11:08 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Tăng trưởng xuất khẩu trong tháng đầu tiên Hiệp định EVFTA có hiệu lực

08:05 08/09/2020

(THPL) - Theo tổng kết của Bộ Công Thương, trong tháng đầu tiên (từ 01/8 đến hết 31/8/2020) khi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực, các tổ chức được ủy quyền đã cấp trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1, với kim ngạch 277 triệu USD xuất khẩu sang 28 nước thuộc Liên minh châu Âu.

Dù bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu tiếp tục khó khăn, Hiệp định EVFTA vẫn tạo ra động lực lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, vali, rau quả, sản phẩm mây, tre. Thị trường nhập khẩu chủ yếu là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp. 

Trị giá xuất khẩu tăng 6,5% sau một tháng EVFTA có hiệu lực

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam có lợi thế về sản xuất, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, trong khi EU lại có nhu cầu lớn các mặt hàng này, với giá trị nhập khẩu chiếm 8,4% tổng giá trị nhập khẩu hằng năm. Điều đó cho thấy dư địa tăng trưởng xuất khẩu vào EU là rất lớn.

Có thể đưa ra một số ví dụ về kết quả cụ thể mới đây như: Công ty Trung An đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên với sản lượng 3.000 tấn gạo cho đối tác ở Đức, được hưởng thuế suất 0%. Theo đó, gạo ST20 được bán với giá trên 1.000 USD/tấn và gạo Jasmine có giá trên 600 USD/tấn, cao hơn khoảng 200 USD/tấn so với trước đó.

Trong nửa đầu tháng 8, xuất khẩu sản phẩm tôm sang châu Âu đạt 29,4 triệu USD, tăng mạnh trở lại với 26% so với cùng kỳ năm 2019; dự tính cả tháng 8/2020 có thể tăng khoảng 20% so với cùng kỳ nhờ những ưu thế nhờ  EVFTA. Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng đưa ra dự báo xuất khẩu sản phẩm tôm sẽ tiếp tục tăng. Lợi thế về thuế của tôm Việt Nam trong EVFTA là yếu tố quan trọng để các nhà nhập khẩu của EU tìm tới Việt Nam.  

Những con số về tình hình xuất khẩu hàng hóa trong tháng 8 cũng cho thấy những tín hiệu tích cực từ EVFTA đối với kinh tế Việt Nam. dù trong bối cạnh dịch COVID-19 tác động tiêu cực lớn nhưng chỉ tính riêng trong tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu tăng 6,5% so với tháng 7/2020 và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 26,5 tỉ USD. Đây là mức cao nhất tính theo tháng trong năm 2020 đến thời điểm này.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng như các cơ quan quản lý xuất nhập khẩu vẫn liên tục đưa ra khuyến cáo, để chinh phục thị trường EU, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến các hàng rào kỹ thuật, xuất xứ hàng hóa. Cam kết trong EVFTA  yêu cầu rất chặt về môi trường liên quan đến đánh bắt hải sản, về chuỗi cung ứng vật tư, con giống trong trồng thủy sản. Trước mắt Việt Nam phải cấp bách gỡ thẻ vàng trong khai thác thủy sản. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phổ biến, tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ, nghiên cứu, hiện đại hóa công tác cấp C/O, áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ. Đồng thời, cơ quan này phối hợp chặt chẽ với phía EU để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực thi EVFTA. 

Chủ động nắm vững các cam kết trong EVFTA là một trong những điểm quan trọng. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cần ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh; chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân, hộ sản xuất. Chú trọng vào các mặt hàng vốn là thế mạnh. Không thể nhanh chóng nắm bắt cơ hội trong EVFTA nếu doanh nghiệp thiếu sự chủ động, không tìm hiểu thông tin về thị trường, về nhu cầu tiêu dùng ở các nước.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu