyền lợi. VBA cho biết hiệp hội đã từng hỗ trợ giải quyết nhiều vụ tranh chấp, nhưng một số sàn giao dịch không hợp tác và không tôn trọng người dùng.

Phát biểu trên báo Dân trí, TS. Lê Minh Phiếu, luật sư sáng lập LMP Lawyers, đề xuất Việt Nam nên ưu tiên cấp phép cho các doanh nghiệp nội địa thành lập sàn giao dịch tài sản số. Đối với các sàn quốc tế, cần có quy định yêu cầu đặt văn phòng đại diện hoặc máy chủ tại Việt Nam, tương tự như cách quản lý các mạng xã hội xuyên biên giới.

Ông Trần Huyền Dinh, CEO công ty blockchain Alphatrue, cho biết Thái Lan yêu cầu các sàn giao dịch phải có trụ sở và ít nhất một lãnh đạo cư trú tại nước này. Một số quốc gia còn yêu cầu đại diện pháp lý của sàn phải là công dân nước sở tại.

Bà Gracy Chen, CEO sàn giao dịch Bitget, kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần ban hành quy định cụ thể về cấp phép sàn giao dịch, thuế và các biện pháp chống rửa tiền (AML), chống tài trợ khủng bố (CFT). Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát để đảm bảo các sàn tuân thủ pháp luật, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ nhà đầu tư và tạo môi trường phát triển bền vững cho thị trường tài sản số.

Tiến Minh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu