12:26 ngày 26/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Người nghệ nhân giữ tinh hoa gốm Việt

12:11 09/02/2023

(THPL) - Với khát khao lan tỏa văn hóa gốm Chu Đậu (xã Thái Tân, huyện Nam Sách, Hải Dương) đến với nhiều người, nghệ nhân Hạ Bá Định đã dành cả cuộc đời mình để gắn bó và thể hiện tài năng lên các sản phẩm gốm Chu Đậu. Tuy đã ngoài 80 tuổi song nghệ nhân Hạ Bá Định vẫn hàng ngày rong ruổi trên chiếc xe máy cũ, di chuyển từ TP. Hải Dương về huyện Nam Sách để vừa dạy, vừa vẽ và nói chuyện về tinh hoa gốm Chu Đậu.

Thăng trầm một dòng gốm cổ 

“Trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông” là những gì giới chuyên môn nói về dòng gốm Chu Đậu vang bóng làng gốm Việt thế kỷ XV-XVI. So với các dòng gốm khác, gốm Chu Đậu có “số phận” thăng trầm hơn. Dù đã từng có giai đoạn gần như thất truyền, gốm Chu Đậu đến nay đã hồi sinh và góp phần không nhỏ làm nên tinh hoa gốm truyền thống của dân tộc.

Lai lịch dòng gốm cổ Chu Đậu được phát hiện khá tình cờ. Năm 1980, nguyên Bí thư Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam Makato Anabuki, trong một lần công tác tại Thổ Nhĩ Kỹ đã vô tình nhìn thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao khoảng 50cm - bảo vật quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ - tại Viện Bảo tàng Topkapi Saray (Istanbul). Đáng chú ý, trên bình có dòng chữ Hán “Thái Hòa bát niên Nam Sách châu, tương nhân Bùi thị Hý bút” (tạm dịch là “Năm Thái Hòa thứ tám (năm 1450) thợ gốm họ Bùi, người châu Nam Sách vẽ”). Nghi ngờ chiếc bình có xuất xứ từ Việt Nam, ông Makato Anabuki gửi thư nhờ đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) xác minh nguồn gốc của chiếc bình gốm đó.

“Trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông” là những gì giới chuyên môn nói về dòng gốm Chu Đậu
Đặc biệt, một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt.

Cũng từ chiếc bình gốm hoa lam tại bảo tàng Thổ Nhĩ Kỳ, các nhà nghiên cứu đã tìm ra cụ tổ nghề của gốm Chu Đậu, cụ bà Bùi Thị Hý, một doanh nhân, một nghệ nhân kỳ tài đã có công tạo dựng dòng gốm Chu Đậu lừng danh. Rất nhiều thông tin về dòng gốm men cao cấp “trong như ngọc, mỏng như giấy, trắng như ngà và kêu như chuông” dần dần được chứng thực. 

Tháng 4/1986, Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hải Hưng tiến hành khai quật diện tích 70.000 m2 tại thôn Chu Đậu, xã Thái Tân và xã Minh Tân, và đã phát hiện nhiều hiện vật gốm cổ, cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Qua đó xác thực làng Chu Đậu từng là nơi sản xuất gốm cao cấp từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17. Theo các nhà khoa học, khi chiến tranh Trịnh - Mạc xảy ra, vùng Nam Sách, trong đó có làng gốm Chu Đậu đã bị tàn phá, các nghệ nhân làm gốm phải phiêu bạt đi nơi khác, làng gốm thất truyền từ đó.

Đặc biệt, một trong những điểm nổi bật của gốm Chu Đậu là các đường nét hoa văn phản ánh đời sống, tín ngưỡng, triết lý và tâm hồn người Việt, trong đó chủ yếu là hình ảnh hoa sen, hoa cúc, chim Lạc Việt. Hiện gốm Chu Đậu chủ yếu được sản xuất theo phương pháp thủ công truyền thống với 3 dòng sản phẩm chính là hàng phục chế theo các mẫu gốm cổ, hàng gia dụng và hàng xuất khẩu. 

Trong đó, nổi tiếng và được ưa chuộng nhất là bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình tỳ bà. Ngoài ra, những sản phẩm khác như: bình cúp Ngũ Hành, ấm rượu Rồng, hũ Hổ Phù… cũng là những sản phẩm làm nên thương hiệu gốm Chu Đậu. Sản phẩm của làng gốm Chu Đậu được xuất khẩu sang hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đồng thời được trưng bày tại 46 bảo tàng của 32 nước trong khu vực và trên thế giới.

Khát vọng vực dậy nghề gốm Chu Đậu 

Sau hơn ba thế kỷ bị thất truyền, làng gốm Chu Đậu được hồi phục và trở thành một trong những đại diện tiêu biểu của gốm Việt Nam. Đặc biệt, nghệ nhân Ưu tú Hạ Bá Định là một trong những người lớn tuổi đã và đang có những đóng vai trò quan trọng trong việc tái sinh làng gốm Chu Đậu. 

Nghệ nhân Ưu tú Hạ Bá Định là một trong những người lớn tuổi đã và đang có những đóng vai trò quan trọng trong việc tái sinh làng gốm Chu Đậu (ảnh: Internet)

Với tài năng được phát hiện sớm cùng với sự dìu dắt của một số nghệ nhân, ông Hạ Bá Định nhanh chóng trưởng thành và trở thành “tay vẽ” số 1 của Nhà máy sứ Hải Dương. Ông không chỉ làm việc trong nhà máy, mà còn dạy nghề cho hầu hết thợ làm tại nhà máy và một số địa phương lân cận cùng làm nghề gốm. Tình yêu với gốm không chỉ là tình yêu công việc. Ngay tại nhà của nghệ nhân Hạ Bá Định, trên tầng 3 là một xưởng gốm nhỏ, tại đây có đất, có lò, có nhiều dụng cụ vẽ cho những bạn trẻ học nghề và thực hành. Với người nghệ nhân già, “tài sản” quý giá nhất của ông chính là các học sinh qua “lò gốm” rồi trưởng thành, các bạn trẻ đam mê quyết tâm giữ nghề và những tác phẩm giá trị thể hiện tính sáng tạo không ngừng.

Hơn 80 tuổi, nghệ nhân ưu tú Hạ Bá Định vẫn ngày ngày làm việc miệt mài như một cách "trả nợ" quãng thời gian gốm Chu Đậu bị chìm vào quên lãng. Biết rằng, vực dậy và phát triển nghề gốm Chu Đậu không phải chuyện dễ, nhưng nghệ nhân Định chưa bao giờ có ý nghĩ bỏ cuộc.

“Tuy vậy, việc vẽ được không phải là vấn đề nhưng dạy được cái hồn người ta cảm nhận thì mới khó. Có những đợt mở lớp không có học sinh, hay học sinh đến được vài buổi rồi bỏ, tôi rất buồn nhưng cũng có thể thông cảm được cho các cháu. Có thể lớn thêm vài tuổi nữa chúng mới hiểu được giá trị và yêu thích gốm. Khi đó quay lại học cũng không muộn, chỉ sợ lúc đó tôi không còn trên đời này nữa để truyền nghề”. – Nghệ nhân Hạ Bá Định chia sẻ.

Với những tâm huyết của mình cho nghề gốm, nghệ nhân Hạ Bá Định đã được Chủ tịch nước tặng Bằng khen năm 2016 vì đã có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ và phát triển gốm Chu Đậu. Suốt mấy chục năm đôi tay dành trọn cho gốm sứ, chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc, nghệ nhân Hạ Bá Định vẫn một lòng nuôi nỗi tâm sự, làm sao để thế hệ sau giữ gìn và tiếp nối môn nghệ thuật truyền thống này.

Huyền Chi

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu