08:28 ngày 12/12/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Người tiêu dùng cần cảnh giác với hàng giả, hàng nhái dịp cuối năm

16:51 10/12/2024

(THPL) - Giai đoạn cuối năm và cận Tết, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng cao cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn.

Cuối năm và Tết Nguyên đán là thời điểm các hoạt động kinh doanh, buôn bán trên thị trường nói chung và các sàn thương mại điện tử (TMĐT) nói riêng trở nên nhộn nhịp. Nắm được tâm lý người dùng, nhiều đối tượng xấu đã dùng hình ảnh hàng thật để quảng cáo trên các sàn TMĐT nhưng lại giao sản phẩm giả. Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi, người tiêu dùng dễ dàng sập bẫy.

Điều này không chỉ làm giảm uy tín của doanh nghiệp mà còn gây ra những hệ lụy nghiêm trọng hơn. Với người tiêu dùng, mua phải hàng giả không chỉ là mất tiền mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt khi đó là thực phẩm, thuốc chữa bệnh hoặc mỹ phẩm kém chất lượng...

Nhằm ngăn chặn vấn nạn hàng giả hàng nhái, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã ký ban hành Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương chủ động, kịp thời kiểm soát tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa có nhu cầu cao phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

Trong đó, tập trung kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, đại lý, sàn thương mại điện tử (đặc biệt là sàn giao dịch giá rẻ xuyên biên giới), các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Tiktok...) mua, bán trực tuyến, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng hoạt động kinh doanh để mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...

Lương thực, thực phẩm trở thành ngành hàng bị làm giả, làm nhái nhiều trong những năm qua. Ảnh: Internet

Thực hiện chỉ đạo trên, tại Hà Nội, lực lượng QLTT cho biết sẽ tập trung, đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt là hàng hóa được giao dịch trên các sàn giao dịch xuyên biên giới, cùng các trang mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Zalo…

Theo Cục QLTT Hà Nội, những mặt hàng thường có mức độ tiêu thụ cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, như: rượu, bia, nước giải khát, bánh kẹo, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng, sản phẩm thời trang; nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm; trang thiết bị y tế...

Chỉ cách đây vài ngày, các đơn vị chức năng của Tổng cục Quản lý thị trường đã phát hiện, tạm giữ hơn 200.000 sản phẩm lon bò húc có dấu hiệu xâm phạm quyền nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam, chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Trước đó, hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc, nghi hàng giả, đã bị cơ quan này phát hiện và tạm giữ sau cuộc kiểm tra đột xuất tại một cơ sở kinh doanh ở số 286 đường Nguyễn Xiển, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, các đội quản lý thị trường đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức trong việc tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại. Việc đấu tranh tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu dự báo nhu cầu sử dụng tăng cao trong dịp lễ, Tết như các mặt hàng thuốc lá, pháo nổ, thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm... Địa bàn tập trung kiểm tra là các chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các đầu mối giao thông, điểm tập kết hàng hóa, tuyến giao thông trọng điểm...

Liên quan đến hàng giả hàng nhái, bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia nhận định, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tồn tại do sự bất chấp vì lợi nhuận của người kinh doanh, sự dễ dãi của người tiêu dùng và chế tài xử phạt còn quá nhẹ. Hàng giả làm trì trệ kinh tế, gây bất ổn xã hội, thiệt hại cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn từ các bộ, ngành liên quan.

Hàng giả, hàng nhái không chỉ là vấn đề pháp lý mà còn là ý thức người tiêu dùng và trách nhiệm doanh nghiệp. Để tạo nên một thị trường minh bạch, lành mạnh, cần có sự phối hợp và hành động từ cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc bảo vệ thương hiệu và sản phẩm của mình. Các công nghệ chống giả như tem thông minh, mã QR cần được áp dụng rộng rãi để xác thực nguồn gốc sản phẩm.

Đồng thời, doanh nghiệp cần truyền thông mạnh mẽ về cách nhận biết sản phẩm chính hãng, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt hàng thật – giả. Khi phát hiện hàng giả, doanh nghiệp cần nhanh chóng cung cấp thông tin, bằng chứng cho các cơ quan chức năng để xử lý kịp thời, tránh để tình trạng này kéo dài, gây thiệt hại lớn hơn.

Đối với người tiêu dùng, cần tự trang bị kỹ năng kiểm tra nguồn gốc sản phẩm, sử dụng các công cụ truy xuất thông tin do doanh nghiệp cung cấp như mã QR hoặc ứng dụng xác thực sản phẩm chính hãng. Đồng thời, cần thay đổi thói quen mua sắm, ưu tiên lựa chọn các kênh phân phối chính thức hoặc các sàn TMĐT uy tín thay vì các nguồn không rõ ràng. Đặc biệt là khi mua các sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của bản thân và gia đình.

Khi có sự phối hợp giữa cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người tiêu dùng, thị trường mới thực sự ổn định và lành mạnh trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Tú Anh (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu