19:20 ngày 28/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Những nghệ nhân giữ gìn bản sắc Việt trong gánh tò he

12:24 08/03/2023

(THPL) - Hơn nửa đời người giữ "hồn" của nghề tò he truyền thống, cha là nghệ nhân, con là nghệ nhân nhân dân, đó là thành quả của ông Nguyễn Văn Đĩnh và anh Nguyễn Văn Thành có được trong suốt quá trình gắn bó, duy trì và phát triển nghề truyền thống của làng Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Để làm được điều này, họ đã không ngừng miệt mài lao động, sáng tạo ra những con tò he với nhiều màu sắc bắt mắt và đầy đủ kiểu dáng.

Về làng Xuân La, tận mắt chứng kiến những cụ già tuổi đã ngoài 80, rồi cả thanh niên và nhiều em bé còn chưa đến tuổi vào lớp 1 đang say sưa nặn những bông hoa hồng đỏ thắm, những chú mục đồng ngồi trên lưng trâu thổi sáo… là điều làm chúng tôi cảm thấy ấn tượng hơn cả trong suốt hành trình.

Cũng bởi vì lý do đó, làng nghề truyền thống Xuân La còn là nơi hội tụ nhiều nghệ nhân tài hoa. Điển hình như nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh (66 tuổi) là một trong số ít những người đã gắn bó lưu giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình.

Những nghệ nhân làng nghề truyền thống Xuân La không ngừng miệt mài lao động, sáng tạo ra những con tò he với nhiều màu sắc bắt mắt và đầy đủ kiểu dáng.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh (66 tuổi) là một trong số ít những người đã gắn bó lưu giữ, duy trì và phát triển nghề truyền thống của quê hương mình.

Nghệ nhân Đĩnh vốn được sinh ra trong gia đình có truyền thống nặn tò he tại mảnh đất quê hương này. Chính vì thế, ông được tiếp xúc và bén duyên với nghề ngay từ khi còn nhỏ tuổi. Đến thời học tiểu học, ông Đĩnh bắt đầu theo học nặn tò he và cho ra đời những sản phẩm đầu tay. Thừa hưởng sự khéo léo của ông cha mình, ông Nguyễn Văn Đĩnh với sự sáng tạo không ngừng đã gắn bó với nghề tới nay hơn 50 năm.

Tiếp xúc với ông Đĩnh, điều dễ nhận thấy ông là người hoạt bát, có đức tính kiên trì, ham học hỏi. Có lẽ vì vậy mà ông không bao giờ cảm thấy khó chịu vì những đòi hỏi khắt khe của khách hàng. Ông chia sẻ: Ngày xưa, tò he được gọi với một tên khác là “đồ chơi chim cò”. Lúc đầu thứ đồ chơi này được bắt nguồn từ đất sét nung, sau đó được “nâng cấp” bằng bột nếp và được trẻ con trong làng yêu thích.

Sau một khoảng thời gian có mặt trên thị trường, nhận thấy nhu cầu thiết yếu của việc thiếu thốn đồ chơi trẻ em, các cụ trong làng đã nghĩ ra ý tưởng nặn tò he, vừa để làm đồ chơi cho trẻ em trong làng, vừa đem đi buôn bán cho mục đích kinh tế.

“Kể từ đó cho đến nay, đây không chỉ là một nghề mưu sinh, mà nặn tò he ở làng Xuân La đã trở thành nét đẹp văn hóa dân gian, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử, bản sắc văn hóa và cội nguồn dân tộc Việt Nam”, nghệ nhân Đĩnh nói.

Quả thật là đất làng nghề, ở Xuân La hầu như ai cũng biết nặn tò he. Chúng tôi được tận mắt chứng kiển trẻ con ở đây chừng 4-5 tuổi đã được tập làm quen với những con tò he. Còn đối với nghệ nhân Đĩnh hay như nhiều người khác trong làng thì lên đến độ 14-15 tuổi là có thể ra đường kiếm sống bằng nghề. Việc gắn bó với tò he suốt bao nhiêu năm qua không chỉ là trách nhiệm của một người con lưu giữ truyền thống quý báu của cha ông như ông Đĩnh, mà còn bởi bản thân đam mê và yêu thích với nghề.

Nhớ về những gian khổ trong là nghề, nghệ nhân Đĩnh cho hay: Mấy chục năm về trước, ông và vợ ngày ngày đạp xe từ làng ra phố. Lượn vòng khắp khu vực Cổng đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu, Công viên Thống Nhất hay Công viên Thủ Lệ… Phía sau ông bà chở cả cơ ngơi, “gia tài” là chiếc hòm gỗ nhỏ chứa những khối bột dẻo đã pha sẵn màu…

Cứ vào mỗi dịp lễ Tết, ông bà đều có mặt để đem đến những món tò he trong trẻo, giản đơn mà chứa đựng sức sáng tạo và cảm xúc yêu thương. Đặc biệt, đi đến đâu ông cũng cố gắng dạy nghề, truyền nghề cho những người yêu thích.

Cũng theo nghệ nhân Nguyễn Xuân Đĩnh, có những thời điểm nghề tò he điêu đứng bởi sự bùng nổ của kinh tế thị trường. Thời điểm đó, nguyên liệu phối màu từ thiên nhiên hiếm hơn, trong khi lớp trẻ chọn nhiều nghề có thu nhập cao để làm giàu. Từ đây bắt đầu xuất hiện những loại đồ chơi công nghiệp lấn át các món đồ chơi dân gian.

Vì yêu nghề truyền thống và không chịu khoanh tay đứng nhìn làng nghề mai một, những nghệ nhân và những người tâm huyết với nghề tò he Xuân La đã tìm mọi cách để khôi phục lại nghề cổ của làng. Nhờ đó, hơn 20 năm trở lại đây, tò he nơi đây được phục dựng và từng bước tìm được chỗ đứng trong thị trường đồ chơi Việt.

Quay trở lại câu chuyện của ông Đĩnh, mặc dù tuổi đã cao, thế nhưng ông vẫn tham gia làm tò he tại một số các sự kiện, triển lãm. Với những câu chuyện của mình, ông đã giới thiệu cho du khách biết đến và yêu hơn món đồ chơi truyền thống của địa phương.

Những nghệ nhân và những người tâm huyết với nghề tò he Xuân La đã tìm mọi cách để khôi phục lại nghề cổ của làng.
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành say mê bên những quân tò he.

Song, niềm an ủi khi tuổi già của ông là các con, cháu trong gia đình ai cũng biết làm tò he, có thể sống bằng nghề làm tò he, trong đó người khiến ông tự hào nhất Nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Thành - con trai của ông.

Với tâm huyết duy trì sức sống, sự bền lâu của tò he, anh Thành đã mất một thời gian dài sáng tạo ra những nguyên liệu thay thế bột nếp bằng 5 loại bột cao cấp. Đây chính là những yếu tố giúp tăng tuổi thọ cho món đồ chơi cũng như phục vụ mục tiêu xuất khẩu ra nhiều thị trường trong và ngoài nước.

Nhưng có lẽ, điều đáng quý của anh Thành không chỉ chăm lo nâng cao tay nghề mà còn đau đáu duy trì hoạt động của Câu lạc bộ tò he, đem lại cho các thành viên nhiều hơn nữa cơ hội được phô diễn nghề, nâng cao giá trị cho tò he Xuân La.

Việc Câu lạc bộ nghệ nhân tò he Xuân La ra đời cũng là bước ngoặt góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề. Câu lạc bộ đã tổ chức nhiều cuộc thi nặn tò he, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thường xuyên phối hợp biểu diễn tại các sự kiện văn hóa quốc tế, tại các lễ hội, triển lãm, đón tiếp các đoàn khách

Về sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và những trăn trở phát triển nghề truyền thống quê hương, anh Thành chia sẻ: Nhiều năm trở lại đây, các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm đến vùng nông thôn, quê hương ông cũng đã đổi mới, được Nhà nước mở rộng đường, đổ nhựa từ đường làng đến quốc lộ. Đây cũng chính là điều kiện để có thể phát triển du lịch kết hợp với phát triển làng nghề hiện nay.

“Mong rằng, trong tương lai, làng nghề tò he Xuân La có thể trở thành một điểm du lịch không những trong nước mà nước ngoài biết đến. Từ đó, thu hút khách du lịch về tham quan, trải nghiệm để các nghệ nhân không phải đi xa nữa, có thể làm nghề, sống với nghề, quảng bá sản phẩm ngay trên mảnh đất quê hương”, anh Thành nói.

Theo dòng chảy của thời đại, cùng với sự ra đời của nhiều trò chơi, đồ chơi công nghệ cao, tò he ngày nay phải đối mặt với việc mai một dần dần. Vì vậy, nghệ nhân vẫn luôn có một mối bận tâm, đó là làm sao để hài hòa giữa việc giữ gìn bản sắc và phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương. Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo các lớp kế cận, nghệ nhân Thành không chỉ truyền dạy những bí quyết trong nghề, những kinh nghiệm dày công vun đúc, mà chữ “Tâm” với nghề luôn được nghệ nhân đặt lên hàng đầu.

Huyền Linh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu