20:32 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Quảng Ninh và bài toán đưa kinh tế biển trở thành động lực phát triển, thu hút đầu tư

Lê Quân | 13:39 30/04/2024

(THPL) - Thực hiện các chính sách, giải pháp phát triển kinh tế biển bền vững sẽ tạo điều kiện đưa Quảng Ninh trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, góp phần kết nối kinh tế biển của đất nước với khu vực và thế giới.

Quảng Ninh - Địa phương có nhiều lợi thế phát triển kinh tế biển

Là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng - vùng trung du miền núi phía Bắc, kinh tế biển của tỉnh Quảng Ninh luôn đóng vai trò quan trọng, là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói chung, phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Ninh nói riêng. Đây là động lực tăng trưởng có đóng góp không nhỏ vào những thành tựu kinh tế - xã hội của tỉnh.

Quảng Ninh là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế biển, với di sản kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long và nhiều danh lam, thắng cảnh nổi tiếng khác, thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế. Du lịch biển, đảo của tỉnh Quảng Ninh đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng hoàn thiện, có sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Theo thống kê, trong tổng số du khách đến tỉnh Quảng Ninh có khoảng 70% khách tham gia các tour tuyến biển, đảo. Đến nay, riêng khu vực ven biển đã có gần 1.200 cơ sở lưu trú cung ứng trên 19 nghìn buồng phòng với nhiều khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, hệ thống shophouse, căn hộ condotel, khu resort nghỉ dưỡng cao cấp…

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều lợi thế để phát triển loại hình du lịch tàu biển. Nhiều tàu biển du lịch quốc tế nổi tiếng thế giới, như: Superstar Cemini, Costa Victoria, Europa2, Azamara… đã đưa từ 500 - 3.000 khách/chuyến đến với tỉnh Quảng Ninh. Hiện tỉnh Quảng Ninh đang mở rộng phát triển và hình thành các sản phẩm du lịch mới ra các tuyến đảo như Vân Đồn, Cô Tô, vịnh Bái Tử Long, Cái Chiên. Trong đó, tỉnh ưu tiên xây dựng phát triển các sản phẩm du lịch và dịch vụ biển cao cấp, độc đáo, chất lượng cao có uy tín trên thị trường trong và ngoài nước.

Quảng Ninh nỗ lực đưa kinh tế biển trở thành động lực phát triển, thu hút đầu tư. 

Ngoài ra, tỉnh Quảng Ninh cũng triển khai hiệu quả phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển, bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng công tác bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu.

Kinh tế biển trở thành động lực phát triển, thu hút đầu tư 

Từ năm 2020 đến nay, thông qua mở rộng cơ chế thông thoáng và tạo điều kiện tối đa để thu hút các nhà đầu tư cho hạ tầng cảng biển, tỉnh luôn thể hiện rõ quan điểm đồng hành cùng các nhà đầu tư trọn vòng đời dự án qua việc tập trung tháo gỡ bất cập, thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, nhất là các loại hình dịch vụ đại lý hàng hải, cung ứng thiết bị tàu biển, cho thuê bến bãi… Tỉnh cũng triển khai các chính sách hỗ trợ bền vững, lâu dài cho chủ tàu, chủ hàng, chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ khi lựa chọn khu vực cảng biển Quảng Ninh. Đồng thời tạo điều kiện hỗ trợ chủ cảng, bến tìm kiếm đối tác là các hãng tàu, chủ hàng, công ty kinh doanh logistics. Tỉnh xây dựng cơ chế giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ cảng biển và khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành nghề tham gia hiệp hội để hỗ trợ, giúp nhau phát triển, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn hàng bằng lợi thế cạnh tranh...

Bằng sự cầu thị và tinh thần hợp tác cùng phát triển, từ năm 2020 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách cho 10 dự án hạ tầng, dịch vụ cảng biển, tổng vốn gần 65.000 tỷ đồng, như Cảng Vạn Ninh, dự án điện khí LNG, Bến cảng cao cấp Ao Tiên… Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cảng hàng lỏng Yên Hưng, tổng mức đầu tư gần 800 tỷ đồng; bến cảng đa năng đảo Hòn Miều, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng; bến cảng sông Chanh 3 với 6 bến cảng tiếp nhận tàu tải trọng đến 50.000 DWT, tổng công suất thông qua 12 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng mức đầu tư khoảng 7.700 tỷ đồng...

Với hạ tầng đang và sắp có, Quảng Ninh có đầy đủ điều kiện lý tưởng của một trung tâm logistics và tâm điểm của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là điểm kết nối quan trọng trong hoạt động vận tải và lưu thông hàng hoá với các vùng lân cận. Đây là những điều kiện hàng đầu để khai thác và phát triển dịch vụ hàng hải, trung chuyển hàng hoá từ các cảng Quảng Ninh tới các cửa khẩu, KKT, KCN trên toàn miền Bắc. Kinh tế biển của Quảng Ninh có ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các địa phương khác trong khu vực; phù hợp với xu thế phát triển của vận tải hàng hoá đang được ưa chuộng trên thế giới, đó là đường biển, để có hiệu quả kinh doanh cao nhất.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực, ông Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Cơ hội mới của cảng biển Quảng Ninh đã bắt đầu, tuy nhiên để nắm bắt tốt cơ hội này không dễ dàng, bởi sức cạnh tranh của cảng biển Quảng Ninh còn yếu với khá nhiều lý do. Đó là đầu tư vào kết cấu hạ tầng cảng biển cần nguồn vốn lớn, trong khi nguồn hàng xuất, nhập chưa ổn định, vì thế nhiều dự án triển khai chậm, nhà đầu tư chưa thực sự mặn mà; hoạt động dịch vụ cảng biển và logistics còn gặp khó khăn, ảnh hưởng bởi chính sách xuất, nhập khẩu; nguồn hàng, chân hàng tại các KCN, vùng sản xuất cung cấp cho các hãng tàu, chủ tàu còn thiếu và chưa ổn định; giải pháp liên kết, tiêu thụ, giao nhận, vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh thông qua cảng biển Quảng Ninh chưa có nhiều đổi mới.

Để phát triển cảng biển, logistics là yếu tố cực kỳ quan trọng, quyết định đến năng lực cạnh tranh của các cảng. Song tại Quảng Ninh, logistics mới chỉ dừng lại ở việc làm đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt hỗ trợ, cung ứng một số dịch vụ đơn giản. Trong khi các dịch vụ đòi hỏi công nghệ cao, như sửa chữa, bảo dưỡng tàu, lặn ngầm khảo sát thân vỏ và siêu âm kiểm tra hàng hóa, thay vì phải mở khóa niêm phong container đều phải nhờ vào dịch vụ từ Hải Phòng. Các đơn vị khai thác quản lý cảng chưa thực sự quan tâm đến hệ thống luồng lạch, nâng cấp, cải tạo cảng bến...

Để khắc phục những hạn chế trên, đồng thời tiếp tục nâng cao năng lực toàn diện của hệ thống cảng biển, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế…, Quảng Ninh đang tập trung rà soát, hiện thực hóa các quy hoạch và có định hướng dài hơi cho phát triển. Trong đó chú trọng đầu tư hạ tầng du lịch; khai thác đồng bộ, hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển quốc tế, cảng chuyên dùng, gắn với các dịch vụ hỗ trợ; phát triển đội tàu vận tải biển với cơ cấu hợp lý, ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu thị trường vận tải, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng nhằm từng bước gia tăng, chiếm lĩnh thị phần quốc tế… Điều này sẽ góp phần phát huy lợi thế của cảng biển Quảng Ninh, hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược, tham gia vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh và đất nước, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia “mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn”.

Phát triển kinh tế biển là một nhiệm vụ trọng tâm

Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, tỉnh Quảng Ninh cần tiếp tục xác định phát triển kinh tế biển là một trong những nhiệm vụ trọng tâm như với những định hướng, giải pháp đã được đề ra trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Thứ nhất, phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Đồng thời, xây dựng tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển, đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.

Thứ hai, phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao hiệu quả và bền vững để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển; quy hoạch không gian ven biển, ven bờ cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở tỉnh Quảng Ninh. Tiếp tục ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm lợi ích kép trong phát triển; chuyển dần sang phát triển mạnh năng lượng tái tạo; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển; phân bổ không gian biển, vùng ven biển và đảo cho các ngành, lĩnh vực theo nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích và giảm xung đột không gian trong khai thác, sử dụng cùng một vùng ven biển, đảo và biển, giữa các tập thể và cá nhân.

Thứ ba, phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo; đồng thời giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển đặc trưng Quảng Ninh để phát triển du lịch bền vững.

Lê Quân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu