23:35 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Sản phẩm thứ hai của Cao Bằng được cấp chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý

Minh Anh (tổng hợp) | 17:51 17/05/2019

(THPL) - Ngày 17/5, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng tổ chức lễ công bố văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cây trúc sào và chiếu trúc sào Cao Bằng.

Theo TTXVN, tỉnh Cao Bằng có trên 3.500 héc ta trúc sào, mỗi năm khai thác trên 150 héc ta. Cây trúc sào được trồng tại các huyện Nguyên Bình, Bảo Lạc, Bảo Lâm, Thông Nông, Hào An.  Đặc điểm của cây trúc sào là thân thẳng, to, tròn đều, mắt ít nối; vỏ thân có màu từ vàng tranh đến xanh thẫm…

Có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây trúc sào, trong đó có chiếu trúc sào. Chiếu trúc sào có đặc điểm nan chiếu đều, mảnh, dài và còn nguyên chất, không bị mối mọt, tỉ lệ nan chiếu bị khuyết tật nhỏ hơn 0,5%. Mặt trên của chiếu có màu vàng nhạt, bóng; không có mùi mốc, mùi lạ… 

Phát biểu tại lễ công bố, ông Lưu Đức Thanh - Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chỉ dẫn địa lý cây trúc sào và sản phẩm chiếu trúc sào Cao Bằng được bảo hộ sẽ khẳng định vị thế và giá trị của trúc sào, chiếu trúc sào trên thị trường Việt Nam và thế giới; là bước khởi đầu cho sự phát triển sản xuất, thương mại sản phẩm gắn với lợi thế vùng miền, địa phương. 

Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cần quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm trúc sào, chiếu trúc sào trên cơ sở định hướng tổng thể phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đồng thời, tỉnh cần có những hỗ trợ về chính sách, nguồn lực để doanh nghiệp, người dân đầu tư, áp dụng khoa học kĩ thuật vào sản xuất; các giải pháp giới thiệu, quảng bá sản phẩm… 

Cây trúc sào và chiếu trúc sào là sản phẩm thứ hai của tỉnh Cao Bằng sau hạt dẻ (Trùng Khánh) được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng kí chỉ dẫn địa lý.

Theo báo Chính Phủ, trúc sào và chiếu trúc sào Cao Bằng là sản phẩm có uy tín và nổi tiếng, được người tiêu dùng biết đến với chất lượng đặc thù. Trúc sào Cao Bằng thân thẳng, tròn đều, vòng thân không nổi rõ, vòng mo là một đường gờ. Vỏ thân có màu từ vàng chanh đến xanh thẫm.

Chiếu trúc sào là sản phẩm được sản xuất từ 100% cây trúc sào Cao Bằng tự nhiên. Chiếu trúc sào Cao Bằng nan đều, mảnh, dài và còn nguyên cật. Chiếu được dệt trên dây truyền công nghệ hiện đại nên thanh chiếu thẳng, nhỏ và dẹt, không thô ráp, hình thức đẹp, nhẹ hơn so với chiếu trúc mặt vuông. Chiếu không bị mối mọt, không có mùi mốc, mùi lạ. Mặt trên của chiếu màu vàng nâu nhạt, bóng. Mặt dưới của chiếu màu trắng đến hơi vàng. Sản phẩm chiếu trúc được dệt bằng chỉ may loại D3-250, sáu sợi một đường, sợi chỉ màu nâu vàng và được dệt cách đều 5cm. Viền nilon màu vàng nhạt có chiều rộng 40mm ± 3 tại 4 góc chiếu được cắt vê tròn.

Trúc sào và chiếu trúc sào Cao Bằng là sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và người tiêu dùng ưa chuộng nhờ có đặc tính khác biệt. Để có đặc tính khác biệt đó là do khu vực địa lý có sự phân bố nhiệt, lượng mưa, giờ nắng, tốc độ gió trong năm ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng của trúc sào Cao Bằng và đặc biệt là kỹ thuật trồng, chăm sóc của đồng bào dân tộc.

Khu vực địa lý được bảo hộ gồm: xã Bắc Hợp, xã Ca Thành, xã Hoa Thám, xã Hưng Đạo, xã Lang Môn, xã Mai Long, xã Minh Tâm, xã Minh Thanh, xã Phan Thanh, xã Quang Thành, xã Tam Kim, xã Thái Học, xã Thành Công, xã Thể Dục, xã Triệu Nguyên, xã Vũ Nông, xã Yên Lạc, thị trấn Nguyên Bình, thị trấn Tĩnh Túc thuộc huyện Nguyên Bình; xã Cô Ba, xã Đình Phùng, xã Hồng An, xã Hồng Trị, xã Hưng Đạo, xã Hưng Thịnh, xã Huy Giáp, xã Khánh Xuân, xã Kim Cúc, xã Phan Thanh, xã Sơn Lập, xã Sơn Lộ, xã Thượng Hà, xã Xuân Trường thuộc huyện Bảo Lạc; xã Vĩnh Phong, xã Vĩnh Quang, xã Thái Sơn, xã Thái Học, xã Yên Thổ, xã Mông Ân thuộc huyện Bảo Lâm; xã Cần Nông, xã Bình Lãng, xã Thanh Long, xã Lương Can, xã Yên Sơn, xã Đa Thông, xã Lương Thông, xã Cần Yên, xã Vị Quang, xã Ngọc Động thuộc huyện Thông Nông; xã Bạch Đằng, xã Bình Dương, xã Bình Long, xã Công Trừng, xã Đại Tiến, xã Dân Chủ, xã Đức Long, xã Đức Xuân, xã Hà Trì, xã Hoàng Tung, xã Hồng Việt, xã Lê Chung, xã Nam Tuấn, xã Ngũ Lão, xã Nguyễn Huệ, xã Quang Trung, xã Trương Lương thuộc huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng.

Minh Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu