14:23 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Thái Nguyên: Chủ đầu tư khu đô thị Yên Bình “lách luật” rao bán, thu tiền giữ chỗ trái phép?

10:02 16/05/2022

(THPL) - Dự án Khu đô thị Yên Bình do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Yên Bình làm chủ đầu tư đã phân các lô đất làm nhà ở và chia quyền sử dụng đất qua hình thức ưu tiên khách hàng đăng ký đặt cọc thiện chí, đăng ký nguyện vọng để thu tiền giữ chỗ thông qua các văn phòng bất động sản, dù mới chỉ hoàn thành khoảng 50% hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Việc thu tiền giữ chỗ qua phiếu đăng ký nguyện vọng hoàn toàn trái ngược với các thông báo của Sở Xây dựng Thái Nguyên.

“Bán lúa non” - câu chuyện chưa bao giờ cũ

Những năm gần đây, thị trường bất động sản nóng lên rất nhiều, việc chủ đầu tư “vượt rào” rao bán “lúa non” khi dự án vẫn chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, chưa đủ điều kiện pháp lý và đáng lo ngại hơn là việc chưa giải phóng xong mặt bằng khiến khách hàng phải đối mặt với cảnh “tiền mất tật mang”. Tình trạng “bán lúa non” cũng đang có dấu hiệu diễn ra một cách “rầm rộ” tại dự án Khu đô thị Yên Bình (thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Yên Bình làm chủ đầu tư.

Theo thông tin được giới thiệu, Khu đô thị Yên Bình có diện tích tổng thể 73,6 ha bao gồm nhà ở biệt thự, liền kề, đất phân lô… với các diện tích 75m2 – 82,5m2 – 90m2 – 100m2 – 115m2 – 135m2,  140m2 – 150m2 – 187 m2. Dự án sở hữu vị trí đẹp tại Phổ Yên, khi vừa là cửa ngõ của thành phố, vừa là cửa ngõ của các khu công nghiệp.

Dự án được mong đợi khi đi vào hoạt động sẽ tạo khu đô thị mới với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng về nhu cầu nhà ở cho người dân, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp…Thế nhưng trái ngược với kỳ vọng, Chủ đầu tư dự án phải chăng đang “phớt lờ” quy định pháp luật khi phân lô đất làm nhà ở và chia quyền sử dụng đất khi chưa được phép? Việc ưu tiên những khách hàng đăng ký, đặt cọc sớm thông qua các văn phòng bất động sản với các hình thức đặt cọc thiện chí, đăng ký nguyện vọng để thu tiền giữ chỗ, …. có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật đồng thời đẩy khách hàng đối mặt với rủi ro.

Bản đăng ký nguyện vọng mua BĐS hình thành trong tương lai

Theo ghi nhận của phóng viên, từ cuối năm 2021, dù chủ đầu tư mới đang thực hiện san lấp mặt bằng tại Dự án Khu đô thị Yên Bình (xã Đồng Tiến, TX Phổ Yên, Thái Nguyên), chưa hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật nhưng các văn phòng bất động sản đã rao bán rầm rộ trên mạng xã hội cũng như tư vấn trực tiếp ngay cổng dự án và tiến hành ký “hợp đồng vay vốn”, “phiếu đăng ký nguyện vọng” để đặt tiền giữ chỗ bất động sản…Việc này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho khách hàng.

Trong vai khách hàng có nhu cầu mua sản phẩm đất phân lô dự án khu đô thị Yên Bình, phóng viên đã nhiều lần có mặt tại dự án này. Tới nay, dự án đang trong quá trình làm hạ tầng, nhiều hạng mục thi công vẫn còn ngổn ngang.  

Hoạt động tư vấn, rao bán bất động sản diễn ra tấp nập, công khai ngay tại dự án

Phóng viên cũng được “mục sở thị” khu vực giới thiệu sản phẩm ngay tại dự án và được các nhân viên môi giới tư vấn: “Bên em đang triển khai giai đoạn 1 của dự án với khoảng 200 lô, diện tích 90-125-160m2. Hiện dự án đã có giá trần giao động từ 24-31 triệu đồng/m2, tùy vị trí từng lô. Về tiến độ đóng tiền chia làm 3 đợt: đợt 1 đóng đủ 55% hợp đồng; đợt 2 ngày 1/5/2022 đóng 30% hợp đồng gốc; đợt 3, quý III/2022 đóng 15% hợp đồng gốc…”.

“Các thủ tục pháp lý bên em đầy đủ hết, chủ đầu tư đang giải phóng mặt bằng cũng sắp xong chỉ còn một vài hạng mục nữa thôi. Anh chị mua thời điểm chưa xong mặt bằng mới có lựa chọn chứ bên em mà giải phóng xong mặt bằng, làm đường xong thì không còn đâu, mà lúc đấy chênh rất cao” – nhân viên môi giới cho biết.

Rõ ràng việc tiến hành ký “hợp đồng vay vốn”, “phiếu đăng ký nguyện vọng” để thu tiền giữ chỗ là biểu hiện lách luật, những điều này hoàn toàn trái ngược với các thông báo của Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên.

Hợp đồng vay vốn, phiếu đăng ký nguyện vọng để thu tiền giữ chỗ tại KĐT Yên Bình

Dự án KĐT Yên Bình đang “vượt mặt” Sở Xây dựng Thái Nguyên?

Cụ thể, ngày 7/1/2022 Sở Xây dựng Thái Nguyên đã có văn bản về việc huy động vốn thực hiện dự án phát triển nhà ở khu Dự án Khu đô thị Yên Bình giai đoạn 1. Đến ngày 28/1/2022 Sở Xây dựng Thái Nguyên đã có văn bản về việc huy động vốn thực hiện dự án phát triển nhà ở khu Dự án Khu đô thị Yên Bình giai đoạn 2.

Trong văn bản nêu rõ, “Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Yên Bình không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn”. 

“Bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết để thực hiện dự án này chỉ được phân chia lợi nhuận bằng tiền hoặc cổ phiếu trên cơ sở tỷ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng. Trường hợp sử dụng sai mục đích hoặc chiếm dụng vốn hoặc huy động vốn vượt quá giá trị thực hiện dự án tương ứng với diện tích đất được giao, chủ đầu tư phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý theo quy định hiện hành”.

Vậy đơn vị nào cấp phép cho dự án Dự án Khu đô thị Yên Bình hợp đồng vay vốn, phiếu đăng ký nguyện vọng để khách hàng đặt tiền giữ chỗ bất động sản trong dự án của mình?  

Các hợp đồng, phiếu đăng ký được ký kết giữa khách hàng và bà Vũ Thị Thảo - Phó tổng giám đốc công ty Yên Bình

Đáng chú ý hơn, khi khách hàng xuống tiền mua quyền sử dụng đất tại dự án sẽ phải gánh khoản tiền chênh lên đến cả vài trăm triệu không được ghi trong hợp đồng. Theo đó, khi vào tiền đợt 1, các sàn giao dịch sẽ thu phí 55% của hợp đồng kèm theo khoản tiền chênh không đưa vào hợp đồng. 

Được biết, khoản tiền chênh lệch này là doanh thu, thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, cá nhân bắt buộc phải khai báo để nộp thuế đầy đủ chuyển nhượng bất động sản. Vậy, số tiền hàng tỷ đồng chênh lệch giữa hợp đồng và thực tế không có trong hóa đơn sẽ nghiễm nhiên không có căn cứ để tính thuế.

Tình trạng “lách luật”, “bán một đằng, ghi một kiểu” sẽ giúp chủ đầu tư thu lợi bất chính số tiền chênh rất lớn, đây có thể được xem là hành vi gian lận, trốn thuế, khiến thất thu tiền thuế nhà nước.

Bên cạnh đó, việc này cũng vô tình đã tạo ra nhiều nguy cơ và hệ lụy khó lường cho khách hàng, bởi nếu dự án xảy ra tranh chấp, nếu khách hàng muốn lấy lại tiền thì sẽ chỉ nhận được khoản tiền ghi trên hợp đồng, số tiền chênh ngoài sẽ không có đủ căn cứ pháp lý để đòi chủ đầu tư và khách hàng sẽ là những người phải chịu thiệt thòi.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về nội dung này.

Nhóm PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu