08:40 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Thanh Hoá: Cảm phục ông lão khiếm thị làm đường cho trẻ đi học

| 09:11 09/10/2017

(THPL) - Đó là câu chuyện về ông Lê Đình Thịnh (SN 1947), trú tại thôn Ngọc Thượng, xã Lương Sơn, huyện Thường Xuân. Dù bản thân bị khiếm thị nhưng trước việc các cháu nhỏ đi học vất vả vào những ngày mưa gió vì đường lầy lội, ông đã một mình tự chế xe bằng gỗ rồi đào đất đắp đường.

Ông Lê Đình Thịnh bị hỏng mắt từ nhỏ nhưng vẫn có ao ước được đi học...

Nghị lực phi thường

Cậu bé Lê Đình Thịnh có tuổi thơ cũng giống như bao đứa trẻ khác. Với đôi mắt sáng ngời, cậu thường cùng bạn bè cùng trang lứa rong chơi khắp bản làng. Năm lên 4 tuổi, cậu bé Thịnh bỗng nhiên bị đau mắt, dù bố mẹ đưa cậu đi khắp nơi chữa trị nhưng đôi mắt ngày một nặng hơn, cuối cùng là không nhìn thấy gì.

Kể từ đó, cuộc sống của Thịnh ngày cũng như đêm, chìm trong bóng tối sâu thẳm bởi cả ngày cậu chỉ ngồi bên ô cửa sổ nhà sàn nhớ bè bạn và những trò chơi tuổi thơ. Năm lên 7 tuổi, dù bố mẹ cho đi học chữ trong lớp bình dân học vụ song Thịnh không nhìn thấy mặt chữ, chỉ biết ngồi nghe thầy cô giảng bài qua lời nói. Dù rất thích nhưng cậu cũng phải bỏ dở việc học hành (vì lúc đó chưa có chữ braille dành riêng cho người khiếm thị).

Không chỉ tự lên rừng, tự chăn thả trâu, ông còn tự mình chặt tre, nứa mang về, sau đó mày mò chẻ tre, ra lạt để đan rổ, thúng rồi đem xuống chợ bán.

Tuy vậy, ở nhà Thịnh phụ giúp gia đình những công việc nhỏ, một ngày thấy cô em gái tên Nhâm lên rừng chăn trâu, lấy củi, Thịnh đã nhất định bắt em gái cho mình theo cùng. Lâu dần thành quen, con đường từ nhà vào bìa rừng gần như thuộc lòng từng đoạn đã tiếp thêm cho cậu sức mạnh để có thể đi một mình.

Ấy vậy không phải không gặp khó, nhớ lại những lần đó ông Thịnh không giấu nổi vẻ tự hào, có lần ông cầm thừng trâu, bị lạc vào rừng mãi đến khuya mới về tới nhà. Tuy bị mù đôi mắt nhưng bù lại những thính giác khác của ông lại phát triển hơn người thường, ông có thể nghe tiếng nước chảy, tiếng gió, sự nóng bỏng của mặt trời, hay sờ vào vỏ cây để nhận biết độ ẩm để rồi dựa vào đó để phán đoán hướng đi sao cho không bị lạc trong rừng.

Ông Thịnh chia sẻ, nhiều lúc nghĩ cũng rất buồn nhưng chẳng buông xuôi số phận, để mình không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu cuộc đời chỉ quanh đi quẩn trong nhà thì cũng trở nên vô dụng, nghĩ thế ông lại thêm cố gắng.

Không chỉ tự lên rừng, tự chăn thả trâu, ông còn tự mình chặt tre, nứa mang về, sau đó mày mò chẻ tre, ra lạt để đan rổ, thúng rồi đem xuống chợ bán, cho dù thu nhập không nhiều nhưng cũng giúp ông trang trải cuộc sống và tìm thấy niềm vui trong lao động. Kể cả khi ngôi nhà sàn bị hư hại do mưa gió, ông cũng tự trèo lên trên mái nhà sửa chữa lại như một người bình thường. Đến cả người mắt sáng cũng phải cảm phục về nghị lực phi thường, những tài lẻ, khả năng tự lao động kiếm sống của ông. 

Cảm phục những đức tính cần cù, chịu khó lao động của ông Thịnh, một người con gái trong làng quyết tâm vượt qua định kiến để đến với ông. Hạnh phúc nhân đôi khi 2 vợ chồng có một người con trai, rồi ngày tháng trôi đi, giờ ông đã lên chức ông nội. 

Ông quyết tâm làm đường cho trẻ đi học dù đôi mắt không còn.

Mở đường cho trẻ đi học

Cho dù đã ở tuổi 70, nhưng thấy con cháu mình và các em học sinh trong xóm đi học hàng ngày phải qua một con đường khó đi, lầy lội trong những ngày mưa ngay gần nhà mình, ông Thịnh quyết tâm làm đường cho trẻ đi học. Đầu tiên, ông tự làm chiếc xe chở đất với bánh xe bằng gỗ, do xe không có vòng bi nên ông đặt luôn cho cái xe gỗ với cái tên: xe “cút kít”.

Sau đó, ông đào đất dưới ruộng nhà mình, dùng xe “cút kít” chở đất đắp đường, không ít người chứng kiến cho ông là “bị khùng” bởi người trẻ, người sáng mắt còn không làm được huống chi là ông. Thế rồi ngày qua ngày, việc làm của ông đã hoàn thành khi hơn 100 mét đường lầy lội, khó đi lại, giờ đã thuận tiện không chỉ cho học sinh mà ngay cả cho người dân trong thôn.

Không để con đường xuống cấp, ông thường xuyên duy tu, bảo dưỡng “định kỳ” nên lúc nào cũng phẳng lỳ. Cho dù mùa hè hay mùa đông, ông vẫn không quản ngại khó khăn, vất vả với chiếc xe gỗ chở đầy đất phát ra tiếng kêu “cút kít” khiến cho người dân trong thôn Ngọc Thượng ai ai cũng cảm phục. 

Ông vẫn tham gia vào công việc hàng ngày.

Dù cuộc sống vất vả hơn nhưng ông vẫn tin vào một tương lai tươi sáng khi con cháu ông và những đứa trẻ khác đang được đến trường học tập mỗi ngày.

Đúng là trời không phụ lòng người có công, nơi thửa ruộng khó canh tác sau thời gian ông đào lấy đất đắp đường giờ thành một cái ao, nhiều năm nay không chỉ cho gia đình ông thêm nguồn thực phẩm cải thiện bữa ăn hàng ngày mà còn bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Bên cạnh việc hăng say lao động sản xuất, ông Thịnh còn có nhiều tài lẻ khi sử dụng thành thạo các nhạc cụ dân tộc như: đàn bầu, sáo, tiêu, chiêng, trống. Cứ có thời gian rảnh và có người đến học là ông lại nhiệt tình dạy bảo nên không ít người còn gọi ông với cái tên trừu mến như: “nhạc sĩ mù”; nghệ nhân làm đàn bầu, khoét ống sáo…

Ông Nguyễn Hữu Thảng - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Lương Sơn nói về ông Thịnh với sự cảm phục sâu sắc: "Ông Lê Đình Thịnh không may bị mù từ bé, hiện đang sống với con và cháu, cuộc sống còn khá khó khăn. Ông Thịnh dù là người có hoàn cảnh không may mắn nhưng lại có nghị lực vươn lên trong cuộc sống, nhất là việc làm đường giúp học sinh đi học và người dân đi lại thuận tiện". 

Hoàng Nam

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu