15:39 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Những sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật năm 2021

13:25 29/12/2021

(THPL) - Đại hội Đảng lần thứ XIII; Quốc hội thông qua kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế; Việt Nam đối mặt làn sóng COVID-19 lần thứ tư; Nghị quyết chưa có tiền lệ về phòng dịch; chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử; xuất nhập khẩu lập kỷ lục 600 tỷ USD… là những sự kiện nổi bật năm 2021.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Diễn ra hồi cuối tháng 1, Đại hội XIII đã bầu một lần đủ 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương; trong đó 60% tái cử và 40% tham gia lần đầu.

10 trường hợp "đặc biệt" được giới thiệu và đều trúng cử vào Trung ương khóa mới, trong đó ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục được bầu giữ chức Tổng Bí thư với số phiếu tập trung rất cao. 

Gần nửa năm sau, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát phức tạp, Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Đây là cuộc bầu cử lớn nhất từ trước đến nay với tỷ lệ cử tri đi bầu 99,6% (gần 70 triệu người).

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, với 499 đại biểu đã bầu tân Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; bầu và phê chuẩn 27 thành viên Chính phủ, do Thủ tướng Phạm Minh Chính đứng đầu. Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, 45 tuổi, là thành viên trẻ nhất. Chính phủ khóa này có hai thành viên nữ, gồm Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ nhất. Ảnh: Internet

Các chức danh lãnh đạo Quốc hội khóa XV gồm Chủ tịch, 4 Phó chủ tịch và 13 Ủy viên Thường vụ. Trong đó, ông Vương Đình Huệ là Chủ tịch Quốc hội thứ 12 của Việt Nam kể từ năm 1946.

Quốc hội thông qua kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế

Theo TTXVN đưa tin, chiều 29/10, tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV, sau khi nghe báo cáo dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), các đại biểu thảo luận tại tổ về vấn đề này. 

Ngày 12/11, Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết chỉ rõ cần hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực; nâng cao tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước có những cơ hội, thuận lợi đan xen với thách thức, khó khăn, đặc biệt dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, Chính phủ xác định Kế hoạch này cần được thực hiện quyết liệt nhằm đẩy nhanh quá trình phục hồi của nền kinh tế và tạo đà bứt phá cho giai đoạn tới.

Ban hành Nghị quyết chưa có tiền lệ về phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 28/7, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15; trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và tổ chức thực hiện một số biện pháp chưa được quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Chính phủ ban hành nhiều quyết sách, đặc biệt Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 được coi là mở đường, tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động các biện pháp chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, tính đến đầu tháng 12/2021, các ngành đã miễn, giảm, giãn khoảng 140 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí cho doanh nghiệp; xuất cấp hơn 253 nghìn tấn gạo hỗ trợ người dân; giải ngân 1.754 tỷ đồng hỗ trợ trả lương cho người lao động; miễn, giảm lãi, phí khoảng 31 nghìn tỷ đồng cho khách hàng của các tổ chức tín dụng…

Các ngành đã miễn, giảm, giãn khoảng 140 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa

15 năm Việt Nam gia nhập WTO và khẳng định vị thế hội nhập

Ngày 7/11/2021 đánh dấu 15 năm Việt Nam được kết nạp là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO (7/11/2006-7/11/2021). Theo WTO, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá. Nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD thì đến năm 2021 đã lên tới trên 667 tỷ USD, tăng gấp hơn 7 lần. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, cán cân thương mại luôn đạt thặng dư với mức xuất siêu tăng dần qua các năm; trong đó năm 2020 ghi nhận xuất siêu kỷ lục trên 19 tỷ USD.

Năm 2021, mặc dù khó khăn của đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam vẫn xuất siêu khoảng 3 tỷ USD. Cùng với WTO, 17 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực và đang đàm phán đã đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP.

Thăng hạng "quyền lực mềm toàn cầu"

Ngày 25/2, tại "Hội nghị thượng đỉnh 2021 về quyền lực mềm toàn cầu" do Brand Finance - công ty tư vấn chiến lược và định giá thương hiệu độc lập hàng đầu thế giới tổ chức nhằm công bố Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.

Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu (Brand Finance Global Soft Power Index Report) năm 2021, vị trí của Việt Nam được cải thiện, tăng 2,5 điểm, thay đổi từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng. Đánh giá của Brand Finance cho thấy, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu.

Lọt "top" 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021 do nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới Agility công bố, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu bảng Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021. Trong những năm gần đây, năng lực sản xuất, trình độ công nghệ cao của Việt Nam đã tăng đáng kể, giúp thu hút đầu tư từ các nhà sản xuất nâng cao chuỗi giá trị.

Trong bối cảnh ngành logistics thế giới trải qua một năm đầy thử thách và biến động, việc Việt Nam lọt top 10 thị trường logistics mới nổi toàn cầu đã mở ra những cơ hội đầy triển vọng thu hút đầu tư nhằm đạt mục tiêu Chính phủ đề ra phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt từ 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt từ 15-20%.

Khai thác thương mại tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của cả nước

Ngày 6/11, Bộ Giao thông vận tải và UBND thành phố Hà Nội chính thức ký bàn giao dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông để đưa vào vận hành khai thác. Là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Thủ đô và của cả nước, phương thức vận tải khách công cộng khối lượng lớn này hứa hẹn sẽ góp phần giảm tắc nghẽn giao thông tại Hà Nội. Tuyến đường có tổng chiều dài 13,05 km, toàn bộ đi trên cao với 12 ga (điểm đầu là ga Cát Linh, điểm cuối là ga Yên Nghĩa) và 13 đoàn tàu. Dự án sử dụng vốn vay ODA của Trung Quốc với tổng mức vốn đầu tư là 18.000 tỷ đồng, tăng thêm 57% so với dự toán ban đầu. Dự án đã trải qua 10 năm thi công với nhiều lần lỡ hẹn hoàn thành.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Internet

Những kỷ lục chưa từng có trên thị trường chứng khoán 

Năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam đã lập những kỷ lục chưa từng có trong lịch sử về điểm số, thanh khoản và số tài khoản mở mới. VN-Index đạt mức cao nhất 1.500,8 điểm trong lịch sử giao dịch vào phiên 25/11, tăng gần 36% so với cuối năm 2020. Thanh khoản thường xuyên đã đạt mức hàng tỷ USD, đặc biệt lập kỷ lục ngày 23/12 với gần 53 nghìn tỷ đồng, tương ứng gần 2,3 tỷ USD.

Riêng trong 11 tháng, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 1,3 triệu tài khoản chứng khoán, cao hơn tổng lượng tài khoản mở mới của 4 năm trước đó cộng lại. Nhà đầu tư trong nước chính là nhân tố quyết định xác lập các kỷ lục lịch sử của thị trường chứng khoán trong năm.

Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư

Làn sóng dịch thứ 4 bắt đầu ngày 27/4, khi Việt Nam ghi nhận ca dương tính COVID-19 là nam lễ tân khách sạn tại Yên Bái. Giai đoạn đầu, dịch bùng mạnh ở Bắc Giang, Bắc Ninh, tấn công chủ yếu các khu công nghiệp rồi nhanh chóng lan rộng nhiều tỉnh thành, trở thành đợt dịch khốc liệt nhất kể từ khi COVID-19 xâm nhập.

Lực lượng y tế điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Internet

Nếu ba đợt dịch trước, cả nước ghi nhận chưa tới 3.000 ca, 35 trường hợp tử vong, thì đợt dịch thứ 4, Việt Nam ghi nhận khoảng 1,5 triệu ca nhiễm, 30.000 người tử vong (tính đến ngày 23/12). Số mắc mới hàng ngày có lúc lên hơn 16.000, gấp 5 lần tổng cộng ba đợt dịch trước.

Chủng Delta chiếm ưu thế trong đợt dịch thứ 4, nguy hiểm hơn các chủng trước, thời gian ủ bệnh ngắn, phát tán nhanh, khiến bệnh nhân tăng theo cấp số nhân. TP.HCM ghi nhận ca nhiễm muộn hơn, khoảng cuối tháng 5, nhưng số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh. Các ổ dịch cộng đồng liên tục xuất hiện do dịch đã "thấm sâu" nhiều chu kỳ. Hơn 70% số ca tử vong cả nước tập trung ở đây. 

Bất chấp dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế 

Làn sóng thứ 4 của dịch COVID-19 khiến kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề khi nhiều tỉnh, thành phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài trên diện rộng. Nhiều doanh nghiệp đối mặt với khó khăn, phá sản khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Trong bối cảnh đó, Việt Nam vẫn đạt và vượt một số chỉ tiêu kinh tế với GDP tăng trên 2%; xuất nhập khẩu vượt mốc 660 tỷ USD, tăng 22,4%, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; xuất siêu khoảng 3 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 29 tỷ USD, tăng hơn 0,5 tỷ USD so với năm 2020… Đây là kết quả nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế trong triển khai những quyết sách quan trọng thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất lịch sử

Theo báo VnExpress, ngày 8/3, sau hơn một năm dịch bệnh xâm nhập, Việt Nam triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19, với mục tiêu phủ hai mũi vaccine cho 70% người dân trên 18 tuổi trong năm 2021, tương đương khoảng 50 triệu người. Việt Nam từng thành công với chiến dịch tiêm 23 triệu liều vaccine sởi - rubella cho trẻ em. Song, lần này quy mô và tốc độ rất khác biệt.

Đến 23/12, cả nước đã tiêm được tổng cộng 143 triệu liều vaccine COVID-19. Ảnh: TTXVN

Mạng lưới tiêm chủng được hình thành với 15.000 điểm tiêm; hàng triệu nhân viên y tế ở các khu vực công, tư, sinh viên ngành y... được huấn luyện để tiêm chủng. Ngày cao điểm cả nước tiêm được 2 triệu liều.

Chiến lược ngoại giao vaccine đã mang về cho Việt Nam 211 triệu liều, đóng góp vào thành công của chiến dịch tiêm chủng. "Từ nước tiếp cận vaccine COVID-19 chậm, Việt Nam trở thành quốc gia tiêm chủng nhanh hàng đầu thế giới", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói tại Hội nghị ngoại giao giữa tháng 12.

Đến 23/12, cả nước đã tiêm được tổng cộng 143 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó mũi một là 76,6 triệu, mũi hai là 64,8 triệu. Chứng nhận tiêm chủng COVID-19 được cập nhật trên ứng dụng điện thoại như một loại giấy thông hành để người dân tham gia các hoạt động xã hội.

Tiêm chủng là một trụ cột trong chiến lược "thích ứng an toàn", được cụ thể hoá bằng công thức "5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức người dân".

Người lao động di cư khỏi thành phố

Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm các địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai... nhiều năm nay là nơi lập nghiệp, mưu sinh của hàng triệu người dân khắp cả nước. Tuy nhiên, khi đợt dịch thứ tư bùng phát mạnh ở các đô thị này, chính quyền thực hiện giãn cách xã hội suốt 4 tháng liền đã ảnh hưởng phần lớn người dân. Nhiều tháng phải ở nhà, không có thu nhập, cả triệu người quyết định "hồi hương" vì "không còn khả năng trụ lại". Trong đó, nhiều gia đình vượt cả nghìn km bằng xe máy, hoặc đi bộ để về quê.

Khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9. Ảnh: Internet

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, khoảng 1,3 triệu lao động đã về quê tránh dịch, tính từ tháng 7 đến 15/9. Trong đó, khoảng 324.000 người trở về từ Hà Nội, 292.000 người về từ TP HCM và 450.000 người trở về từ các tỉnh, thành khác phía Nam. Những con số này chưa tính dòng người về quê từ đầu tháng 10, khi TP HCM và các tỉnh phía Nam nới lỏng giãn cách. Đây chính là cao điểm của làn sóng hồi hương, chỉ trong vài ngày, hàng trăm nghìn người lũ lượt rời các đô thị lớn bằng xe máy để về quê, nhiều nhất là các tỉnh miền Tây.

Làn sóng hồi hương hiếm có trong lịch sử đã đặt ra nhiều bài toán lớn cho các nhà quản lý, nhất là bài toán an sinh xã hội và phân bố lao động. Ngoài bảo đảm việc làm, các đô thị lớn, nhiều khu công nghiệp cần có chiến lược bài bản chăm lo đời sống, đào tạo nghề, nơi lưu trú... để giữ chân lao động.

22 triệu học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường

Ngành giáo dục đã trải qua một năm bị COVID-19 "đảo lộn và tàn phá". Phần lớn trong số 22 triệu học sinh, sinh viên chỉ đến trường khoảng hai tháng, nghỉ hè 3 tháng và học online 7 tháng còn lại.

COVID-19 thay đổi hoàn toàn cách thức dạy và học. Trẻ em từ chỗ bị cấm hoặc hạn chế dùng thiết bị điện tử nay phải sử dụng nhiều giờ mỗi ngày. Mọi nội dung giảng dạy, từ tập viết cho lớp 1 đến thực hành của sinh viên đều tiến hành online, qua livestream, video mô phỏng. Khối trẻ mầm non chịu nhiều thiệt thòi nhất.

COVID-19 thay đổi hoàn toàn cách thức dạy và học. Ảnh: Internet

Hoạt động thi cử, tuyển sinh phải điều chỉnh cả cách thức lẫn tiêu chí. Các đợt đánh giá định kỳ, thậm chí tuyển sinh lớp 6, lớp 10 ở nhiều tỉnh thành diễn ra trực tuyến. Ở quy mô toàn quốc, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức thành hai đợt. Dù thế, vẫn có hơn 15.000 thí sinh không thể dự thi và lần đầu tiên Bộ cho phép xét đặc cách tốt nghiệp.

Đại dịch trở thành cuộc sát hạch năng lực ngành giáo dục, làm bộc lộ bất cập cả về cơ sở hạ tầng, công nghệ lẫn chất lượng nhân sự. Gần 1,9 triệu học sinh thiếu thiết bị tối thiểu để học online; hàng triệu em khác học trong điều kiện nghẽn mạng, trục trặc phần mềm. Nhiều giáo viên hạn chế về trình độ, kỹ năng làm chủ công nghệ... Tất cả những nguyên nhân này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dạy và học. 

Nhưng COVID-19 cũng là cơ hội để ngành giáo dục đổi mới. Xa hơn, Bộ Giáo dục & Đào tạo tính đến việc chuyển đổi số, xây dựng nền tảng học trực tuyến tầm quốc gia với kho học liệu lớn. 

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu